Thương vụ được cả Thung lũng Silicon theo dõi

Phán quyết về thỏa thuận Microsoft thâu tóm hãng game Activision có thể định hình các hoạt động mua bán tại Thung lũng Silicon trong nhiều năm tới.

 Logo của Microsoft và Activision Blizzard. Ảnh: Reuters.

Logo của Microsoft và Activision Blizzard. Ảnh: Reuters.

Tháng 1/2022, Microsoft tuyên bố mua lại hãng game Activision với giá 69 tỷ USD. Ngay sau khi được công bố, thỏa thuận gây nhiều tranh cãi, thậm chí vướng đơn kiện của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) vì lo ngại độc quyền.

Dự kiến hoàn tất vào tháng 6, kết quả thương vụ không chỉ ảnh hưởng đến Microsoft mà còn thu hút sự quan tâm của Thung lũng Silicon, đặc biệt với những công ty đang ấp ủ thương vụ thâu tóm lớn.

Thách thức với cơ quan quản lý

Theo Business Insider, thương vụ Microsoft thâu tóm Activision được xem là thử thách lớn cho Chủ tịch FTC Lina Khan. Kể từ khi nắm quyền lãnh đạo FTC vào tháng 6/2021, Khan tăng cường giám sát quy định chống độc quyền với nhóm Big Tech gồm Meta, Google, Apple và Amazon.

Thámg 12/2022, FTC đệ đơn kiện nhằm ngăn chặn thỏa thuận giữa Microsoft và Activision, cho rằng thương vụ sẽ khiến hàng triệu người không thể chơi các game phổ biến của Activision như Call of Duty, nếu họ không sử dụng Xbox hoặc tham gia hệ sinh thái game của Microsoft.

Trong phiên điều trần ngày 3/1 trước khi xét xử, luật sư James Weingarten của FTC cho biết các bên vẫn "chưa có cuộc thảo luận thực sự", dù chỉ còn 6 tháng để kết thúc thỏa thuận.

Chủ tịch FTC Lina Khan phát biểu trong một phiên điều trần hồi tháng 4/2021. Ảnh: New York Times.

Đây không phải lần đầu FTC đặt lo ngại độc quyền với nhóm Big Tech. Mọi thứ diễn ra mạnh mẽ hơn dưới quyền kiểm soát của Khan. Với hiểu biết về luật chống độc quyền, bà đã chỉ trích các hãng công nghệ trong suốt nhiều năm.

Điểm khác biệt của thương vụ Microsoft - Activision là quy mô. Với giá 95 USD/cổ phiếu, tương đương 68,7 tỷ USD, đây là vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử Microsoft, cũng là thỏa thuận lớn nhất mà FTC muốn ngăn chặn dưới thời Khan.

Một thách thức khác đến từ việc đây là thỏa thuận sáp nhập theo chiều dọc, trong đó các công ty hoạt động ở cấp độ khác nhau trong chuỗi cung ứng sẽ hợp nhất.

Thỏa thuận dạng này khó lập đơn kiện chống độc quyền hơn so với sáp nhập chiều ngang, khi các đối thủ trực tiếp kết hợp với nhau, ví dụ như Facebook mua lại Instagram vào năm 2012.

Thành công gần nhất của FTC trong việc ngăn chặn sáp nhập theo chiều dọc diễn ra vào tháng 12/2021, khi cơ quan này yêu cầu chặn thương vụ NVIDIA (bên cung cấp chip) mua lại Arm (bên thiết kế chip) với giá 40 tỷ USD.

Đơn kiện của FTC dẫn đến sự thờ ơ của đối tác và phản ứng từ nhà chức trách, khiến thỏa thuận NVIDIA - Arm đổ bể vào tháng 2/2022.

Đĩa game Call of Duty: Modern Warfare (2019) dành cho Xbox. Ảnh: Bloomberg.

Thời điểm đó, FTC cho biết việc chấm dứt vụ sáp nhập lớn nhất trong ngành bán dẫn sẽ "duy trì sự cạnh tranh cho các công nghệ quan trọng, và đảm bảo đổi mới trong tương lai".

Khác với FTC, một số cơ quan của Mỹ từng gặp khó khăn khi ngăn chặn các thương vụ tương tự. Tháng 2/2019, Bộ Tư pháp Mỹ đã thất bại trong nỗ lực ngăn chặn AT&T mua lại Time Warner với giá 80 tỷ USD.

Lợi thế của Microsoft

Microsoft cho rằng đơn kiện của FTC "vi hiến" và thể hiện sự lạm quyền. Nhìn lại lịch sử, Microsoft đã tích lũy nhiều kinh nghiệm khi đối phó với cơ quan chống độc quyền từ những năm 1990.

Năm 1998, chính phủ Mỹ cáo buộc Microsoft lạm dụng sự phổ biến của Windows để lôi kéo người dùng chuyển sang trình duyệt Internet Explorer. Bill Gates từng xuất hiện tại Điện Capitol để làm chứng. Dù vậy, tòa vẫn phán quyết Microsoft vi phạm đạo luật chống độc quyền Sherman (1890).

Microsoft kháng cáo thành công vào năm 2001, tránh việc tách thành 2 công ty khác nhau. Dù vậy, họ phải chấp nhận hạn chế một số hoạt động, chẳng hạn như điều khoản hợp tác độc quyền với các nhà sản xuất máy tính.

Poster quảng cáo của Call of Duty: Modern Warfare 2 (2022). Ảnh: Zuma Press.

Kể từ đó, Microsoft tìm cách né tránh ánh mắt của cơ quan quản lý, chủ động đàm phán để đạt mục đích.

Tháng 9/2020, Microsoft tuyên bố mua hãng game Bethesda với giá 7,5 tỷ USD. Dù dấy lên lo ngại độc quyền, thỏa thuận vẫn hoàn tất sau đó nửa năm khi công ty dàn xếp thành công với Liên minh châu Âu (EU).

Nhiều khả năng Microsoft áp dụng chiến lược tương tự với thương vụ Activision. Tháng 11/2022, Reuters đưa tin Microsoft cân nhắc ký hợp đồng 10 năm với Sony để phát hành game của Activision trên PlayStation.

Điều đó cho thấy FTC đang đứng trước thách thức lớn trong việc ngăn chặn thương vụ Microsoft mua lại Activision. Kết quả của thỏa thuận sẽ phụ thuộc vào chiến lược đối phó của FTC trước một công ty dày dặn kinh nghiệm đàm phán như Microsoft. Nhóm Big Tech và Thung lũng Silicon cũng sẽ chờ đợi kết quả của thỏa thuận.

Phúc Thịnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thuong-vu-duoc-ca-thung-lung-silicon-theo-doi-post1391648.html