Thương mại điện tử và kinh tế số tại Việt Nam - Điểm sáng trong phát triển kinh tế xã hội

Ngày 21/11, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Thương mại điện tử và kinh tế số ngành Công Thương năm 2023 do Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số tổ chức. Mục đích tạo ra một diễn đàn để các chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận về các sáng kiến hỗ trợ chuyển đổi số ngành Công Thương.

Tham dự chương trình, về phía Bộ Công Thương có ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công Thương; bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số; cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương.

Diễn đàn có sự tham dự của đại diện các công ty, doanh nghiệp thương mại điện tử, các đơn vị áp dụng kinh tế số trong hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện trong giai đoạn giảm mạnh do các chính sách thắt chặt tiền tệ và các yếu tố địa chính trị đã đè nặng lên các hoạt động kinh tế và ảnh hưởng đến mọi mặt của kinh tế xã hội. Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, nhiều ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng cao đang ở mức tăng trưởng âm, kéo theo nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Trước những thách thức đó, thương mại điện tử và kinh tế số tại Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế xã hội. Theo báo cáo mới nhất, Việt Nam hiện đang là quốc gia tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất trong giai đoạn 2022, 2023. Đây chính là thời điểm nước ta xây dựng các mô hình mới, từ đó giúp khôi phục doanh nghiệp và mở rộng thị trường.

Diễn đàn Thương mại điện tử và kinh tế số ngành Công Thương năm 2023 sẽ thảo luận về các xu hướng chuyển đổi số, đẩy mạnh phát triển điện tử, kinh tế số trong các lĩnh vực trọng yếu, các giải pháp xây dựng thị trường thương mại điện tử bền vững…

Diễn đàn hôm nay được Bộ Công Thương kỳ vọng sẽ phát huy vai trò kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội tổ chức và doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi số, thương mại điện tử nhằm đưa ra các chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và kinh tế số ngành Công Thương hiệu quả bền vững.

Bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số phát biểu.

Trình bày chuyên đề về “Định hướng chuyển đổi số ngành Công Thương đến năm 2030”, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cho biết, chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu của thế giới và đây được coi là nguồn tài nguyên vô cùng lớn từ tư duy và trí tuệ. Chính vì vậy, Bộ Công Thương coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng yếu nhằm tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030. Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trong thời gian tới cần chú trọng chuyển đổi các phương thức tác nghiệp quản lý điều hành đơn vị trong Bộ; thứ 2 là đổi mới phương thức để phục vụ người dân và doanh nghiệp trong đó lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ.

Tại diễn đàn, bà Lê Hoàng Oanh đã đề xuất một số giải pháp xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp, năng lượng; xây dựng Chính phủ số, kinh tế số…

Bàn về các giải pháp phát triển xã hội số ngành Công Thương, bà Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh, cần tập huấn, đào tạo chuyên sâu cho cán bộ về thương mại điện từ và kỹ năng số, đào tạo nhân lực số cho các trường đại học, xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên môi trường kinh doanh mạng, trên các sàn thương mại điện tử. Để thực hiện hiệu quả các giải pháp trên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội tổ chức chuyển đổi số và các doanh nghiệp công nghệ thông tin.

Ông Đặng Anh Dũng - Phó Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam.

Ông Đặng Anh Dũng - Phó Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện đang nằm trong top các quốc gia tăng trưởng kinh tế số hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á và được kỳ vọng đến năm 2025 tổng giá trị hàng hóa sẽ đạt 24 tỷ USD.

Mua sắm trên các sàn thương mại điện tử đang trở thành thói quen của người tiêu dùng Việt với với hơn 57 triệu người tham gia mua sắm online trong năm 2022. Theo ông Đặng Anh Dũng, để tiếp tục phát huy và hướng tới phát triển thương mại điện tử bền vững cần chú trọng vào 4 yếu tố then chốt: Kinh doanh bền vững; Phát triển cơ sở hạ tầng tiên tiến; Phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao; Phát triển và ứng dụng công nghệ nâng cao trải nghiệm người dùng.

Bà Cao Cẩm Linh - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam.

Bà Cao Cẩm Linh - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ chuyển đổi số như: Điện toán đám mây, Trí tuệ nhân tạo, Phân tích dữ liệu lớn, Chuỗi khối, Thực thế ảo, Thực tế tăng cường, Internet vạn vật.

Các giá trị mang lại của chuyển đổi số bao gồm: tăng mức hài lòng của người dân, rút ngắn thời gian phục vụ, tăng hiệu quả và minh bạch trong vận hành, hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và tối ưu hóa cách thức quản lý.

Bà Linh nhận định, muốn chuyển đổi số thành công cần có chiến lược bài bản, mục tiêu rõ ràng, ưu tiên những việc khó cần giải quyết trước, chuyển đổi trước. Các giai đoạn chuyển đổi cần đi theo từng bước: số hóa thông tin - ứng dụng CNTT - chuyển đổi số.

Chuyển đổi số tại các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn như: sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn yếu, kết cấu hạ tầng kinh tế chưa đồng bộ, tranh chấp về thương mại biến động phức tạp, khó lường và chứa đựng nhiều rủi ro, chất lượng nguồn lực còn nhiều hạn chế.

Đề xuất giải pháp, bà Cao Cẩm Linh cho rằng, cần xây dựng cổng dữ liệu trao đổi hệ thống liên ngành, nâng cấp giao diện và bố cục của thông tin, đồng thời tích hợp với các ứng dụng khác, tích hợp phần trao đổi, tiếp thu ý kiến, phản ánh của người dân.

Các chuyên gia thảo luận về chủ đề kinh tế số và thương mại điện tử tại Việt Nam.

Sau khi kết thúc phiên báo cáo chính, diễn đàn chuyển sang phần tọa đàm thảo luận các vấn đề xoay quanh kinh tế số và thương mại điện tử tại Việt Nam.

Tọa đàm có sự tham gia của nhiều các diễn giả: ông Nguyễn Thế Quang - Phó Cục trưởng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương; ông Vũ Quang Hùng - Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương; bà Đặng Thùy Trang - Giám đốc Đối ngoại Grab Việt Nam; ông Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Trung tâm Phân tích dữ liệu, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân Đội (Viettel); bà Phùng Thị Thu Hương - Giám đốc cao cấp Khối Ngân hàng giao dịch toàn cầu, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam Techcombank; bà Cao Cẩm Linh - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam; ông Phạm Hoành Sơn - Giám đốc tăng trưởng, AccessTrade; ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng biên tập Báo Công Thương chịu trách nhiệm điều phối buổi tọa đàm.

Minh Đức

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/thuong-mai-dien-tu-va-kinh-te-so-tai-viet-nam-diem-sang-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-699850.html