Thủy lợi năm 2023: Như sự sắp đặt tình cờ

Chỉ có một phương án sử dụng nước ấy, không có phương án 2 hay 3 như mọi năm với dự báo rằng nếu trời mưa sớm hay mưa muộn. Bởi chìa khóa của vấn đề năm nay là các hồ đang dồi dào nước so mọi năm.

Động lực của tiến bộ

Hôm ấy, dù ảnh hưởng đợt áp thấp nhiệt đới kỳ lạ, khi diễn ra sau ngày kết thúc bão lũ mà dân gian đã chốt là 23/10 âm lịch đến 20 ngày nhưng thời tiết Tuy Phong chỉ âm u. Đó là chuyện bình thường ở đây, nơi có tiếng ít mưa nhất của cả nước. Nhưng năm 2023, Tuy Phong không thiếu nước, các hồ thủy lợi trên địa bàn đều tích trữ nước nhiều hơn mọi năm. Tính đến thời điểm giao mùa này, khi chưa thu hoạch xong vụ mùa và chuẩn bị bắt đầu vụ đông xuân 2023 -2024, hồ Đá Bạc có 7,55 triệu khối nước hữu ích, hồ Lòng Sông có hơn 29,4 triệu khối. Còn trên núi, hồ Phan Dũng vừa cung cấp nước sản xuất cho khoảng 120 ha lúa của đồng bào Rắc Lây ở xã, vừa chuyển nước về dưới xuôi cho hồ Lòng Sông khi cần, nước đã tích về mênh mông đến hơn 13,4 triệu khối nước hữu ích, nhiều hơn dung tích thiết kế ban đầu.

Hồ thủy lợi Phan Dũng, Tuy Phong

Cánh đồng lúa nước ở xã Phan Dũng, Tuy Phong

Hồ thủy lợi Lòng Sông, Tuy Phong

Cũng trong năm 2023, dự án khai hoang cải tạo đồng ruộng và hệ thống kênh khu A xã Phan Dũng được triển khai. Đầu năm 2024, Phan Dũng có thêm 26,32 ha nữa cho dân sản xuất lúa nước, nâng tổng diện tích trồng lúa nước ở xã lên 150 ha. Dù chưa đạt con số 400 ha theo thiết kế tưới của hồ Phan Dũng nhưng thêm diện tích nào để trồng lúa nước là người dân Rắc Lây mừng. Vì hàng ngày, dân trong xã đều thấy nước hồ Phan Dũng dồi dào, đều thấy đất trong xã còn đó nhưng chưa sản xuất được, vì vướng đất rừng nên phải chờ. Trong khi ai cũng nhận ra, sản xuất lúa nước nhanh thu hoạch hơn sản xuất lúa cạn và có năng suất cao nên không lo đói giáp hạt. Vì thế, hành trình tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật để trồng lúa nước trong bao năm qua ở đây có thể nói đã vượt bậc với chính người Rắc Lây. Như vụ đông xuân 2022-2023, với diện tích 133,4 ha, toàn xã thu về 720 tấn lúa, quy ra đạt năng suất hơn 5,4 tấn/ha. Sang vụ hè thu sản xuất 93 ha thu về 465 tấn lúa, tức 5 tấn/ha và vụ mùa này, với những diện tích thu hoạch sớm cho thấy đạt 4 tấn/ha. Điều đáng nói, đó không chỉ là năng suất lúa mà còn thể hiện sự tiến bộ. Chính nước hồ Phan Dũng đã góp phần, là động lực cho sự thay đổi trên và tiếp tục cho việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật ở đây.

Cánh đồng mới khai hoang ở Phan Dũng

Chỉ một phương án

Tuy Phong, nơi vốn hay thiếu nước mà năm 2023 cũng dồi dào thế thì chuyện các hồ thủy lợi khác trên địa bàn tỉnh đều tích đầy nước là 1 sự đương nhiên. Kho nước lớn nhất khu vực phía Bắc tỉnh là hồ Sông Lũy ở Bắc Bình, với trách nhiệm chuyển nước ra hồ Lòng Sông (Tuy Phong) và chuyển nước về hồ Sông Quao (Hàm Thuận Bắc), đã có dung tích hữu ích gần 82 triệu khối, trong khi cùng thời điểm của năm ngoái chỉ có gần 51 triệu khối nước. Còn các hồ ở phía Nam tỉnh, phần lớn cũng có dung tích hữu ích cao hơn cùng thời điểm năm ngoái.

