THƯỢNG TÔN PHÁP LUẬT LÀ VĂN MINH!

Sinh ra từ nền sản xuất canh tác lúa nước nhỏ lẻ, manh mún, lớn lên trong cộng đồng văn minh làng xã bao bọc bởi lũy tre nên người Việt sống thiên về tình cảm.

Mà đã gọi là tình cảm thì cảm tính, thiếu đi sự phân tích, phán xét của lý trí. Vì thế người Việt thường có lối ứng xử theo tập quán, thói quen hơn là theo luật pháp, “phép vua thua lệ làng”. Người ta xa lạ với luật pháp, coi chuyện “kiện tụng” ra tòa là sự bất hạnh, “vô phúc đáo tụng đình” nên gặp chuyện gì thì “xuê xoa”, “một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”, “chín bỏ làm mười” để “hòa cả làng”… Những mặt trái ấy ngày nay trở thành lực cản trong sự phát triển của xã hội văn minh!

Mặt trái của tính tự trị trong cộng đồng làng xã xưa là tính tư hữu ích kỷ: “Của mình thì giữ bo bo/ Của người thì để cho bò nó xơi”. Không chỉ “bo bo” về vật chất, còn là “bo bo” về quan điểm, ý kiến… một cách rất cực đoan.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Quen với tập quán canh tác lúa nước phụ thuộc vào thời tiết mà không cần giờ giấc cụ thể nên người ta nảy ra một thói quen xấu là bệnh tùy tiện. Căn bệnh này vẫn còn thể hiện trong xã hội hiện đại với đặc trưng là sự tuân thủ quy định, quy ước, luật pháp. Biểu hiện rõ nhất khi tham gia giao thông, mạnh ai người nấy đi, chỗ nào đi được đều có thể đi… nên hay “tắc đường” là dễ hiểu. Chuyện va chạm cũng dễ xảy ra. Vì ức chế bị dồn nén bởi sự chậm trễ, bởi khói bụi, bởi sự ồn ào, căng thẳng… nên người này thay vì xin lỗi, thăm hỏi thì đã đổ vấy cái sai cho người kia; thay vì gọi cảnh sát phân giải, xét xử thì sửng cồ, hăm dọa… Đúng là rất “tiểu nông” xưa cũ, không chỉ phản cảm mà còn phản khoa học trong xã hội tuân thủ tinh thần thượng tôn pháp luật.

Không chỉ một biểu hiện ở phương diện giao thông, thói xấu này còn có ở mọi ngóc ngách của đời sống. Có thể cô giáo sai về động cơ khi “phạt” học sinh (vì vô lễ, vì không học bài…) nhưng phụ huynh “phạt” lại cô giáo thì rõ ràng vừa vi phạm pháp luật, vừa vi phạm đạo lý (tôn sư trọng đạo). Nợ nần, tranh chấp nhau, thay vì nhờ công an điều tra rồi đưa ra tòa án giải quyết đòi lại công lý thì lại gọi “xã hội đen”… phân xử thì thành ra cũng “đen” cả… vì không tỉnh táo về lý trí, mơ hồ về luật pháp và ráo cạn về tình người…

Với xã hội hiện đại thì sống và làm việc phải tuân theo pháp luật. Vì pháp luật bảo đảm cho sự tồn tại, phát triển của xã hội, là một công cụ cơ bản quản lý nhà nước. Pháp luật là điểm tựa để ý thức đạo đức phát triển mạnh mẽ hơn, lành mạnh hơn, từ đó tạo ra những giá trị mới để hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Người ta chưa thượng tôn pháp luật vì chưa hiểu luật, về vai trò, giá trị, chức năng và nội dung của những luật cụ thể. Chưa hiểu thì chưa thể nói tới sự vận dụng, thực hành, lan tỏa trong đời sống. Ngày nay, học sinh phổ thông đã được học luật nhưng còn rất nhiều người lớn, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa biết đến ánh sáng luật pháp. Ở cấp xã chúng ta có cán bộ tư pháp nhưng nhiệm vụ chính của họ là tư vấn, giải quyết pháp lý chứ không phải giáo dục pháp luật.

Tại sao có cán bộ công chức ở thành phố lẽ ra là những tấm gương trong việc thực hiện sống và làm việc theo pháp luật vẫn phạm luật? Vì dù có học luật nhưng học qua loa, và cái căn bệnh tùy tiện, ích kỷ của người tiểu nông xưa trong họ chưa gột bỏ được!

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/thuong-ton-phap-luat-la-van-minh-598386