Thương vợ, thương con quyết tâm phấn đấu

Với trách nhiệm của một công dân đối với Tổ quốc và khát khao được học tập, rèn luyện trong quân đội, vừa qua, trên quê hương núi Ấn, sông Trà, nhiều thanh niên ưu tú tuy đã có vợ con nhưng vẫn hăng hái viết đơn tình nguyện nhập ngũ, vinh dự trở thành chiến sĩ của Trung đoàn 887 (Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi).

Lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi trò chuyện cùng chiến sĩ mới Trung đoàn 887.

Là cử nhân đại học chuyên ngành sử nên chỉ một thời gian ngắn nhập ngũ, Đinh Văn Nhua, 23 tuổi, người Hrê, ở huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi), chiến sĩ Trung đội 1, Đại đội huấn luyện chiến sĩ mới (CSM) gần như đã nắm chắc những nét chính về lịch sử, truyền thống của LLVT Quân khu 5 và tỉnh Quảng Ngãi. Những trận đánh tiêu biểu, những chiến công hiển hách của quân và dân ta trên chiến trường Khu 5 cũng được Đinh Văn Nhua ghi nhớ và kể lại một cách rất say sưa, hào hứng cho đồng đội trong những giờ sinh hoạt tổ 3 người. Nói về lá đơn tình nguyện nhập ngũ, Đinh Văn Nhua lém lỉnh: “Vừa cưới vợ xong, tôi đăng ký đi bộ đội. Bố mẹ vợ cứ tưởng chúng tôi bất hòa, trục trặc điều gì nên tra hỏi mãi. Vợ tôi ra sức thanh minh, rằng đó chỉ là đam mê cháy bỏng của cả chồng và vợ. Từ đó, bố mẹ vợ tôi mới ủng hộ. Ở đơn vị, anh em, đồng đội thân thiết như ruột thịt nhưng thực sự, những đêm đầu tôi nhớ vợ không ngủ được. Vợ tôi đang học năm cuối Trường Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi). Để động viên vợ, tôi sẽ phấn đấu học tập, rèn luyện thật tốt và thường xuyên viết thư gửi về nhà, để mỗi lần lên giảng đường, vợ tôi có thể tự hào kể chuyện về chồng mình cho chúng bạn nghe”.

Tuy không có ưu thế về chiều cao nhưng nhờ tư duy chiến thuật, khả năng đi bóng, bứt tốc và sút xa thành bàn, Phạm Văn Phân, 20 tuổi, người Hrê, ở huyện Ba Tơ, chiến sĩ Trung đội 1, nhiều năm liền là cầu thủ trụ cột của đội tuyển bóng đá huyện Ba Tơ. Về đơn vị mới, thấy sân bóng đá khá quy mô, hoành tráng, Phạm Văn Phân rất phấn khởi. Chiều nào cũng vậy, cứ đến giờ thể thao, Phạm Văn Phân và các chiến sĩ trẻ lại rủ nhau tranh tài cùng trái bóng. Phạm Văn Phân kể, nhờ đá bóng mà anh lấy được vợ và có tiền dựng căn nhà gỗ nhỏ trước khi nhập ngũ. Thương vợ ở nhà tần tảo chăm sóc 2ha keo và đàn bò, thi thoảng anh lại nhờ điện thoại của cán bộ trung đội gọi điện về động viên, an ủi. Thấy đơn vị duy trì việc ngậm nước muối trước khi đi ngủ rất hiệu nghiệm, anh tìm gặp y tá đại đội hỏi cách pha chế, rồi bày cho vợ làm theo.

Hồ Văn Sen, 20 tuổi, người Ca Dong ở huyện Tây Trà, chiến sĩ Trung đội 2, đón tin vui trúng tuyển nghĩa vụ quân sự cùng lúc con trai của anh là Hồ Hoàng Trọng Phước vừa bập bẹ biết gọi ba. Trước Tết Nguyên đán Canh Tý, nhận được gần 20 triệu đồng tiền công làm cỏ quế, Hồ Văn Sen ra ngân hàng mở cho con một sổ tiết kiệm, phòng lúc có việc cần dùng đến. Ở đơn vị mới, ngày ngày được hòa mình vào các hoạt động cùng đồng đội, Sen thấy rất vui, nhưng đêm về nhiều lúc nhớ gia đình, anh thường lấy ảnh con trai ra ngắm cho thỏa thích. Hồ Văn Sen bảo: "Cơm bộ đội ngon hơn cơm ở nhà, dù huấn luyện vất vả nhưng tôi thấy người khỏe khoắn, có da có thịt hẳn lên. Tôi sẽ dành dụm tiền phụ cấp để gửi về phụ vợ mua quần áo và sữa cho con".

Đinh Văn Trên, 24 tuổi, người Hrê, ở huyện Sơn Tây, là chiến sĩ thuộc Trung đội 2, khi vừa làm xong ngôi nhà gỗ khang trang với chi phí gần 200 triệu đồng thì xung phong nhập ngũ. Về đơn vị, Đinh Văn Trên khiêm tốn kể với đồng đội: “Tiền làm nhà do vợ chồng tôi chịu khó trồng keo và chi tiêu hợp lý. Trò chuyện tôi biết, trong trung đội nhiều đồng chí ở nhà có đất đồi rộng, nếu biết tính toán tốt, sau này làm giàu không khó”. Đinh Văn Trên dự định, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ học lái xe để có nghề sau này phụ giúp phát triển kinh tế gia đình, lại giúp được bà con trong vùng vận chuyển hàng hóa. Đinh Văn Trên khẳng định: “Thương vợ, thương con, tôi sẽ phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, quyết tâm giành kết quả cao trong huấn luyện”.

Thường xuyên gần gũi, trò chuyện, động viên những CSM đã lập gia đình, Đại úy Phan Hoài Ẩn, Trợ lý Chính trị trung đoàn kiêm Chính trị viên Đại đội huấn luyện CSM, nhận xét: “So với đồng đội cùng nhập ngũ, những chiến sĩ đã có vợ, có con thường chín chắn, chững chạc hơn, tính tự giác và khả năng hòa nhập môi trường mới cũng rất nhanh. Những ngày đầu, chuyện nhớ vợ, thương con chắc chắn sẽ không tránh khỏi, nhưng anh em đều cố gắng vượt qua. Đơn vị luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để bộ đội nói chung, số anh em đã có vợ nói riêng yên tâm học tập, phấn đấu”.

Bài và ảnh: VIỆT HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/thuong-vo-thuong-con-quyet-tam-phan-dau-611057