Thường vụ Quốc hội 'bác' đề xuất một doanh nghiệp chỉ có tối đa 3 tổ chức của người lao động

Đối với nội dung 'Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp' trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm, thận trọng và trong văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành cần làm rõ các nội dung đã được nêu trong Báo cáo số 466.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần bổ sung quy định làm rõ hơn vai trò của tổ chức Công đoàn, tránh nhầm lẫn giữa tổ chức Công đoàn với tổ chức của người lao động nằm ngoài hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam.

Một số đại biểu lại đề nghị cần quy định chặt chẽ việc cấp phép hoạt động và định hướng trong một doanh nghiệp chỉ nên có tối đa từ 2-3 tổ chức của người lao động, đảm bảo không tạo ra sự đối trọng, cạnh tranh không lành mạnh, làm phức tạp tình hình quan hệ lao động, gây mất ổn định tại doanh nghiệp.

Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể trong Bộ luật việc cán bộ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở sử dụng thời gian trong giờ làm việc để làm nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động, không giao Chính phủ quy định về vấn đề này.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý tên gọi của tổ chức đại diện người lao động dự kiến sẽ được thành lập mới (không thuộc tổ chức Công đoàn Việt Nam) theo đúng tinh thần Nghị quyết 06-NQ/TW là: “Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu quy định cụ thể tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm: Công đoàn cơ sở (thuộc tổ chức Công đoàn Việt Nam) và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”, bổ sung Điều 171 quy định về “công đoàn cơ sở thuộc tổ chức Công đoàn Việt Nam”.

Về việc định hướng trong một doanh nghiệp chỉ nên có tối đa từ 2 - 3 tổ chức của người lao động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng: quy định như vậy là chưa phù hợp với tinh thần Công ước 98 của ILO mà Quốc hội mới phê chuẩn.

Về việc quy định cụ thể thời gian làm việc cho cán bộ tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để làm nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng vấn đề này cần được cân nhắc thận trọng. Nguyên do là trong bối cảnh mới, tại doanh nghiệp không chỉ có duy nhất Công đoàn Việt Nam mà còn có tổ chức mới không thuộc hệ thống Công đoàn.

Mặt khác, quy định này của Luật Công đoàn cũng đang được nghiên cứu, tổng kết, xem xét sửa đổi. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép được giữ Điều 176 như dự thảo và giao Chính phủ thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khi quy định chi tiết và khi sửa đổi Luật Công đoàn.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” là vấn đề mới và khó, chưa có thực tiễn, cần hết sức thận trọng, nên mức độ quy định như dự thảo là phù hợp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm, thận trọng và trong văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành cần làm rõ các nội dung đã được nêu trong Báo cáo số 466. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần khẩn trương tập trung nghiên cứu toàn diện việc sửa đổi Luật Công đoàn đáp ứng với yêu cầu của tình hình mới và đòi hỏi của người lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Lê Nguyễn

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/thuong-vu-quoc-hoi-bac-de-xuat-mot-doanh-nghiep-chi-co-toi-da-3-to-chuc-cua-nguoi-lao-dong-20180504224230494.htm