Thủy điện hạn chế phát điện dịp lễ vì đơn giá thấp khiến Đà Nẵng nhiễm mặn?

Công ty Cấp nước Đà Nẵng đề nghị lãnh đạo TP có giải pháp can thiệp với các cơ quan liên quan điều tiết hoạt động các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn để ngăn nhiễm mặn, đảm bảo ổn định nguồn nước sinh hoạt cho hơn 1 triệu dân TP và vùng lân cận!

Ngày 6/9, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho hay, trước tình trạng nguồn nước sông Cầu Đỏ đang nhiễm mặn rất nặng khiến lưu lượng và áp lực cấp nước sinh hoạt trong mạng lưới thấp so với bình thường (Infonet đã đưa tin), Dawaco vừa có báo cáo UBND TP Đà Nẵng về tính hình nhiễm mặn tại cửa thu nhà máy nước (NMN) Cầu Đỏ và tình hình hoạt động của trạm bơm nước thô An Trạch.

Độ mặn cao nhất trong ngày tại cửa thu nước Cầu Đỏ

Theo đó, trong những ngày vừa qua, do thời tiết nắng nóng kéo dài cộng với lượng nước thượng nguồn về ít dẫn đến tình trạng nguồn nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn làm ảnh hưởng đến tình hình cấp nước cho TP Đà Nẵng. Cụ thể, từ ngày 31/8 đến nay, nguồn nước thô tại cửa thu NMN Cầu Đỏ bị nhiễm mặn, độ mặn thường xuyên dao động ở mức 260 – 2.000 mg/l. Độ mặn cao nhất là 2.019 mg/l lúc 09h00 ngày 5/9 (tiêu chuẩn nước sinh hoạt là 250 mg/l).

Để đảm bảo nguồn nước thô cho NMN Cầu Đỏ và NMN Sân Bay, Dawaco phải kết hợp việc lấy nước tại cửa thu Cầu Đỏ và bơm nước thô từ Trạm bơm phòng mặn An Trạch. Tuy nhiên, công suất của trạm bơm phòng mặn An Trạch chỉ đáp ứng được 70% công suất cấp nước hiện nay, dẫn đến tình trạng không đủ lượng nước thô để xử lý. Do đó lượng nước sạch cấp vào mạng lưới giảm 50.000÷70.000 m3/ngày, khiến khu vực cuối nguồn quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu nước rất yếu.

Theo Dawaco, hiện nay, khi sông Cầu Đỏ nhiễm mặn, Dawaco vận hành trạm bơm phòng măn An Trạch công suất thiết kế 240.000m3/ngày thì khả năng đáp ứng nước thô để xử lý trong điều kiện chiều cao mực nước tại đập An Trạch tối thiểu +2.0m. Nếu mực nước thấp hơn 2.0m thì khả năng cấp nước sẽ giảm xuống, mực nước thấp đến cao trình +1.4m thì trạm bơm An Trạch ngưng hoạt động.

“Trạm An Trạch chỉ hoạt động được khi mực nước tại đây trên 1.4m. Nếu mực nước dưới 1.4m thì trạm An Trạch dừng hoạt động và NMN Cầu Đỏ sẽ không có lượng nước thô để sản xuất. Trong khi đó, số liệu quan trắc những ngày qua cho thấy mực nước tại trạm bơm An Trạch nhiều thời điểm xuống chỉ còn 0.8m. Cụ thể ngày 2/9, mực nước dao động từ 1,2 m - 1,9m; ngày 3/9 là 0,8m - 1,2m, ngày 4/9 là 0,8 - 1,9m!” - Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Dawaco cho hay.

Độ mặn theo giờ tại cửa thu NMN Cầu Đỏ

Theo ông Hồ Hương, những lúc mực nước dưới 1,4m thì trạm bơm An Trạch dừng hoạt động và NMN Cầu Đỏ sẽ không có đủ nước thô để sản xuất. Với tình hình mà các số liệu quan trắc đã ghi nhận như nêu trên đã dẫn tới các NMN Cầu đỏ, Sân Bay ngưng hoạt động khiến tại một số thời điểm có xảy ra thiếu nước cục bộ ở một số khu vực trong TP Đà Nẵng.

