Thường xuyên đau đầu người phụ nữ được phát hiện căn bệnh nguy kịch

Bệnh nhân L.T.N. (59 tuổi, trú tại xã Thọ Ngọc, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) hay đau đầu, khoảng một tuần trước nhập viện có biểu hiện đau đầu liên tục, kèm theo chóng mặt, buồn nôn.

Bệnh nhân được đưa vào BVĐK tỉnh Thanh Hóa khám và điều trị. Tại đây, các bác sĩ khoa Thần kinh – Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa chỉ định chụp can thiệp nội mạch DSA mạch máu não để khảo sát rõ hình thái của túi phình. Trên phim DSA mạch máu não ghi nhận hình ảnh 2 túi phình của động mạch cảnh trong 2 bên, túi phình có kích thước cổ rộng lớn và hình thái phức tạp.

Hình ảnh 2 túi phình có kích thước lớn trên màn hình DSA

Ngày 10/8 dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ khoa Thần kinh – Đột quỵ can thiệp đặt stent thay đổi dòng chảy để điều trị các túi phình mạch não cho bệnh nhân. Sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh táo, giảm hẳn cơn đau đầu và được theo dõi sức khỏe thêm 5 ngày. Hiện bệnh nhân đã được xuất viện.

BSCKII. Nguyễn Hoành Sâm, Trưởng khoa Thần kinh – Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Túi phình mạch máu não có nhiều hình thái khác nhau nên sẽ có nhiều lựa chọn phương thức điều trị cho từng túi phình phù hợp. Đối với trường hợp bệnh nhân L. T. N. phương pháp phẫu thuật thì không áp dụng được do số lượng túi phình và kích thước túi phình lớn nên không có chỉ định phẫu thuật cho trường hợp này, chúng tôi đã nghĩ đến phương pháp nút túi phình bằng coil nhưng túi phình cổ rộng nên nút coil sẽ trôi ra gây tắc mạch – nhồi máu não. Vì vậy sử dụng phương pháp đặt stent chuyển dòng hoàn toàn phù hợp với tình trạng bệnh nhân".

Ê kíp các y bác sĩ can thiệp cho bệnh nhân L.T.N.

Đặt Stent chuyển dòng là phương pháp tối ưu để điều trị các túi phình khó, chưa vỡ. Stent chuyển dòng làm thay đổi hướng dòng chảy, thay vì dòng chảy mạch máu vào túi phình, stent sẽ che túi phình lại, đảo hướng dòng chảy mạch máu sang mạch máu lành. So với các phương pháp truyền thống, stent chuyển dòng có rất nhiều ưu điểm như nâng cao khả năng chữa khỏi lên đến 90-95% cho các túi phình động mạch não khổng lồ, giảm nguy cơ điều trị xuống thấp dưới 5% cho phần lớn các túi phình (tuy vẫn có một vài vùng mạch máu có nguy cơ điều trị còn cao khoảng 20%).

Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này khi áp dụng tại Việt Nam là chi phí điều trị cao hơn gấp nhiều lần các phương pháp truyền thống. Bên cạnh đó, đây là kỹ thuật khó và chuyên sâu, đòi hỏi phải được thực hiện trong phòng Catlab có trang thiết bị hiện đại và đồng bộ, do các bác sĩ có chuyên môn về can thiệp thần kinh giàu kinh nghiệm đảm trách.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân trước khi xuất viện

Bs Sâm khuyến cáo, nhóm bệnh lý mạch máu não nói chung và túi phình động mạch não nói riêng thường yên lặng, biểu hiện không điển hình, nếu trở nặng có thể nguy hiểm tính mạng trực tiếp. Do vậy, cộng đồng cần lưu ý đến nhóm bệnh lý này và tầm soát loại trừ bằng hình ảnh học tại các trung tâm uy tín khi người bệnh có biểu hiện đau đầu dữ dội đột ngột hoặc đau đầu kéo dài đáp ứng kém với điều trị nội khoa, tê yếu nửa người, nhìn đôi, méo miệng, mờ mắt đột ngột, hoặc rối loạn tri giác như lơ mơ, hôn mê.

Hiện tại, nếu phát hiện sớm khi tình trạng người bệnh còn tốt, đa số nhóm bệnh lý mạch máu não trong đó có túi phình động mạch não có thể được điều trị khá triệt để với nguy cơ điều trị tương đối thấp bằng can thiệp nội mạch hoặc mổ hở, tùy tình trạng người bệnh và đặc điểm thương tổn.

Ngọc Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuong-xuyen-dau-dau-nguoi-phu-nu-duoc-phat-hien-can-benh-nguy-kich-169230824081458904.htm