Thường trực HĐND TP Cần Thơ chỉ ra 5 tồn tại trong công tác thu hồi đất

Công tác thu hồi đất trên địa bàn Cần Thơ chỉ đạt 43,24% do nhiều nguyên nhân, trong đó có xác định giá đất bồi thường.

Chiều 26-5, tại Sở TN&MT TP Cần Thơ, Đoàn giám sát của Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP đã giám sát công tác thu hồi đất các dự án theo Nghị quyết của HĐND thành phố.

Chính sách về đất đai trong thu hồi đất còn bất cập

Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện Sở TN&MT Cần Thơ cho biết TP hiện có 78 dự án với diện tích cần thu hồi đất 1.440,22ha. Trong đó, dự án đã hoàn thành công tác thu hồi đất là 22 dự án với diện tích 258,06ha; 52 dự án đang thực hiện công tác thu hồi đất (diện tích 1.120,34ha) và có 2 dự án không triển khai thực hiện thu hồi.

Sở TN&MT đánh giá tiến độ thực hiện công tác thu hồi đất trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2023 đạt 43,24%, kết quả thực hiện tương đối thấp so với Nghị quyết HĐND thành phố.

Còn công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, thành phố có tổng cộng 5 dự án với diện tích hơn 225 ha đất trồng lúa cần chuyển nhưng hiện vẫn chưa thực hiện. Trong đó có 3 dự án trên 10ha đất trồng lúa có diện tích hơn 210 ha gồm Dự án khu đô thị mới và khu công nghệ thông tin tập trung (35,9ha) đang trình Thủ tướng Chính phủ; còn Dự án Công viên Vĩnh Hằng Miền Tây (75,42ha) và Dự án Khu Đô thị mới tại phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt và xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh (101,89ha), UBND TP đã thu hồi chủ trương đầu tư.

Nêu nguyên nhân công tác thu hồi đất chậm, lãnh đạo Sở TN&MT cho rằng công tác thực hiện phương án tái định cư tại các dự án cần nền tái định cư gặp khó khăn; một số dự án không phù hợp với quy hoạch chung xây dựng, cần phải điều chỉnh vị trí quy hoạch, một số chính sách về đất đai trong công tác thu hồi đất còn bất cập… đặc biệt là việc xác định giá đất bồi thường.

Tại cuộc họp, các đại biểu đều thống nhất nguyên nhân công tác thu hồi đất gặp khó khăn là do có bất cập trong chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân.

Ông Mã Khánh Hậu – Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều

“Thực tế trên địa bàn Ninh Kiều cho thấy các dự án có vốn đầu tư ODA làm rất nhanh, còn dự án của địa phương làm chủ đầu tư thì rất khó, chậm vì chính sách khác nhau, ngay cùng trên một địa bàn mà dự án của 2 chủ đầu tư khác nhau thì chính sách cũng khác nhau. Ví dụ như trên cùng phường An Bình, dự án có vốn ODA của Ngân hàng Thế giới người ta có chính sách 1.000m2 đất nông nghiệp đổi 1 nền nhưng đối với Khu tái Định cư Ninh Kiều, vốn địa phương thì không được vậy nên người dân họ không đồng ý và cứ khiếu nại” - ông Mã Khánh Hậu – Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều thông tin.

Bên cạnh đó địa phương còn cho rằng đơn giá bồi thường, hỗ trợ về về đất, cây trồng, vật kiến trúc hiện tại của thành phố đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế nên công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn và kiến nghị xem xét ban hành lại cho phù hợp.

Cần giải bài toán định giá đất

Tại cuộc họp, các địa phương cũng bày tỏ lo lắng về việc ủy quyền cho UBND cấp huyện xác định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất và thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư theo Nghị quyết 37 của Chính phủ. Theo đó các địa phương cho rằng nguồn nhân lực không đủ, cán bộ không có chuyên môn về thẩm định… nên sẽ dễ xảy ra sai sót. Từ đó các địa phương đề nghị được các cơ quan chuyên môn hỗ trợ, tập huấn để thực hiện công tác này.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng Ban đô thị HĐND TP Cần Thơ

Ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng Ban đô thị HĐND TP Cần Thơ cho rằng để cải thiện công tác thu hồi đất thì cần phải tập trung giải quyết các vấn đề thì trước hết Sở TN&MT phải nghiên cứu và có những kiến nghị cụ thể trình HĐND xem xét tháo gỡ

"Việc chậm định giá đất, người dân muốn đóng tiền nền tái định cư để lấy giấy đất nhưng không được. Quyền lợi của người dân bị treo mãi như vậy là trái quy định pháp luật" - Ông Thiều Quang Thân - Phó Trưởng ban Kinh tế - ngân sách.

“Sở TN&MT cứ than là khó, vướng chỗ này chỗ kia nhưng các anh không có kiến nghị thì làm sao mà gỡ được. Thứ 2 là phải giải được bài toán định giá thấp, nhất là việc định giá đất khu vực giáp ranh các quận huyện phải phù hợp. Bên cạnh đó các đơn vị địa phương cần phải xem xét lại công tác phối hợp có chặt chẽ chưa. Chứ như dự án kè sông Cần Thơ, chỉ còn 1 hộ nhưng 10 năm nay không giải phóng mặt bằng được thì công tác phối hợp thời gian qua như thế nào” – ông Dũng lưu ý.

Ông Nguyễn Xuân Hải – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Cần Thơ (đứng). Ảnh: HD

Sau khi nghe các đơn vị trình bày, ông Nguyễn Xuân Hải – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Cần Thơ đã chỉ ra 5 tồn tại trong công tác thu hồi đất gồm: Ban hành giá đất chậm; người dân khiếu nại; công tác tái định cư chưa theo sát tiến độ thu hồi; một số đơn vị thiếu quyết tâm, thiếu trách nhiệm trong công tác thu hồi và một số chính sách đất đai liên quan đến thu hồi còn bất cập, khó khăn cần sửa đổi. Từ đó ông Hải đề nghị các đơn vị phải thực hiện chặt chẽ hơn nữa, đảm bảo đúng các quy định về công tác thu hồi đất.

“Còn vấn đề ủy quyền xác định giá đất cho các địa phương, biết là sẽ khó nhưng Nghị quyết đã có thì chúng ta phải thực hiện. Vấn đề hiện tại là chúng ta bàn cách thực hiện như thế nào để nhanh và đúng. Còn Sở TN&MT cần phải quan tâm đẩy nhanh xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai; công tác định giá đất và hệ số giá đất hàng năm” – ông Hải lưu ý.

HẢI DƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/thuong-truc-hdnd-tp-can-tho-chi-ra-5-ton-tai-trong-cong-tac-thu-hoi-dat-post735152.html