Có ý kiến cho rằng các hồ thủy điện ở đầu nguồn Vu Gia (Quảng Nam) đã xả hết nước nên tình trạng hạn, nhiễm mặn hiện nay trên sông Cầu Đỏ không phải do thủy điện không xả nước mà do sông Quảng Huế chuyển nước sông Vu Gia về sông Thu Bồn, thời tiết lại không mưa khiến hạ du thiếu nước. Với các tình huống này thì bơm nước từ An Trạch về NMN Cầu đỏ, nhưng nước thiếu và yếu có phải do Dawaco bơm ít hoặc hạn chế bơm để giảm tiền điện, bớt chi phí?

Ông Hồ Hương trả lời, hàng năm ngân sách dành cho vận hành trạm bơm An Trạch căn cứ vào sản lượng nước ghi thu hàng năm. Trường hợp nguồn nước sông Cầu Đỏ không hoặc ít bị nhiễm mặn, nguồn ngân sách này vào cuối năm sẽ nộp lại cho ngân sách TP theo quy định. Do đó bất cứ khi nào có hiện tượng nhiễm mặn, Dawaco đều phải vận hành trạm bơm An Trạch để đảm bảo cấp nước đủ cho người dùng.

“Tiền điện vận hành trạm An Trạch nằm trong chi phí tiền nước hàng năm có trích ra một khoản để chi. Trường hợp chi không hết sẽ nộp lại cho ngân sách do Sở Tài chính theo dõi chứ Dawaco không được hưởng nên không có lý do gì Dawaco phải bơm ít hay hạn chế bơm nước từ trạm An Trạch về NMN Cầu Đỏ để giảm tiền điện, bớt chi phí cả!” – Ông Hồ Hương nhấn mạnh.

Mực nước tại trạm khí tượng thủy văn Ái Nghĩa lúc 13h ngày 5/9 chỉ ở mức 2,52m

Ngược lại, ông Hồ Hương cho biết, ngay trong thời gian này, khi nguồn nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn ngày càng nặng thì kết quả quan trắc tại trạm khí tượng thủy văn Ái Nghĩa lúc 13h ngày 5/9 cho thấy mực nước chỉ ở mức 2,52m, thấp hơn mực nước trung bình 3,51m so với cùng kỳ nhiều năm. Điều này đang gióng lên cảnh báo tình hình khả năng nhiễm mặn sẽ còn tiếp tục kéo dài.

Ông Hồ Hương nói: “Một số người đặt vấn đề: Những ngày qua thời tiết nắng nóng kéo dài, lượng nước về các thủy điện ít. Bên cạnh đó do thời gian nghỉ lễ 2/9 dài, mà thời gian nghỉ lễ nếu phát điện thì đơn giá sẽ thấp, vì vậy các nhà máy thủy điện thượng lưu sông Vu Gia và Thu Bồn hạn chế xả nước phát điện trong thời gian này, dẫn đến nước về hạ lưu ít và gây nên nhiểm mặn, không biết có phải không?”.

Từ nghi vấn này, ông Hồ Hương cho hay, Dawaco đã có văn bản đề nghị lãnh đạo TP Đà Nẵng xem xét, có giải pháp can thiệp với các cơ quan liên quan điều tiết hoạt động của các nhà máy thủy điện, nhằm có thể lấy nước trực tiếp tại vị trí NMN Cầu Đỏ để đảm bảo ổn định nguồn nước sinh hoạt cho hơn 1 triệu dân của TP và các vùng lân cận!

HẢI CHÂU

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/thuy-dien-han-che-phat-dien-dip-le-vi-don-gia-thap-khien-da-nang-nhiem-man-post273792.info