Thượng thư một ngõ, bốn vì hiển vinh

'Chung linh đất Sủi ai bì/Thượng thư một ngõ, bốn vì hiển vinh', câu thơ ngắn gọn ấy trong 'Kinh Bắc phong thổ diễn quốc sự' đã phần nào nói về mảnh đất làng Sủi, quê hương của 'Thánh Quát' Cao Bá.

Làng Sủi, ấy là một cái tên cổ gắn với Phú Thị (Gia Lâm - Hà Nội). Tôi thật không tường những tích liên quan đến chữ Sủi, nhưng biết rằng ngôi làng cổ xưa này đã là một vùng đất linh với Bà Tấm - Nguyên Phi Ỷ Lan. Mảnh đất sinh ra người con gái đẹp, sau này phụng mệnh trời mà buông rèm nhiếp chính, cùng Lý Đạo Thành, Lý Thường Kiệt một tay khoát cõi thiên hạ đánh tan Tống tặc phương Bắc.

Rồi, lịch sử như một lớp bùn phủ quá khứ, lớp thời gian cứ dầy lên như phù sa nuôi dưỡng những mầm lộc tinh hoa cho đất nước thêm hùng vĩ. Và, cũng thật chẳng phải tự nhiên mà làng Sủi sản sinh cho đất nước 10 tiến sĩ hiển vinh. Tất cả đều có những nguyên do thú vị.

Đất Mộc tinh

Nói đến Phú Thị, người ta không chỉ nói đến một vùng đất cổ, ở vị trí hiểm yếu nhưng lại tiện lợi về giao thông. Theo sách đăng khoa lục, dưới thời phong kiến, làng Sủi có 10 người đỗ đại khoa, tất cả đều là “Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân”. Trong đó họ Nguyễn Huy chiếm đông nhất: 5 người, số còn lại thuộc các họ Cao, Đoàn, Trịnh, Trần, Nguyễn Xuân.

Theo các cao niên họ Nguyễn, thì cụ tổ thứ hai là Đức Hữu có ba người con trai tên là Đôn Thận, Đôn Tập và Siêu Lang. Khi cụ mất, các con theo lời thầy địa lý, chôn cụ tại một đám đất hình Mộc tinh ở xứ Mả Cả, sát một vũng trâu đầm. Được hơn nửa tháng, con cháu trong nhà lần lượt ốm đau mắc bệnh, nghĩ rằng mộ cha bị động nên di đi nơi khác.

Khi đang đào, thì trời nổi mưa gió không thể đào tiếp được. Từ trong tiếng mưa gió gào thét, bỗng vang lên tiếng trẻ trâu hát rằng: “Biết đâu đã hẳn hơn đâu/Có chốn thì cầu, có chốn thì vong”. Các con bèn bàn nhau: “Mộ cha chúng ta chôn ở đây phải chăng đã được thần xá khẩu để làm phúc cho con cháu”, bèn thôi không đào nữa, chỉ đắp thêm rồi ra về.

Từ đó, gia đình hết ốm đau bệnh tật, làm ăn phát đạt, con cháu học hành tấn tới. Sau này dòng họ có các tiến sĩ là Nguyễn Huy Nhuận (con ông Đôn Thận), Nguyễn Huy Mãn (con ông Phúc Tập) và Nguyễn Huy Thuật (con ông Siêu Lang). Gia phả của dòng họ Nguyễn có khẳng định, rằng: “Họ ta được hiển đạt tiếp phúc nhờ ngôi mộ này”.

Đình đền làng Sủi, nơi lưu giữ nhiều tư liệu cổ của khoa bảng

Đình đền làng Sủi, nơi lưu giữ nhiều tư liệu cổ của khoa bảng

Tiến sĩ 16 tuổi chưa biết chữ

Ở làng Sủi còn lưu truyền câu chuyện có thật về vị tiến sĩ nổi tiếng nước ta là Trịnh Bá Tướng. Tướng vốn quê ở Nghệ An, được bố đưa ra học Nguyễn Huy Nhuận rồi lập nghiệp ở quê thầy. Khi ra học, Trịnh Bá Tướng đã bước sang tuổi 16 nhưng chưa hề biết chữ.

