Thương vụ mua bán lớn thứ ba lịch sử ngành công nghệ trị giá 61 tỷ USD

Ngày 26/5, nhà sản xuất chất chip Mỹ Broadcom thông báo sẽ mua nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây VMware Inc trong một thương vụ trị giá 61 tỷ USD, nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh sang mảng phần mềm ứng dụng doanh nghiệp.

Nhà sản xuất Chip Broadcom. Ảnh: Bloomberg

Nhà sản xuất Chip Broadcom. Ảnh: Bloomberg

Nhà sản xuất chip sẽ chi số tiền tương đương 138,23 USD/cổ phiếu cho VMware trong thương vụ trên. Con số này cao hơn 49% so với mức giá cổ phiếu chốt phiên ngày 22/5.

Ngoài ra, theo thỏa thuận, công ty này sẽ "gánh" khoản nợ ròng 8 tỷ USD của VMware. Giá cổ phiếu của Broadcom đã tăng 1,6% trong các giao dịch trước giờ mở cửa. Trái lại, giá cổ phiếu của VMWare giảm gần 1%.

“Sự kết hợp giữa đội ngũ tài năng của chúng tôi với kinh nghiệm dày dặn của Broadcom, đặt dưới thương hiệu VMware sẽ tạo ra một doanh nghiệp lớn mạnh”

Ông Raghu Raghuram, Giám đốc Điều hành của VMware

Sự kết hợp giữa VMware và Broadcom có thể là một sự kết hợp mạnh mẽ, tập trung vào cơ sở hạ tầng doanh nghiệp và điện toán đám mây. Broadcom hiện có kế hoạch đổi thương hiệu Tập đoàn Phần mềm Broadcom của mình thành VMware và kết hợp các dịch vụ cơ sở hạ tầng và phần mềm bảo mật hiện có như một phần của VMware.

Thỏa thuận dự kiến sẽ kết thúc vào năm tài chính 2023 của Broadcom, với sự hậu thuẫn của ông Michael Dell, người sở hữu khoảng 50% cổ phần của VMware. Nếu thỏa thuận này thành công, đây sẽ là một trong những thương vụ công nghệ lớn nhất mọi thời đại.

Theo Reuters, thương vụ trên là vụ mua bán, sáp nhập lớn thứ hai trên toàn cầu kể từ đầu năm 2022 đến nay, chỉ sau thương vụ Tập đoàn Microsoft "thâu tóm" nhà sản xuất trò chơi điện tử Activision Blizzard với tổng trị giá 68,7 tỷ USD.

Ngoài ra, đây là vụ mua bán lớn thứ ba trong lịch sử ngành công nghệ, sau thỏa thuận Microsoft và Activision Blizzard, thương vụ Dell mua EMC giá 67 tỷ USD năm 2016, Theo dữ liệu từ Dealogic.

VMware hiện có hơn 500.000 khách hàng trên khắp thế giới và là đối tác của các nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn như Amazon, Microsoft và Google. Điều đó khiến VMware được ông Hock E. Tan, Giám đốc Điều hành của Broadcom đánh giá cao.

Cụ thể, ông Hock Tan nhấn mạnh việc "thâu tóm" VMware sẽ trao cho Broadcom quyền tiếp cận các khách hàng sử dụng điện toán đám mây của công ty phần mềm này và các trung tâm dữ liệu của họ, cũng như giúp Broadcom có thể tận dụng được những cơ hội thuận lợi của xu hướng này trong dài hạn.

Broadcom là công ty sản xuất chip có nhiều thỏa thuận mua lại nhất và đã liên tục sử dụng chiến lược sáp nhập để thúc đẩy tăng trưởng trong những năm gần đây.

Broadcom là công ty chuyên kinh doanh chip, thiết kế và sản xuất chất bán dẫn cho modem, chip Wi-Fi và Bluetooth trên thiết bị di động. Hãng nổi tiếng với các thương vụ sáp nhập đình đám như vụ mua CA Technologies năm 2018 với giá 18,9 tỷ USD, mua Symantec năm 2019 với giá 10,7 tỷ USD.

VMware nổi tiếng trong lĩnh vực điện toán đám mây và công nghệ ảo hóa. Theo báo cáo của Gartner, VMware là công ty lớn nhất trong thị trường phần mềm hạ tầng ảo hóa năm 2021, với 72% thị phần và 5,9 tỷ USD doanh thu. Công ty này hiện hoạt động độc lập, nhưng trước đây từng là một phần của Dell sau khi hãng này mua lại EMC - chủ sở hữu VMWare. Thương vụ của Broadcom được cho là có sự hậu thuẫn từ chính nhà sáng lập Michael Dell.

Thế Mạnh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thuong-vu-mua-ban-lon-thu-ba-lich-su-nganh-cong-nghe-tri-gia-61-ty-usd-post6769.html