Thụy Điển thử nghiệm hệ thống phòng không mới

Lục quân Thụy Điển vừa khởi động chương trình nghiệm thu hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn cơ động RBS98 trước khi đưa vào biên chế.

Đây là một phần trong hợp đồng trị giá 270 triệu USD của lực lượng này với nhà thầu Đức Diehl Defense vào năm 2013 để mua các hệ thống RBS98 nhằm thay thế những hệ thống tên lửa vác vai RBS-70 đã lạc hậu.

Những năm qua, sử dụng tên lửa không đối không cho nhiệm vụ mới là phòng không đang trở thành xu thế được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện, có thể kể đến các dòng tên lửa như AIM-120 AMRAAM và AIM-9 Sidewinder của Mỹ hay Python-5 và Derby của Anh.

 Hệ thống RBS98 khai hỏa trong một cuộc thử nghiệm.

Hệ thống RBS98 khai hỏa trong một cuộc thử nghiệm.

Sản phẩm mới nhất theo hướng đi trên là hệ thống RBS98 - một phiên bản phóng từ mặt đất của tên lửa không đối không IRIS-T được đặt trên khung gầm của xe kéo bánh xích Bandvagn 410 do hãng BAE Systems của Anh và Hagglunds của Thụy Điển thiết kế, chế tạo.

Là sự kết hợp các yếu tố bao gồm cảm biến, radar, hệ thống điều khiển chiến đấu, thông tin liên lạc... từ nhiều nhà sản xuất khác nhau vào một nền tảng duy nhất, vũ khí này có nhiệm vụ bảo vệ các đơn vị mặt đất và cơ sở hạ tầng khỏi tên lửa, máy bay và trực thăng tấn công của đối phương.

Tên lửa IRIS-T nặng 87,4kg, dài 2,93m, lắp đầu nổ phá mảnh, tích hợp đầu dò hồng ngoại độ nhạy cao và có khả năng chống lại các biện pháp đối kháng điện tử.

Với tầm bắn 25km, tên lửa có hai chế độ hoạt động là khóa mục tiêu trước khi phóng (LOBL) và khóa mục tiêu sau khi phóng (LOAL), cho phép nó tiêu diệt hiệu quả mục tiêu trong nhiều điều kiện giao tranh.

Bên cạnh đó, công tác đảm bảo hậu cần, kỹ thuật cho tên lửa IRIS-T có nhiều thuận lợi do nó đang được sử dụng làm vũ khí không chiến chủ yếu của tiêm kích JAS-39 Gripen trong quân đội Thụy Điển.

PHẠM HUY (theo Defense World)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/thuy-dien-thu-nghiem-he-thong-phong-khong-moi-624204