Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cảnh báo doanh nghiệp tìm đối tác thông qua mạng Internet

Xuất khẩu sang thị trường Hà Lan gia tăng mạnh với các nhóm hàng sắt thép, thủy sản, hạt tiêu, rau quả..., nhưng Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức cảnh giác trong giao dịch với những công ty mới quen biết, lấy địa chỉ trên internet, để tránh bị lừa đảo.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, ba năm trở lại đây Hà Lan đã liên tục vươn lên trở thành thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam trong khối EU, nhưng cùng với đó, các vụ lừa đảo trong giao dịch thương mại cũng gia tăng.

Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho biết, theo yêu cầu của một số doanh nghiệp Việt Nam nhờ trợ giúp, Thương vụ đã điều tra tính xác thực và tồn tại của một số doanh nghiệp Hà Lan và một số vụ việc doanh nghiệp Việt Nam sau khi ký hợp đồng, thanh toán trước 10-30% thậm chí có trường hợp trả trước 100% tiền hàng nhưng không nhân được hang giao như đã thỏa thuận, hoặc mất liên lạc…

Qua đó cho thấy một số kẻ lừa đảo đã mạo danh những công ty có đăng ký hoạt động hợp pháp ở Hà Lan để lập các trang Web mang tên các công ty này; hoặc là doanh nghiệp được thành lập với đăng ký kinh doanh ngành nghề không đúng hoặc đúng như với với những thương vụ đang giao dịch với phía Việt Nam – những công ty này thường là công ty 1 người.

Tuy nhiên, khi Thương vụ liên hệ theo số điện thoại đăng trên trang Web thì điện thoại liên lạc không có người nhấc máy, máy tự động trả lời.

Thương vụ liên hệ theo số máy đăng ký trong hồ sơ đăng ký kinh doanh tại phòng thương mại Hà Lan thì chủ nhân thật sự của công ty thường nói không có quan hệ hoặc liên lạc làm ăn với doanh nghiệp Việt Nam. Những công ty này chủ yếu chào bán hàng thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng và máy móc thiết bị cũ; hoặc nhập khẩu thủy hải sản... là những mặt hàng có giá trị cao.

Do vậy, Thương vụ lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức cảnh giác trong giao dịch với những công ty mới quen biết, lấy địa chỉ trên internet, có trường hợp lấy từ mạng alibaba hoặc chưa có giao dịch làm ăn với nhau.

Trước khi tiến hành các cam kết làm ăn với doanh nghiệp này, công ty Việt Nam nên liên hệ với Thương vụ để nhờ tìm hiểu về sự tồn tại và tính hợp pháp của đối tác Hà Lan cũng như rủi ro có thể xảy ra

Trong vòng ba năm trở lại đây Hà Lan đã liên tục vươn lên trở thành thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam trong khối EU.

Điều này thể hiện qua kim ngạch nhập khẩu tăng đều hàng năm từ 18% đến 25% và đạt 7,1 tỷ USD trong năm 2017. Tận dụng lợi thế có cảng biển Rotterdam lớn nhất trong EU, nhiều nhà phân phối châu Âu có kho bãi tại đây đã nhập khẩu từ khắp thế giới và tái xuất lại sang các nước châu Âu khác.

Hà Lan thường xuyên nhập khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh và đều tăng trưởng khá từ 10-40% như hàng điện tử và linh kiện, điện thoại, giày dép, dệt may, thủy sản, hạt điều, cao su, máy móc thiết bị phụ tùng, sản phẩm từ chất dẻo, túi xách, vali, ô dù, phương tiện vận tải, rau quả, đồ chơi các loại...

Cùng với đó, các vụ lừa đảo trong giao dịch thương mại cũng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải cảnh giác hơn.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam – Hà Lan trong 8 tháng đầu năm 2018 đạt 5,27 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, Việt Nam xuất siêu sang thị trường này hơn 4,3 tỷ USD.

Thế Hoàng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thuong-vu-viet-nam-tai-ha-lan-canh-bao-doanh-nghiep-tim-doi-tac-thong-qua-mang-internet-d89624.html