Thương nhân nước Việt bán buôn sành sỏi từ thời nào?

Thời xưa, thương nhân cũng gặp muôn vàn những hiểm nguy rình rập, nào chính sách ức thương của triều đình, nào quan niệm xã hội rẻ rúng nghề buôn.

Trong các ngành nghề cổ kim của nước Việt, nghề kinh doanh, buôn bán là một trong những nghề có từ lâu đời. Và người theo nghề ấy, xưa gọi là thương nhân, còn nay ở thời hiện đại, quen thuộc với tên gọi doanh nhân. Quay về thời xưa, thương nhân được hiểu là lớp người trung gian của hoạt động sản xuất, tiêu dùng, họ thoát ly sản xuất để làm công việc mua bán, trao đổi, giúp cho hàng hóa được luân chuyển từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng, điều hòa thị trường, cân bằng cung - cầu.

Ngay từ thời lập quốc đầu tiên, tương ứng với nhà nước Văn Lang, Âu Lạc cách đây hơn 2.700 năm, hoạt động giao thương buôn bán đã diễn ra không chỉ trong nội tại quốc gia, mà vượt biên giới và có tính liên khu vực. Bằng chứng được thể hiện qua những phát hiện khảo cổ học. Tỉ như dao găm có chắn tay (kiếm ngắn) phổ biến ở lưu vực sông Hồng được tìm thấy cả ở lưu vực sông Mã, hay những chiếc trống đồng Đông Sơn không chỉ có ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ của Việt Nam, mà còn thông qua thuyền buôn, vượt biển sang Trung Hoa và nhiều nước Đông Nam Á… Ngay trong đám mây mờ của huyền tích ta cũng thấy bóng dáng của hoạt động buôn bán như Chử Đồng Tử cùng Tiên Dung mở phố chợ, lập phố xá buôn bán, Mai An Tiêm trao đổi dưa với phường buôn,…

Họp chợ thời xưa. Tranh minh họa.

Mặc dù thời phong kiến, trong “tứ dân chi nghiệp” thì thương nghiệp bị xếp hàng chót (sĩ, nông, công, thương) nhưng hãy xem, nhờ có thương nghiệp, có thương nhân hàng hóa mới luân chuyển từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Và vua Lê Thánh Tông trong Thập giới cô hồn quốc ngữ văn đã miêu tả được đặc trưng hoạt động của thương nhân:

Họp bạn khách thương,

Làm hàng thị tứ.

Dạo khắp sơn xuyên dã huyện,

Thông thâu hồ hải giang khê.

Kèm theo đó là tính chất của nghề này là “Sống bởi chưng ăn lãi, ăn lời”. Trong khi đó đời sau, Lê Quý Đôn nhìn nhận vai trò của nghề này là “phi thương bất hoạt”. Kinh tế phát triển được, sản phẩm, hàng hóa luân chuyển, điều hòa được, chính là nhờ ở nghề buôn.

Người làm nghề buôn bán, xưa nay giữ được các đạo buôn thì luôn được người đời kính trọng. Đó là cái đức ngay thẳng, thành tín, sòng phẳng trong buôn bán, biết “ăn lãi tùy chốn, bán vốn tùy nơi”.

Trong nghiệp buôn bán, thương nhân cũng gặp muôn vàn những hiểm nguy rình rập, nào chính sách ức thương của triều đình, nào quan niệm xã hội rẻ rúng nghề buôn, nào quan lại hà hiếp. Thế nên thời Lê sơ vua Lê từng định luật phạt chủ là người có chức quyền dung túng cho kẻ hầu người hạ ra các chợ ức hiếp mua rẻ hàng hóa; rồi lại trong nghề buôn, việc buôn gian bán lận cũng không thiếu, khiến có kẻ sạt nghiệp vì bị lừa. Vốn thân mang tiền để mua hàng, hay bán hàng mà có tiền, nên hiểm nguy bị cướp, bị trộm cũng không thiếu. Như trong Đại Nam thực lục từng ghi lại việc năm Ất Tỵ (1845) thời vua Thiệu Trị, tỉnh Quảng Nam có bọn cướp cả trăm tên hay cướp, giết thương nhân để đoạt của cải.

Nghiệp bán buôn trong lịch sử Việt Nam xưa, không chỉ gắn với xã hội mang tính quảng giao, mà còn liên quan cả đến vấn đề chính trị. Nói đâu xa, Quận Bằng Nguyễn Hữu Chỉnh thời Lê mạt chính là con của phú thương Nguyễn Mẫn. Hay Vũ trung tùy bút cho hay gia đình giới thương nhân Thăng Long thích cho con gái kết hôn với những người đỗ đạt… Nhưng có lúc thương nhân cũng can dự cái tệ như dạo Lê mạt, có lệ “sinh đồ ba quan” thí sinh chỉ cần nộp ba quan tiền là qua kỳ khảo hạch thi Hương, thế nên như Đại Việt sử ký tục biên cho biết, mới có cái việc người làm ruộng, kẻ đi buôn cũng nộp tiền đi thi.

Ấn phẩm về thương nhân và nghề buôn xưa ở Việt Nam của tác giả Nguyễn Thanh Tuyền, do NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành. Ảnh: Q.M.

Những vấn đề thú vị về thương nhân cùng nghiệp buôn xưa ở nước Việt được nói tới ở trên, được thể hiện sống động hơn qua tác phẩm Thương nhân Việt Nam xưa - Vấn đề, nhân vật và giai thoại vừa mới được ấn hành nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Ngẫm ngợi những vấn đề liên quan đến một lớp người xưa trong xã hội, cùng ngành nghề ra đời từ sớm trong lịch sử nước Việt, chính là một sự chiêm nghiệm cho đội ngũ doanh nhân thời nay vậy.

Trần Đình Ba

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/thuong-nhan-nuoc-viet-ban-buon-sanh-soi-tu-thoi-nao-post1000931.html