Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra sơ bộ dự án Luật Phòng thủ dân sự

Chiều 19.9, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, 22 Hùng Vương, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã họp mở rộng, thẩm tra sơ bộ dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Tân Cương; Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh và đại diện Thường trực các Ủy ban: Đối ngoại; Tư pháp; Xã hội; Pháp luật; đại diện Ban soạn thảo dự án Luật Phòng thủ dân sự, cùng một số bộ, ngành liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Lê Tấn Tới phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Lê Tấn Tới phát biểu

Trình bày Tờ trình dự án Luật do Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình cho biết, việc xây dựng Luật này nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho việc chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra.

Đặc biệt, mới đây, Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30.8.2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo đặt ra mục tiêu đến năm 2025 “xây dựng Luật Phòng thủ dân sự và các văn bản pháp luật liên quan, trong đó chú trọng bổ sung cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, chủ trương chính sách trưng thu, trưng dụng, huy động lực lượng, phương tiện, vật chất cho nhiệm vụ phòng thủ dân sự, đặc biệt trong lĩnh vực phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, nguy hiểm…; tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phòng thủ dân sự”. Một trong các nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự là “Khẩn trương xây dựng Luật Phòng thủ dân sự; rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự; đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ phòng thủ dân sự trong tình hình mới”.

Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình trình bày Tờ trình dự án Luật

Dự thảo Luật gồm 7 Chương, 71 Điều, quy định về hoạt động phòng thủ dân sự; Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng phòng thủ dân sự; Quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; Nguồn lực, chế độ, chính sách đối với người tham gia hoạt động phòng thủ dân sự; Quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự…

Đa số đại biểu cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự luật như Tờ trình đã cơ bản bao quát được các nội dung có liên quan đến phòng thủ dân sự. Việc bổ sung cấp độ phòng thủ dân sự (từ cấp độ 1 đến cấp độ 4) là vấn đề mới để phân biệt với các dạng cấp độ thảm họa, sự cố đã được quy định tại các luật chuyên ngành, như: Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Phòng cháy, chữa cháy; Luật Đê điều; Luật Thủy lợi... Cấp độ phòng thủ dân sự sẽ được xác định làm căn cứ để áp dụng các biện pháp hoạt động phòng thủ dân sự phù hợp.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị, vẫn cần nghiên cứu, phân tích, đánh giá cụ thể, khoa học, làm rõ phạm vi, cách thức, mức độ, tiêu chí xác định cấp độ. Một số ý kiến đề nghị, dự thảo Luật chỉ nên điều chỉnh về phòng ngừa, ứng phó với thảm họa, sự cố gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, còn các sự cố thông thường đã có các luật chuyên ngành điều chỉnh; ý kiến khác đề nghị dự thảo Luật chỉ điều chỉnh đối với các dạng thảm họa, không điều chỉnh đối với sự cố bởi tính chất của thảm họa mới đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất nước, Nhân dân và nền kinh tế…

Quang cảnh cuộc họp

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc xác định phạm vi điều chỉnh rất quan trọng, chi phối toàn bộ nội dung dự thảo Luật. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ để xây dựng nội dung phòng thủ dân sự với vai trò là một bộ phận của phòng thủ đất nước nhưng không chồng lấn sang phạm vi điều chỉnh của các luật chuyên ngành. Nhiệm vụ của Luật Phòng thủ dân sự là xây dựng những nguyên tắc ứng xử, những quy định chung nhất, bao quát, ổn định nhất cho tất cả các dạng thảm họa, sự cố đã được các luật chuyên ngành quy định; những tiêu chí, mức độ các thảm họa, sự cố khi xảy ra sẽ làm căn cứ để “kích hoạt” cấp độ phòng thủ dân sự phù hợp. Luật cũng không quy định lại, không thay thế vụ của các luật khác khi xử lý các rủi ro, tai nạn, sự cố thông thường.

Kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Ban soạn thảo dự án Luật tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện Báo cáo thẩm tra trình tại phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Tin và ảnh: Trung Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/thuong-truc-uy-ban-quoc-phong-va-an-ninh-tham-tra-so-bo-du-an-luat-phong-thu-dan-su-i301084/