Hồ thủy lợi Sông Lũy, Bắc Bình. Ảnh: N.Lân

Theo số liệu từ Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận cho thấy, đến thời điểm cuối tháng 12/2023, lượng nước hữu ích hiện tại các hồ chứa thủy lợi là 308,96/363,55 triệu m³ đạt 84,9% thiết kế, cao hơn cùng kỳ 21,19 triệu m³. Trong khi đó, lượng nước hữu ích tại 2 hồ thủy điện cũng cao hơn cùng kỳ năm ngoái và gần xấp xỉ dung tích thiết kế. Cụ thể, hồ Hàm Thuận có dung tích hữu ích hiện tại 521,63 triệu khối so với 522,50 dung tích thiết kế, số năm ngoái là 425,96 triệu khối. Tương tự, hồ Đại Ninh có 249,71 triệu khối nước hữu ích hiện tại, đạt 99,2% thiết kế, cao hơn cùng kỳ 32,21 triệu m³.

Hồ thủy điện Hàm Thuận

Chính vì thế, hôm họp bàn về kế hoạch dùng nước mùa khô như lệ thường cuối năm của ngành nông nghiệp rất nhẹ nhàng, chỉ với một phương án. Vì kết quả tính toán cân đối nguồn nước sau khi kết thúc tưới vụ mùa năm 2023, cấp nước sinh hoạt mùa khô năm 2024 và cấp nước tưới cây thanh long thì lượng nước còn lại là 883,0 triệu m³, đảm bảo cấp nước tưới cho 100% diện tích sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024 là 33.016 ha. Đồng thời bảo đảm cho cả mùa khô 2024. Chỉ có một phương án sử dụng nước ấy, không có phương án 2 hay 3 như mọi năm, với dự báo rằng nếu trời kết thúc mưa sớm hay muộn. Bởi chìa khóa của vấn đề năm nay là các hồ đang dồi dào nước so mọi năm.

Hơn thế nữa, chính nhờ dồi dào nước mà quang cảnh xung quanh xanh hơn và cũng đẹp hơn. Điều đáng nói là nếu trước kia, cái đẹp ấy ít người biết, vì hầu hết các công trình thủy lợi nằm ẩn trong sâu, xa đường lớn thì nay, khi 2 tuyến cao tốc hình thành, khách có thể thấy vài hồ nằm ven đường hoặc mở ra lối dẫn vào các hồ gần hơn. Như qua cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, tất cả ai cũng có thể thấy trong tầm mắt hồ Đu Đủ, hồ Tà Mon với làn nước ánh bạc nằm giữa những vườn thanh long xanh tít tắp. Tiếp đó, theo đường ra khỏi cao tốc tại xã Sông Phan, mọi người có thể đi một đoạn nữa sẽ vào hồ Sông Phan. Nơi đây, khung cảnh núi rừng thanh bình, hồ Sông Phan phẳng lặng như hòn ngọc giữa vùng khô hạn.

Trong khi đó, các hồ thủy lợi khác đã thu hút khách đến như hồ Sông lũy, hồ Phan Dũng, hồ Suối Đá… bất chấp hiện chưa được đầu tư gì về du lịch. Việc khai thác các hồ thủy lợi phục vụ cho du lịch cũng đang xới lên ở tỉnh với triển vọng theo hướng đa mục tiêu. Và những gì diễn ra trong năm 2023 liên quan đến nước, sản xuất, đường sá, du lịch cứ xoay quanh các hồ thủy lợi như một sự sắp đặt tình cờ.

Theo ông Nguyễn Hữu Huệ, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận, dù thời điểm cuối năm này, phần lớn các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh đều nhiều nước so mọi năm. Nhưng nguy cơ hạn hán, thiếu nước vẫn có khả năng xảy ra tại các hồ chứa độc lập hoặc nhiệm vụ vượt thiết kế như hồ Tà Mon và hồ Núi Đất. Vì vậy, công ty vẫn triển khai các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/thuy-loi-nam-2023-nhu-su-sap-dat-tinh-co-116549.html