Thương vụ gây tranh cãi

Thổ Nhĩ Kỳ chính thức tiếp nhận các lô hàng trong hợp đồng mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ và các đồng minh, động thái được đánh giá là chưa từng có của một nước thành viên NATO.

Bình luận quốc tế

Sau thương vụ gây tranh cãi này, các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ của Mỹ và những thay đổi chiến lược trong hợp tác quân sự giữa hai nước tới đây là điều không khó dự đoán.

Những chiếc máy bay chở các lô thiết bị liên quan hệ thống S-400 của Nga đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Murted, gần thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ và các đồng minh trong NATO theo dõi sát sao động thái từ Thổ Nhĩ Kỳ khi tiếp nhận lô thiết bị quân sự tiên tiến của Nga. Ðây là thương vụ mà Mỹ đã tìm mọi cách ngăn cản, song không thể đảo ngược được quyết định của Ankara, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ không còn đặt nhiều lòng tin vào Mỹ.

Sau khi Washington hậu thuẫn lực lượng người Cuốc tại Syria, vốn bị Ankara coi là nhóm khủng bố, Thổ Nhĩ Kỳ đã quay sang bắt tay hợp tác với Nga. Với hợp đồng mua S-400, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tự xây dựng cho mình một hệ thống phòng thủ tên lửa riêng, mà không còn dựa vào các đồng minh trong NATO, nhất là sau khi Ankara không thể hoàn tất hợp đồng mua hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ từ thời chính quyền Tổng thống B.Obama. Bất chấp những cảnh báo từ NATO, Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết theo đuổi hợp đồng mua S-400 với lý do Mỹ và châu Âu đã không đưa ra một lựa chọn thay thế khả thi. Ankara lập luận rằng, Thổ Nhĩ Kỳ cần có S-400 cho mục đích phòng thủ chiến lược, trên hết là giữ an ninh biên giới phía nam giáp với Syria và Iraq.

Ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ chính thức tiếp nhận thiết bị S-400 từ Nga, NATO tiếp tục bày tỏ quan ngại. NATO nhiều lần cảnh báo Ankara rằng, hệ thống của Nga không tương thích với hệ thống vũ khí của các nước thành viên NATO, ít nhất là với máy bay chiến đấu F-35. Mỹ cũng cho rằng, nếu Thổ Nhĩ Kỳ tích hợp S-400 vào hệ thống phòng thủ của mình, Nga có thể có được các dữ liệu nhạy cảm về F-35, máy bay chiến đấu tàng hình đa năng thế hệ mới của Mỹ.

Tranh cãi giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, hai quốc gia có lực lượng quân đội lớn nhất trong NATO, đánh dấu sự chia rẽ sâu sắc trong liên minh quân sự phương Tây này. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mua S-400 bất chấp Mỹ dọa loại Ankara khỏi chương trình F-35, trong đó không cung cấp máy bay chiến đấu F-35 cho Ankara cũng như đình chỉ sự tham gia của các phi công Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình huấn luyện đối với loại máy bay hiện đại nhất của Mỹ này. Chẳng những không lo ngại về sự gián đoạn trong hợp tác quân sự với Mỹ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Erdogan còn cho biết, 100 chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ đã được cử tới Nga để tham gia huấn luyện cách vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa S-400. Ðây được cho là một đòn giáng mạnh vào quan hệ giữa hai quốc gia đồng minh NATO.

Mỹ nhiều lần cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về hậu quả nếu theo đuổi thương vụ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400. Theo Ðạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt (CAATSA) có hiệu lực từ năm 2017, Mỹ sẽ áp đặt trừng phạt các quốc gia mua vũ khí của Nga. Truyền thông Mỹ rộ lên thông tin về việc Washington đã chuẩn bị sẵn các biện pháp trừng phạt Ankara, chỉ chờ thời điểm thích hợp để công bố. Ngày 15-7 là tròn hai năm xảy ra cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ, vụ việc vốn gây rạn nứt nghiêm trọng quan hệ Mỹ - Thổ. Mỹ chưa muốn áp đặt hạn chế vào thời điểm này bởi lo ngại có thể sẽ tạo khả năng để Ankara một lần nữa cáo buộc Washington dính líu vụ đảo chính.

Thương vụ gây tranh cãi được cho là sẽ tác động không nhỏ tới hợp tác giữa Ankara với Washington nói riêng, với các đồng minh trong NATO nói chung. Thổ Nhĩ Kỳ duy trì các nỗ lực ngoại giao nhằm xoa dịu sự tức giận của Mỹ, song điều không thể tránh khỏi là Ankara phải sẵn sàng tâm thế đối phó những đòn trừng phạt sắp tới từ Mỹ, một khi quyết theo đuổi hợp đồng quân sự với Nga.

CẨM TÚ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/40882702-thuong-vu-gay-tranh-cai.html