Thủy điện ở Nghệ An gây thiệt hại nặng cho hạ du

Tỉnh Nghệ An là 1 trong những địa phương có nhiều nhà máy thủy điện nhất cả nước, với 13 nhà máy đã đi vào hoạt động. Vừa qua, tỉnh này đã thành lập đoàn liên ngành đánh giá toàn diện tác động của các công trình thủy điện trên địa bàn đối với việc điều tiết, ngăn lũ, qua đó cho thấy có nhiều bất cập.

Thủy điện Bản Ang nằm trên lưu vực sông Cả (Nghệ An)

Thủy điện Bản Ang nằm trên lưu vực sông Cả (Nghệ An)

Kiểm tra ra bất cập

Đợt mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3 và 4, cộng với việc thủy điện xả lũ vào tháng 7 và 8 vừa qua đã khiến Nghệ An bị thiệt hại nặng. Trong đó, thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 là 831,70 tỷ đồng, do ảnh hưởng bão số 4 là 786,55 tỷ đồng. Sau các đợt mưa lũ này, tỉnh Nghệ An đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra toàn diện các thủy điện: Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê, Nậm Nơn, Nậm Mô, Bản Ang, Hủa Na, Châu Thắng...

Qua kiểm tra, đánh giá cho thấy, việc triển khai xây dựng nhiều thủy điện trên lưu vực sông Cả đã làm ảnh hưởng lớn đến dòng chảy của sông, gia tăng thiệt hại do mưa lũ. Phần lớn thời gian trong năm, lưu lượng nước sông Cả quá thấp nên không khơi thông được dòng chảy, dẫn đến về mùa lũ nước rút chậm hơn, thời gian ngập kéo dài hơn. Nước thượng nguồn các hồ thủy điện dâng cao hơn, nhanh hơn làm tăng lũ, tăng thiệt hại. Một số đập công suất xả lũ tối đa nhỏ hơn lưu lượng lũ đổ về làm nước thượng nguồn các hồ thủy điện dâng nhanh, vượt quá cao trình, đã gây thiệt hại cho người dân sinh sống trong khu vực.

Ngoài ra, chính các đập thủy điện làm co hẹp dòng chảy, tạo cao trình chênh lệch lớn giữa thượng lưu và hạ lưu của đập, dẫn đến khi xả lũ tạo thành lưu tốc nước quá lớn, làm sạt lở nhiều hơn cho vùng hạ du, làm tăng thiệt hại cho người dân (nhất là khu vực gần thân đập). Công tác quan trắc, dự báo nước thượng nguồn của các thủy điện còn hạn chế, dẫn đến việc xả lũ không chủ động, lưu lượng xả liên tục thay đổi trong thời gian ngắn, làm cho lũ vùng hạ du liên tục thay đổi lớn (lũ lên, xuống bất thường) gây khó khăn cho công tác phòng, chống lũ.

Kiến nghị bỏ thủy điện ảnh hưởng đến người dân

Từ khi ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả (tháng 12-2015), đến nay mới vận hành xả lũ nên đã bộc lộ rõ những bất cập. Cụ thể, như: Lấy mực nước báo động ở Trạm thủy văn Nam Đàn làm cơ sở vận hành là quá xa so với khu vực hồ chứa thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê. Quy định mực nước trước lũ 192,5m với dung tích phòng lũ 300 triệu m3 so với lũ hiện tại là quá nhỏ. Sau khi làm nhiệm vụ cắt giảm lũ cho hạ du, trong vòng 24 - 72 giờ, hồ Bản Vẽ phải đưa mực nước về mực nước cao nhất trước lũ. Theo tính toán sơ bộ, để đưa mực nước hồ từ 200m về 192,5m, hồ Bản Vẽ phải xả xuống hạ du với lưu lượng trung bình từ 2.500m3/s đến 5.000m3/s. Việc duy trì xả lũ xuống hạ du với lưu lượng lớn sẽ gây ra đợt lũ nhân tạo.

Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiến nghị tỉnh Nghệ An đưa ra khỏi quy hoạch, rút giấy phép đầu tư các dự án thủy điện không khả thi, hiệu quả thấp, triển khai chậm tiến độ hoặc chưa triển khai, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đời sống nhân dân, gồm thủy điện: Mỹ Lý, Nậm Mô 1, Xốp Cốc…; không quy hoạch thêm các thủy điện đang khảo sát, như: Cẩm Sơn, Bản Pủng, Bản Bà…

Tỉnh Nghệ An cũng đề xuất Chính phủ sửa đổi Quy trình vận hành liên hồ chứa theo Quyết định 2125/QĐ-TTg/2015 cho 3 hồ Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Cụ thể, lùi thời điểm tích nước đến cao trình 200m (mực nước dâng bình thường) từ 1-9 đến 20-9 hàng năm cho phù hợp với mùa lũ ở tỉnh Nghệ An, có tính đến các hồ chứa trên dòng chính sông Cả đang hoạt động theo quy trình liên hồ chứa.

DUY CƯỜNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thuy-dien-o-nghe-an-gay-thiet-hai-nang-cho-ha-du-561701.html