Thủy điện Bản Vẽ xả lũ, người dân nháo nhào sơ tán lên núi

Lượng nước đổ về lớn khiến thủy điện Bản Vẽ phải xả lũ ở mức trên 4.000 m3/giây đã gây ngập lụt khu vực hạ lưu, người dân nháo nhào tháo chạy.

Thủy điện Bản Vẽ đang xả lũ mức kỷ lục với 4200 m3/giây. Ảnh: Hồ Đào/Tri thức trực tuyến.

Sáng 31/8, ông Tạ Hữu Hùng, Phó giám đốc nhà máy thủy điện Bản Vẽ đóng tại huyện Tương Dương (Nghệ An), cho Zing.vn biết mực nước hồ thủy điện Bản Vẽ là hơn 200 m, lưu lượng về hồ trên 4.200 m3/giây, lưu lượng xả lũ là 4.200 m3/giây. Đây là mức xả cao nhất từ khi thủy điện Bản Vẽ được xây dựng.

Ông Hùng cho biết thêm, hiện mực nước trên thượng nguồn sông Nậm Nơn có khả năng lên trở lại. Dự kiến lưu lượng lớn nhất có khả năng ở mức 4.500 m3/giây và duy trì ở mức này thời gian dài.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ, thủy điện Bản Vẽ sẽ xả lũ đến lưu lượng 4.400 m3/giây. Hiện nay mực nước đang chững lại, hy vọng sẽ không tăng lưu lượng xả thêm.

Nước lũ đổ về huyện Kỳ Sơn. Ảnh Vietnamnet.

Việc xả lũ của thủy điện Bản Vẽ khiến nước Sông Cả lên rất nhanh. Ông Lê Hữu Huấn, Phó trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung bộ cho biết mực nước lũ tại Trạm Thủy văn Thạch Giám - sông Cả lúc 1h sáng ngày 31/8 đạt 71,5 m.

Một ngôi nhà ở Tương Dương bị ngập sâu . Ảnh VNN

Mực nước này vượt mực nước lũ lịch sử 2,6 m (mức lịch sử ở trạm Thạch Giám đo được là 68,9 m vào tháng 8/2005) và nước vẫn tiếp tục lên.

QL7 đoạn qua huyện Tương Dương chìm sâu trong biển nước

Trưa 31/8, mực nước tại Trạm Thủy văn Thạch Giám đạt đỉnh và dao động ở mức cao; đỉnh lũ có khả năng ở mức 71,75 m và duy trì trong thời gian dài.

Ông Nguyễn Việt Phương - Chi cục trưởng Chi cục QLĐB II.2 cho biết, do nước từ thượng nguồn đổ về cộng với mưa to khiến mực nước ở các sông dâng cao, nhiều vị trí trên QL 7A bị ngập. Có đoạn ngập sâu 2,5m, Vietnamnet đưa tin.

Người dân di chuyển lên vùng cao tránh lũ . Ảnh VNN

“Hiện tuyến QL7A từ huyện Tương Dương lên cửa khẩu Nặm Cắn (huyện Kỳ Sơn) có nhiều đoạn đang bị ngập sâu 30-50cm gây ách tắc giao thông. Chi cục quản lý đường bộ 2, đơn vị quản lý tuyến, cùng lực lượng chức năng địa phương tổ chức lắp biển báo, barie, cử người canh gác tại các vị trí này”, ông Phương nói.

Cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội tham gia giúp trường Phổ thông DTNT THCS Con Cuông di dời đồ đạc. Ảnh Bá Hậu/Tri thức trực tuyến.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, lũ dâng khiến nhiều ngôi nhà tại huyện Tương Dương bị ngập sâu, hàng chục nhà bị sụt lún, sạt lở phải di dời; 13 nhà dân ở thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông, đang bị ngập sâu.

Rất nhiều người sơ tán lên núi tránh lũ lụt. Ảnh Vietnamnet.

Sáng nay (31/8) mực nước sông Lam ở địa phận huyện Tương Dương vẫn tiếp tục dâng cao do thủy điện Bản Vẽ xả lũ với lưu lượng lớn. Đã có nhiều căn nhà ở bản Vẽ (xã Yên Na - Tương Dương) bị cuốn trôi và ngập chìm trong nước. Các tuyến đường ở xã Yên Na, Hòa Bình, Thạch Giám, Tam Quang ngập trong lũ, theo báo Nghệ An.

Người già, trẻ em trú tạm trên núi. Ảnh Đào Thọ.

Thấy nước dâng quá nhanh và nghe tin đồn thất thiệt đập thủy điện Bản Vẽ bị vỡ, hàng trăm người dân ở xã Xá Lượng đã hoảng hốt kéo nhau lên núi cao tránh lũ. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã bác bỏ thông tin vỡ đập.

Những chiếc chiếu tạm bợ được dùng làm nơi nghỉ ngơi. Ảnh: Đào Thọ/ báo Nghệ An.

Họ dựng lều trên những khu đồi cao để đảm bảo an toàn. Nhiều đứa trẻ phải theo gia đình chạy lũ. Một số người cho hay, lúc chạy họ quá hoảng loạn nên không kịp mang theo đồ ăn nước uống.

Nhiều đứa trẻ phải theo gia đình chạy lũ. Một số người cho hay, lúc chạy họ quá hoảng loạn nên không kịp mang theo đồ ăn nước uống. Ảnh: Đào Thọ

Theo thống kê, tại huyện Tương Dương, khoảng 200 nhà bị ngập, nhiều nhà phải tháo dỡ vì sạt lở. Quốc lộ 7 qua xã Tam Quang bị ngập sâu hơn 2 m khiến giao thông tê liệt. Cầu Bản Vẽ ở xã Yên Na bằng bê tông dài hơn 60 m; rộng hơn 6 m bị nhấn chìm, xô lệch và có nguy cơ bị cuốn trôi.

Ảnh Đào Thọ

Theo trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay ở lũ trung hạ du sông Cả đang lên. Dự báo đến tối 31/8, tại huyện Nam Đàn lên mức 5,2 m (dưới mức báo động 1 là 0,2m).

Xem thêm: Mưa lớn ở Sơn La, hàng trăm hộ dân di dời khẩn cấp

Hạo Nhiên (T/H) - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/thuy-dien-ban-ve-xa-lu-gay-ngap-ung-nguoi-dan-nhao-nhao-so-tan-len-nui-50842-3.html