Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài? (Bài 2): Lời giải cho câu hỏi khó như… 'lên trời'!

Trái thanh long đỏ hay ly cà phê Việt giờ đã có mặt trên các kệ trong những tiệm hàng ở Hàn Quốc. Nhưng ít người biết, để hàng Việt vào được quốc gia Đông Bắc Á này, Thương vụ ta ở nước ngoài đã phải đối diện với những 'bài toán' khó, thậm chí có phần vô lý nhưng không thể không có lời giải.

Ông Bùi Huy Hoàng (thứ 2 trái sang), nguyên Tham tán thương mại tại Trung Quốc trong một lần kết nối giữa doanh nghiệp 2 nước.

“Mở cửa” một mặt hàng mất 4 - 6 năm

Có cơ duyên nhận nhiệm vụ tại Thương vụ Hàn Quốc vào đúng thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (năm 2007), ông Lê An Hải, hiện đang giữ chức vụ Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Á - Phi (Bộ Công Thương) cho biết, thời điểm ấy công tác thương vụ khá thuận lợi. Thế nhưng, cũng có những công việc mà Thương vụ cũng như các cơ quan bộ, ngành phải mất rất nhiều thời gian mới hoàn thành.

Đó là việc đàm phán mở cửa thị trường hàng tươi sống giữa hai nước phải mất 4 - 5 năm mới đi đến quyết định cuối cùng. Công việc này gặp nhiều khó khăn là do phía Hàn Quốc muốn bảo hộ thị trường và bảo vệ nền nông nghiệp trong nước của họ. Theo lời ông Hải, phía Hàn Quốc đã đưa ra những yêu cầu rất khó thực hiện như phải có một nghiên cứu về hoa quả Việt Nam không biến đổi gen đăng trên một tạp chí quốc tế.

Cuộc đàm phán tưởng như đi vào ngõ cụt do những yêu cầu kiểu không thể thực hiện được từ phía bạn đã được Thương vụ ta cùng 2 Bộ Công Thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thảo luận kỹ càng về mặt kỹ thuật và đưa ra các hướng giải quyết hợp lý. Để sau hơn 4 năm đàm phán, quả thanh long đỏ là nông sản tươi đầu tiên của Việt Nam được nhập khẩu và chinh phục người tiêu dùng Hàn Quốc.

Chưa hết, câu chuyện chiếc bánh đa nem của Việt Nam bị yêu cầu hàm lượng axit chua tồn dư trong bánh phải bằng không (0) cũng là một “ca” khó được ông Hải nhắc đến trong cuộc chuyện trò với mới đây với PLVN. Ông Hải nói, ngay khi nhận được thông tin từ doanh nghiệp trong nước, ông đã tìm hiểu và tìm cách tháo gỡ yêu cầu khó như “lên trời” từ phía bạn. Cụ thể, đây là một yêu cầu hoàn toàn không khả thi vì bản thân tinh bột khi ngâm nước đã tự sinh ra axit chua, nhưng vì phía Hàn Quốc muốn bảo vệ ngành lúa gạo trong nước nên họ đưa ra yêu cầu “khó chơi” này.

“Đây thực sự là cuộc đấu tranh giữa cơ quan Thương vụ với Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc. Cũng phải mất gần 1 năm trời đàm phán mới hoàn tất để doanh nghiệp Việt tiếp tục xuất khẩu bánh đa nem vào Hàn Quốc”, ông Hải nói. Tuy nhiên, điều khiến vị này cảm thấy ấn tượng nhất trong gần 6 năm làm việc tại Thương vụ Việt Nam ở Hàn Quốc chính là việc tiên phong giới thiệu cà phê Việt Nam với các bạn xứ Hàn.

Theo đó, năm 2007, Công ty Hello Vina (Hàn Quốc) ký hợp đồng nhập khẩu cà phê Việt Nam. Sau khi hoàn tất thủ tục nhập khẩu và tiến hành giới thiệu chính thức thì lại đưa ra một đề nghị rất… “trời ơi” rằng họ muốn đích thân ông Hải làm người mẫu giới thiệu sản phẩm. Không thể từ chối phía bạn vì đây cũng là cơ hội để quảng bá cà phê Việt nên ông Hải đã nhận lời.

Ông bắt đầu tìm đọc toàn bộ tài liệu và tự viết kịch bản giới thiệu lịch sử phát triển cà phê trong 7 phút. Quay hình lần đầu tiên, phía bạn rất “OK” nhưng sau đó bày tỏ mong muốn clip giới thiệu rút ngắn còn 1 phút. Ông Hải cũng “chiều” bằng cách cắt gọn, chỉ dể lại những gì tinh túy nhất của cà phê Việt để giới thiệu trong chừng 1 phút. Nhưng cuối cùng, phía bạn lại cho biết chỉ có thể phát clip trong vòng 30 giây… Tất cả những yêu cầu đó, một cán bộ Thương vụ như ông Hải đều đáp ứng, miễn sao có lợi cho sản phẩm và doanh nghiệp trong nước khi tham gia sân chơi quốc tế.

