Thương nhau kiểu đó bằng mười hại nhau

Thời Covid-19 thì 'giải cứu' là cụm từ khá phổ biến. Nhưng khi cam Phủ Quỳ (Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Nghệ An) đang tràn lan khắp đường phố Hà Nội thì chính người trồng cam đã phải gọi điện đến tòa soạn chua chát: Ôi, các bác làm thế, thương nhau kiểu đó bằng mười hại nhau rồi các bác ơi!

Năm nay vùng cam Phủ Quỳ được mùa nhưng do dịch Covid-19 nên thương lái ngại, không đến thu mua, khiến tồn đọng hàng nghìn tấn cam tại các vườn, bà con nông dân điêu đứng. Nhiều cá nhân, tổ chức Hà Nội và các địa phương đứng ra tổ chức thành đoàn vào tận vườn mua giải cứu nông dân là một việc làm đáng trân trọng. Nhưng do chưa hiểu biết nhiều về thị trường và sản phẩm nên các “thương lái bất đắc dĩ” này thay vì phân loại, mua theo cam loại 1, loại 2 như các thương lái chính hiệu lâu nay vẫn làm thì họ lại tập trung mua xô, mua ngang tại vườn chất ngay lên xe ô tô cho thuận tiện, nhanh gọn.

Trong các chiến dịch giải cứu cam đẹp, cam xấu, cam ngơ, xồ, cháy, loại 1, loại 2 gì đều được thu mua, cắt bỏ vào sọt tất cả với giá chỉ khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg. Nhưng thay vì phân loại để bán theo các mức giá khác nhau thì các “thương lái bất đắc dĩ” bán đồng hạng 4.000 - 5.000 đồng/kg, sau khi cộng chi phí vận chuyển từ Nghệ An ra Hà Nội.
Thế là trên các điểm bán treo biển “giải cứu cam Quỳ Hợp” hiện nay tại Hà Nội, ai đến trước mua trước, còn được cam ngon, người đến sau chỉ nhận được những quả cam ngơ, xồ, xốp mua về tuy rẻ nhưng về đến nhà chỉ có nước vất vào sọt rác. Nếu gặp xe cam nào xui xẻo gặp tình trạng bà con nông dân còn bốc luôn cả cam xanh, cam rụng (vì người ta giải cứu là thương mình, xấu tốt cho vào sọt tất, chắc không sao) thì tình hình còn tồi tệ hơn.
Tiếng lành đồn một, tiếng xấu đồn mười, vậy là vô tình giải cứu được vài trăm tấn cam nhưng lại mất uy tín, thương hiệu của cả một vùng cam Phủ Quỳ mất bao công sức tạo dựng thương hiệu sản phẩm hàng chục năm nay. Điều quan trọng là khi thị trường “dị ứng” với cam Phủ Quỳ thì thương lái lại có điều kiện ép giá mùa sau, người trồng cam Quỳ Hợp sẽ lâm vào cảnh “thiệt đơn, thiệt kép”. Một cái vòng luẩn quẩn mà người thiệt thòi lâu dài vẫn là nông dân.
Đến giờ tâm lý người tiêu dùng dù mua hàng hóa “giải cứu” hay tại các chợ, siêu thị thì điều đầu tiên sản phẩm phải dùng được, chớ không phải mua về để bỏ vào sọt rác nên đòi hỏi “người giải cứu” cũng cần phải có trình độ hiểu biết nhất định về sản phẩm. Chúng ta cần truyền thông quảng bá, giới thiệu mạnh mẽ đến người tiêu dùng cả nước nhiều hơn, phối kết hợp cùng với các tỉnh thành, các DN để tìm hướng đầu ra hỗ trợ cho nông dân. Các cá nhân, tổ chức khi đứng ra triển khai hỗ trợ hoặc giải cứu cần thực hiện một cách khoa học, bài bản có tổ chức chứ không làm kiểu bộc phát, tức thời.
Địa phương cần đứng ra tổ chức họp nông dân để hướng dẫn lựa chọn sản phẩm đạt chất lượng, thống nhất quy cách đóng gói đảm bảo và có thể truy xuất thông tin từng hộ (khách mua xong ăn ngon có thể đặt trực tiếp qua nông dân), thống nhất giá cả tránh bị ép giá. Người nông dân cũng phải có trách nhiệm tới thương hiệu và sản phẩm của mình dù bán cho thương lái hay những người đi giải cứu, bởi rốt cuộc sự hài lòng của thị trường luôn là thước đo cho mọi sản phẩm.
Tiếng kêu của người trồng cam Phủ Quỳ cũng là tiếng kêu của nhiều bà con nông dân Việt Nam nói chung. Những chia sẻ này chắc chắn sẽ khiến chúng ta suy nghĩ nhiều, bởi bên cạnh tấm lòng dành cho bà con, chúng ta cần phải làm thế nào để các cuộc giải cứu có hiệu quả cao nhất.

Nguyễn An Thanh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tieng-dan-thuong-nhau-kieu-do-bang-muoi-hai-nhau-414782.html