Thượng úy Trần Xuân Lộc và tình yêu dành cho nghề cảnh sát giao thông

Sinh năm 1988, tốt nghiệp Trung cấp CSDN1 khoa CSGT năm 2006, tốt nghiệp Học viện ANND năm 2013, thượng úy Trần Xuân Lộc hiện đang là Phó đội trưởng đội CSGT-TT, Công an thị xã Phú Thọ.

Cảnh sát giao thông cũng là một nghề, mà khi đã là nghề thì cũng có bao thăng trầm, vất vả nắng mưa và luôn thường trực nguy hiểm. Ngày mưa cũng như ngày nắng, các chiến sỹ phải đứng trên đường để đảm bảo an toàn giao thông mỗi khi vào ca trực. Xử lý những sai phạm của người tham gia giao thông và ngăn chặn những “quái xế” trên đường, đảm bảo những tuyến đường được thông suốt và an toàn. Có những ngày nắng nóng đỉnh điểm, ai cũng sợ ra đường thì các chiến sỹ giao thông vẫn phải làm nhiệm vụtrên từng cây số. Biết bao vụ việc thương tâm do “quái xế” gây ra với những người chiến sỹ, biết bao mồ hôi và xương máu đã đổ xuống để bảo vệ an toàn cho người tham gia giao thông.

Gặp thượng úy Trần Xuân Lộc, nhiều người phải bất ngờ với tình yêu của anh dành cho công việc. Anh nói về nghề của mình bằng tất cả niềm tự hào và tâm huyết. Là anh cả trong một gia đình 2 anh em, gia cảnh khó khăn nên mặc dù thi đỗ hai trường đại học nhưng anh chọn đi học Trung cấp cảnh sát để bố mẹ đỡ vất vả. Trong gia đình, anh là một người con ngoan và hiền lành.

Trong công việc, anh luôn mang cái tâm và đạo đức với nghề. Anh được cấp trên tin tưởng, đồng nghiệp quý mến. Và đặc biệt, ngay cả những người bị xử phạt khi vi phạm giao thông vẫn tâm phục khẩu phục và có thiện cảm lớn với anh. Cách xử lý vi phạm của thượng úy Trần Xuân Lộc luôn thấu tình đạt lý.

Hỏi anh trong những năm công tác, kỷ niệm nào làm anh nhớ nhất thì anh kể: “Có một lần trong ca trực của mình, anh dừng xe xử phạt một cậu trai trẻ tham gia giao thông mà không đội mũ bảo hiểm lại đi quá tốc độ. Cậu ấy mặc một bộ quần áo cũ kỹ của công nhân nhà máy phân bón, run rẩy trình bày với anh rằng bố cậu bị lên cơn động kinh ở nhà, mọi người gọi cậu chạy về gấp, lo cho bố nên cậu cứ thể phóng xe đi. Trước thái độ thành khẩn và lý do mà cậu thanh niên đó trình bày. Anh không xử phạt. Chiều đó cậu ấy quay lại rối rít cảm ơn anh và thông báo với anh bố cậu đã ổn”. Có rất nhiều trường hợp vi phạm giao thông được thượng úy Trần Xuân Lộc “tha bổng”. Niềm vui của anh là những tuyến đường sạch bóng “quái xế”, ít tai nạn giao thông và người dân luôn nêu cao tinh thần chấp hành tốt luật lệ giao thông.

Khi phóng viên hỏi: “Quyết định không xử phạt một hành vi vi phạm giao thông, anh có sợ bị sếp cho là xử lý theo tình cảm không?”.

Anh nói: “Vấn đề quan trọng của việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ mà Chính phủ quy định đều nhằm mục đích nâng cao ý thức chấp hành luật, các quy tắc giao thông khi tham gia giao thông. Đồng thời thực hiện cuộc vận động của Bộ Công An “xây dựng người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì dân phục vụ”. Cho nên khi người dân vi phạm, thái độ của họ chấp hành yêu cầu kiểm tra của CSGT và hoàn toàn nhận thức được hành vi vi phạm của mình cũng như có thái độ cầu thị mong muốn được rút kinh nghiệm để sửa chữa vì vô tình không hiểu nên mới vi phạm thì việc mình nhắc nhở mà không xử phạt cũng không sợ lãnh đạo kiểm điểm”

Đa số người vi phạm bị xử phạt đều chung một tâm trạng không vui và khó chịu với người đã xử phạt mình. Thế nhưng, thượng úy Trần Xuân Lộc lại luôn khiến người dân có thiện cảm bởi cách xử lý rất nhân văn của anh.

Khuôn mặt sáng, nụ cười tươi và phong thái điềm đạm, cởi mở. Thượng úy Trần Xuân Lộc – một phó đội trưởng còn trẻ cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề nhưng lại là tấm gương cho rất nhiều đồng đội. Anh luôn rèn luyện phấn đấu hết mình vì công việc, anh luôn coi trọng công việc vì với anh: Sự an toàn của mọi người khi tham gia giao thông luôn được đặt lên trên hết.

P.V

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/xa-hoi/thuong-uy-tran-xuan-loc-va-tinh-yeu-danh-cho-nghe-canh-sat-giao-thong-803621.html