Thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư của các dự án, tránh lãng phí, thất thoát

HĐND TP Hà Nội vừa phê duyệt chủ trương đầu tư 12 dự án đầu tư công tư với tổng kinh phí 3.892,5 tỷ đồng. Theo kế hoạch, hết năm 2020, TP sẽ có 15 dự án hoàn thành, cơ bản hoàn thành đáp ứng tiến độ tại Nghị quyết số 15/NQ-HĐND, gồm 12 dự án sử dụng vốn ngân sách, 2 dự án đầu tư theo hình thức PPP, 2 dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

Chủ đầu tư phải trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án

HĐND TP Hà Nội vừa phê duyệt chủ trương đầu tư 12 dự án (bao gồm 11 dự án nhóm B và một dự án trọng điểm nhóm C) sử dụng vốn đầu tư công của TP với tổng mức đầu tư dự kiến 3.892,5 tỷ đồng. 12 dự án bao gồm: xây dựng trung tâm bồi dưỡng chính trị quận Bắc Từ Liêm và xây dựng, khớp nối đường giao thông khu chức năng đô thị Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm); xây dựng các trường: THPT Việt Hùng, Nguyên Khê, Uy Nỗ và xây dựng tuyến đường từ đường Dục Nội đến đường Võ Nguyên Giáp tại huyện Đông Anh; nâng cấp, mở rộng QL32 và cải tạo, nâng cấp đường tỉnh lộ 414C đi xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì); nâng cấp, mở rộng QL21B, đoạn từ thị trấn Kim Bài tới nút giao thông ngã tư Vác, huyện Thanh Oai; giải phóng mặt bằng và xây dựng hàng rào bảo vệ khu đất 3A1, 3A2 phường Mỹ Đình 1, phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm). Tại thị xã Sơn Tây có hai dự án gồm cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 413 đoạn từ Km 0+00 đến Km 5+900 và cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 414 đoạn từ ngã ba Vị Thủy đi Xuân Khanh.

Văn bản của HĐND TP cũng nêu rõ, đối với các dự án trường học cần bổ sung vào quy hoạch mạng lưới trường học TP theo quy định của Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24-11-2017 và thực hiện rà soát, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng theo quy định. UBND TP có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư và các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, chuẩn xác quy mô, nội dung đầu tư, có giải pháp đấu nối thích hợp, khớp nối đồng bộ, lựa chọn phương án, giải pháp kỹ thuật phù hợp, đảm bảo tránh trùng lặp, tiết kiệm, hiệu quả và tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, xác định nguồn gốc đất đai, xây dựng phương án, kinh phí giải phóng mặt bằng đảm bảo đúng chế độ, chính sách hiện hành.

Đối với các dự án giao thông, áp dụng đúng quy định xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng đang tồn tại dọc theo các tuyến đường giao thông và nguyên tắc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông mới trên địa bàn TP Hà Nội.

HĐND TP yêu cầu các chủ đầu tư phải trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật liên quan; trong công tác lập, trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cần lưu ý thực hiện (hoặc giải trình việc không thực hiện) ý kiến của các Sở, ngành đã đóng góp tại bước lập, trình, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

UBND TP chỉ đạo các Sở, ngành liên quan căn cứ theo chức năng nhiệm vụ được giao thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư của các dự án, tăng cường kiểm tra nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách; tránh lãng phí, thất thoát trong quá trình đầu tư xây dựng công trình; hướng dẫn, phối hợp cùng chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án; giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi giúp chủ đầu tư hoàn thành dự án đảm bảo đúng mục tiêu, tiến độ, chất lượng công trình.

Đối với các dự án đầu tư công, TP Hà Nội sẽ thường xuyên rà soát tiến độ, tránh lãng phí. Ảnh: G.B

Đối với các dự án đầu tư công, TP Hà Nội sẽ thường xuyên rà soát tiến độ, tránh lãng phí. Ảnh: G.B

10 công trình trọng điểm đã hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020

Nhìn lại 10 công trình trọng điểm giai đoạn 2016 – 2020, đến nay, UBND TP Hà Nội chính thức khẳng định tất cả đều được hoàn thành. Đó là các công trình: Cầu vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái; cầu vượt tại nút giao giữa đường Cổ Linh và đường đầu cầu Vĩnh Tuy; BV Phụ sản Hà Nội - giai đoạn II; BV Thanh Nhàn - giai đoạn II; công viên hồ điều hòa Nhân Chính, Thanh Xuân; cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên (công trình cầu đã hoàn thành, thông xe ngày 11-10-2018, đang thực hiện hạng mục bổ sung đoạn tuyến từ Khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân); Trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên Hà Nội - Khu liên cơ Võ Chí Công; vành đai III đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long; Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa; hạng mục cải tạo nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch thuộc dự án nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc.

Trong tổng số 55 dự án có 10 dự án, hạng mục dự án ngân sách hoàn thành, cơ bản hoàn thành theo mục tiêu ban đầu; 14 dự án đang tập trung đẩy nhanh tiến độ; 15 dự án và hạng mục dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư và 16 dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư. Đối với các dự án này, UBND TP có trách nhiệm tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, đôn đốc tiến độ, tập trung quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng; xây dựng kế hoạch tiến độ chi tiết từng dự án, đánh giá tiến độ; đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án; rà soát chuyển đổi hình thức đầu tư dự án; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát dự án đầu tư; kịp thời đề xuất khen thưởng chủ đầu tư/nhà đầu tư triển khai nhanh, đáp ứng tiến độ, chất lượng hoặc xử lý đối với những trường hợp vi phạm, chậm tiến độ.

Với những dự án còn chậm tiến độ, TP đã chỉ ra một số tồn tại như, tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đã giao của nhiều dự án sử dụng vốn ngân sách và ODA còn chậm so với yêu cầu. Đặc biệt, nhóm các dự án chuẩn bị đầu tư theo hình thức PPP phải tạm dừng chờ nghị định hướng dẫn việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng BT.

Dự kiến, hết năm 2020, TP sẽ có 15 dự án hoàn thành, cơ bản hoàn thành đáp ứng tiến độ tại Nghị quyết số 15/NQ-HĐND, gồm 12 dự án sử dụng vốn ngân sách, 2 dự án đầu tư theo hình thức PPP, 2 dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

Gia Bảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thuong-xuyen-ra-soat-tien-do-dau-tu-cua-cac-du-an-tranh-lang-phi-that-thoat-176432.html