Bố ông nói với Nguyễn Huy Nhuận: “Nhà tôi ăn mặc may cũng vừa đủ, chỉ có điều có đứa con trai đã 16 tuổi mà chưa biết chữ, sau này dễ bị người khác lừa. Tôi đem gửi nó cho anh, xin cho nó được ăn mày dăm ba chữ, để mong khi làm giấy tờ khỏi phải điểm chỉ”. Được thầy giỏi chỉ bảo, Trịnh Bá Tướng nhanh chóng vượt qua được các chương học. 14 năm sau ông dự kỳ thi, đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu niên hiệu Bảo Thái đời Lê Dụ Tông. Sau khi đỗ, ông rời làng đi làm quan. Hiện ở làng vẫn còn nhà thờ và sắc phong của ông.

Cạnh họ Trịnh là họ Trần, theo “Thế ngọc đường gia phả tựa” ghi hai ông bà Trần Quốc Thạch sống bằng nghề cáng thuê. Một lần, hai ông bà đi làm, đến ngã tư ấp Sủi, thấy có một người ốm yếu nằm bên đường. Động lòng thương, ông bà đưa người đó về nhà cho ăn cơm, uống thuốc.

Được vài ngày, bệnh tình người đó không thuyên giảm. Biết không thể sống được nữa, người đó nói với ông bà rằng: “Tôi vốn là thầy địa lý người Tàu, không may gặp phải nạn này. Ông bà quả là người giàu lòng nhân đức, không biết lấy gì để tạ ơn, tôi xin tặng ông bà chỗ đất tốt đặt mộ sau này, con cháu sẽ phát đạt”.

Nói rồi, thầy địa lý lấy bút vẽ sơ đồ chỗ đất ấy. Sau này, trước khi mất, ông bà dặn lại các con chôn mình đúng nơi thầy địa lý đã dặn. Mộ được tọa Quý, hướng Đinh, đằng trước có ruộng trũng, dáng như nghiên mực; đằng sau - phía xa có gò tựa cái lọng che, hai bên cạnh mộ có hai dải đất tựa cái mũ, xa hơn một chút là các gò voi phục, ngựa quỳ.

Đúng như lời thầy địa lý, ông bà có 3 người con trai đều trở thành những người đỗ đạt khoa bảng. Trong đó, nổi tiếng nhất là Trần Huy Liễn làm đến Đông các Đại học sĩ kiêm Thự Tham chính ở Hải Dương. Ở làng Sủi bây giờ vẫn còn lưu truyền bài thơ: “Triều đình sáu bộ Thượng thư/Làng ta được bốn, từ xưa mấy làng?/Bầu hoa chén rượu cúc vàng/Ba quan hưu trí cẩm đường tiêu dao/Rừng nho nối gót vân tiêu/Trâm anh lần lượt biết bao nhiêu người”.

Những văn bia tiến sĩ đến nay vẫn giữ được tại đình

“Thánh Quát” làng Sủi

Làng Sủi Phú Thị chính là quê hương của văn tài xuất chúng Cao Bá Quát. Các cao niên trong làng đều công nhận ông là một thần đồng nổi tiếng. Khi hay tin Nguyễn Văn Siêu đang dạy học ở Thăng Long, Bá Quát từ làng Sủi tìm sang.

Đang dạy học, thấy chàng thiếu niên tựa cửa dòm vào, Văn Siêu ra vế đối thử tài: “Tiên sinh tọa tịch thượng, cót chi két, két chi cót, cót cót két két”. Bá Quát đối lại: “Tiểu tử nhập đình trung, thẩn chi thơ, thơ chi thẩn, thẩn thẩn thơ thơ”. Văn Siêu cả mừng, biết đây là văn tài, hỏi ra mới đó là Bá Quát thần đồng. Từ đó, hai người thành đôi bạn thân thiết, mặc dầu tuổi tác chênh nhau.

Cao Bá Quát vốn có tính ngông, ai ông cũng chê là học dốt. Ông từng nói: “Cả thiên hạ có 4 bồ chữ, anh tôi là Bá Đạt và ông Nguyễn Văn Siêu giữ một bồ, một mình tôi chiếm hai bồ, còn một bồ thì thiên hạ chia nhau”. Nhiều người cho rằng đó là lời nói kiêu căng, nhưng cũng phải công nhận là “Thần Siêu, Thánh Quát”.

Ông Cao Bá Ấm, hậu duệ Cao Bá Quát và cũng là thành viên trong ban quản lý đền thờ, cho biết sau khi Cao Bá Quát nổi dậy chống triều đình và bị trả thù thì con cháu chạy đi các nơi nên bản gia phả gốc của họ không còn. Sau một thời gian bị triều đình nhà Nguyễn truy đuổi, một số người trong họ lại trở về làng và nhiều người đỗ đạt, làm quan trong triều.

Kiều Trang

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/thuong-thu-mot-ngo-bon-vi-hien-vinh/838874.antd