Thủy điện trên sông Hồng: Nguy hại, không nên đặt ra

Theo GS.TS Hồng, không nên đặt vấn đề xây dựng thủy điện trên sông Hồng bởi nó ảnh hưởng đến hạ lưu, độ dốc dòng chảy và độ dốc đáy sông.

UBND tỉnh Lào Cai đã văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, đồng ý bổ sung Dự án Thủy điện Thái Niên (60 MW) và Dự án Thủy điện Bảo Hà (40 MW) trên sông Hồng vào Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ.

Trước đó, từ tháng 11/2018, UBND tỉnh Lào Cai đã đồng ý chủ trương khảo sát, lập hồ sơ bổ sung 2 dự án thủy điện nêu trên.

Nhiều ý kiến lo ngại việc đề xuất bổ sung 2 dự án thủy điện có tổng công suất chỉ 100MW trên sẽ có nhiều tác động tiêu cực. Về đề xuất này của UBND tỉnh Lào Cai, chuyên gia thủy lợi - GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (cũ) cũng thẳng thắn cho rằng, không nên đặt ra ý tưởng làm thủy điện trên sông Hồng chứ không phải đặt ra rồi nghiên cứu, vì nghiên cứu vô cùng tốn kém.

Lý giải cho quan điểm của mình, vị chuyên gia cho biết, sông Hồng rất nhiều phù sa, nếu làm thủy điện thì xử lý nền rất khó. Nhưng quan trọng hơn, nó sẽ ngăn dòng chảy làm cho vùng hạ du thiếu nước.

"Từ xưa đến nay, người ta chỉ làm thủy điện trên sông Đà là chính, sông Lô ít làm, còn trên sông Hồng thì không ai đề nghị.

Một công trình thủy điện nhỏ được xây dựng tại Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Năng lượng Việt Nam

Một công trình thủy điện nhỏ được xây dựng tại Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Năng lượng Việt Nam

Với những thủy điện nhỏ như hai dự án Lào Cai đề cập chắc chắn không phải chặn dòng sông, làm hồ chứa như thủy điện Hòa Bình hay thủy điện Sơn La mà là thủy điện lấy trực tiếp dòng chảy của sông (thủy điện bóng đèn), kiểu như dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện mà Tập đoàn Xuân Thành từng đề xuất.

Tuy nhiên, như khi đề xuất dự án giao thông thủy xuyên Á được đưa ra, rất nhiều ý kiến đã phản đối vì đã làm thủy điện tức là chặn dòng chảy lại, nâng nó lên một vài mét. Điều này không an toàn vì về mùa lũ, lũ sông Hồng rất lớn, các thủy điện đó không làm được. Còn nếu chỉ làm mùa cạn cũng không được vì mùa cạn dưới hạ du cần nước, chặn nước lại để làm thủy điện thì dòng chảy cho hạ lưu không còn.

Đặc biệt, sông Hồng là nguồn nước để nuôi Đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH), gồm cả Hà Nội, do đó không được ngăn chặn gì. Từng có ý kiến xây đập dâng nước thấp vài mét đưa vào trong cống Xuân Quan ở Bắc Hưng Hải nhưng dư luận không đồng tình vì dòng chảy sông Hồng không còn bao nhiêu nước nữa, giờ làm công trình thủy điện sẽ gây bức xúc cho người dân ở hạ lưu", GS.TS Vũ Trọng Hồng phân tích.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (cũ) nhấn mạnh, việc làm thủy điện trên sông Hồng của Lào Cai mới chỉ là gợi ý, còn từ xưa đến nay, các bộ chưa bao giờ quyết một dự án thủy điện nào trên sông Hồng. Ngay trong quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng mà Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao thực hiện và ông được tham gia với tư cách chuyên gia cũng không có ý định làm thủy điện trên sông Hồng.

"100MW là quá nhỏ, nhưng nguy hiểm là nó làm mất nguồn nước, phù sa của các tỉnh ĐBSH.

Tôi đi thực tế ở Thái Bình, vựa lúa của ĐBSH nhưng giờ đang rất khổ sở vì thiếu nước và phù sa. Đi qua nhiều huyện ở Thái Bình tôi thấy có màu vàng, màu của phèn, phèn ấy làm cho chua đất, cây cối vàng hết. Hỏi ra mới biết những năm gần đây tỉnh rất thiếu phù sa. Nếu bây giờ lại làm thêm thủy điện trên Lào Cai, chặn mất nước, phù sa của Thái Bình, Nam Định... thì không thể chấp nhận được", GS.TS Vũ Trọng Hồng nhấn mạnh.

Từ đây, ông lưu ý Lào Cai, sông Hồng là của tất cả các tỉnh ĐBSH, muốn làm bất cứ dự án nào ảnh hưởng đến dòng sông thì phải được sự thống nhất của người dân. Lào Cai muốn làm thủy điện thì trước tiên phải hỏi ý kiến Thái Bình, Nam Định... xem người dân các tỉnh đó có đồng ý hay không.

"Có thể tỉnh đề xuất vì muốn có thêm kinh phí cho địa phương, bản thân nhà đầu tư ngoài khai thác thủy điện để bán điện còn có thể khai thác cát, khoáng sản sông Hồng. Dư luận có thể đặt câu hỏi về việc có hay không nhóm lợi ích ở trong việc này nhưng dù mới là ý tưởng thì nó cũng rất nguy hiểm cho hạ lưu bởi nó làm mất phù sa, mất nguồn nước, ảnh hưởng đến nguồn sống của người dân vùng hạ lưu.

Lào Cai là một tỉnh miền núi, nếu thiếu kinh phí cho địa phương có thể phát triển lâm nghiệp, du lịch, nông nghiệp... Bản thân Lào Cai cũng đã dày đặc các thủy điện nhỏ, không nên đụng đến dòng sông Hồng nữa.

Trung Quốc đầu tư nhiều công trình thủy điện ở thượng nguồn làm cho nhiều tỉnh Việt Nam nhiều khi không có nước. Nếu giờ Lào Cai làm thủy điện trên sông Hồng, liệu khi đấu tranh với Trung Quốc, chúng ta có đủ lý lẽ để nói lý với họ?", vị chuyên gia nói.

GS.TS Vũ Trọng Hồng nhắc lại một câu chuyện cũ nhưng vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Theo đó, khi các chuyên gia Liên Xô làm thủy điện Hòa Bình, họ đã tiến hành khảo sát xem nếu làm công trình ấy thì có làm thay đổi độ dốc của dòng chảy, độ dốc của đáy sông Hồng không.

Việc khảo sát được tiến hành rất kỹ lưỡng bởi nguồn nước của sông Đà rất lớn. Các chuyên gia phải điều tra, khảo sát ra tận biển, thấy độ dốc của sông Hồng là không thay đổi và khi ấy thủy điện Hòa Bình mới được xây dựng.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/cong-nghe/thuy-dien-tren-song-hong-nguy-hai-khong-nen-dat-ra-3381192/