Tham vọng trung tâm thương mại Việt tại vùng Caribe

Trò chuyện với PLVN, ông Bùi Huy Hoàng - nguyên Tham tán thương mại tại Trung Quốc nói rằng, ông rất có duyên với quốc gia láng giềng này ngay từ thời là một anh sinh viên đại học học tập trên đất nước Trung Quốc. Sau khi ra trường, về làm việc tại Bộ Công Thương, ông Hoàng lại được giao công việc liên quan đến thị trường Trung Quốc. Học hết cao học tại Trung Quốc, quay lại Bộ công tác, ông Hoàng vẫn tiếp tục công việc với thị trường Trung Quốc.

Đến năm 2012, ông chính thức được giao nhiệm vụ Tham tán thương mại tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Nhận nhiệm vụ, tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp Việt qua các kỳ xúc tiến thương mại, ông Hoàng nhận ra doanh nghiệp của ta còn nhiều hạn chế khi tiếp cận thị trường đông dân nhất thế giới này. Ví dụ dễ nhận thấy là nhiều doanh nghiệp vẫn lúng túng, chưa chuẩn bị đầy đủ những điều đơn giản nhất cho công tác xúc tiến thương mại.

“Ban đầu tôi thấy lạ và có phần hơi... sốc khi hầu hết doanh nghiệp trong nước mang catalouge giới thiệu công ty và sản phẩm đến thị trường Trung Quốc nhưng chỉ bằng tiếng Việt và tiếng Anh, trong khi thị trường này chỉ nói tiếng Trung…”, ông Hoàng kể lại.

Được biết, sở dĩ có thực tế trên là do doanh nghiệp Việt Nam chưa được tư vấn kỹ trước khi sang Trung Quốc giao thương. Từ đó, mỗi khi nhận được thông tin có đoàn từ trong nước sang, ông lại phải viết email hoặc điện thoại nhắc nhở doanh nghiệp chuẩn bị kỹ càng phần giới thiệu bằng tiếng Trung. Đến khi ông hoàn thành nhiệm kỳ và trở về nước cũng là lúc doanh nghiệp trong nước quen dần với việc mang catalogue hay sản phẩm có in tiếng Trung sang nước bạn bàn chuyện hợp tác làm ăn.

Đáng nói, hoạt động giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc có nhiều đặc thù do có chung đường biên giới. Các thương lái của Trung Quốc hiện diện khắp các vựa nông sản của Việt Nam - khắp các tỉnh vùng núi phía Bắc cho đến Đồng bằng sông Cửu Long. Thương lái Trung Quốc hoạt động cũng hiệu quả khi họ tiến hành thu gom số lượng lớn nông sản của Việt Nam chuyển về Trung Quốc tiêu thụ.

Nhưng gần đây, theo ông Hoàng, sau nhiều lần Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (như Long An, Sóc Trăng), thậm chí đến TP Hồ Chí Minh (nơi tập trung những doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu Việt Nam) để tìm hiểu nhằm giúp bạn nhập khẩu gạo trực tiếp thì hiện nay, doanh nghiệp Trung Quốc đã chính thức kết nối với đầu mối tiêu thụ tại Việt Nam, nhờ đó giảm bớt khâu trung gian thương lái trước kia.

Không chỉ kết nối những thị trường quen thuộc, các Thương vụ còn làm nhiệm vụ khai phá thị trường mới cho hàng hóa trong nước, tiên phong dẫn dắt các doanh nghiệp nội địa đặt chân đến những vùng đất mới. Và một trong những thị trường mới nhiều tiềm năng nhưng chưa được doanh nghiệp Việt khai thác, đó chính là Panama.

Ông Lu Vạn Khang - Tham tán thương mại tại Panama cho hay, Panama là 1 nước trung chuyển của cả vùng Caribe và khu vực Bắc Nam Mỹ, có vị trí địa lý thuận lợi khi có kênh đào Panama dài 80 km nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, có khu thương mại tự do Colón với nhiều hình thức giao thương, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp. Là người làm cầu nối, ông nói với phóng viên vẫn luôn ấp ủ ý tưởng một ngày nào đó, những doanh nghiệp đầu tàu của Việt Nam sẽ đứng ra xây dựng một khu trung tâm thương mại kiểu như Colón trên đất bạn.

Câu chuyện chiếc bánh đa nem không chua

“Trước khi đàm phán để xuất khẩu bánh đa nem vào Hàn Quốc, phía bạn yêu cầu hàm lượng axit chua tồn dư trong bánh phải bằng 0 là một “ca” khó mà Thương vụ phải giải quyết dù đây là một yêu cầu hoàn toàn không khả thi vì bản thân tinh bột khi ngâm nước đã tự sinh ra axit chua, nhưng vì phía Hàn Quốc muốn bảo vệ ngành lúa gạo trong nước nên họ đưa ra yêu cầu “khó chơi” này”.

(còn tiếp)

Nhật Thu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thi-truong/thuong-vu-viet-nam-o-nuoc-ngoai-bai-2-loi-giai-cho-cau-hoi-kho-nhu-len-troi-409507.html