Thủy lợi Quảng Ninh cần được quan tâm đúng mức

Các công trình thủy lợi giữ vai trò quan trọng, nhất phòng chống thiên tai mùa mưa lũ, tuy nhiên hoạt động khai thác thủy lợi chưa được quan tâm đúng mức.

Hồ chứa nước Yên Lập được bàn giao, đưa vào khai thác, vận hành từ năm 1982. Sau nhiều năm chưa được sửa chữa lớn, nhiều bộ phận của công trình xuống cấp, đặc biệt là thân đập chính đã xuất hiện một số điểm thấm nước, với lượng nước thấm có thể đạt tối đa đến 60 lít/phút. Riêng hệ thống van côn ở hạ lưu cống tháo sâu, do thường xuyên ngập nước nên đã bị han gỉ một số kết cấu thép. Bộ phận làm kín nước cũng bị hư hỏng nên không thể giữ được nước. Nếu ở trạng thái đóng van côn thì lượng nước rò rỉ trung bình đo được khoảng 1,5- 2m3/s tương đương với gần 130.000 m3/ngày.

Thời điểm tháng 6 và tháng 7/2020, do tình trạng hạn hán kéo dài nên mực nước trong hồ Yên Lập (Quảng Ninh) xuống rất nhanh, có lúc tiệm cận đến mực nước chết.

Hồ Yên Lập có dung tích thiết kế trên 127 triệu m3 nước. Đây là hồ chứa nước lớn, cung cấp nước tưới tiêu, sinh hoạt cho gần 1/4 dân số của tỉnh Quảng Ninh. Trong thời gian mực nước hồ xuống thấp, đơn vị quản lý đã phải ưu tiên cung cấp nước cho công ty nước sạch, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Tuy nhiên chỉ trong vòng 3 ngày đầu tháng 8, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, tổng lượng mưa đo được tại trạm đập chính Yên Lập đạt hơn 247mm, lượng nước tích trữ tại hồ tăng lên đáng kể.

Điều này cho thấy, hình thái thời tiết đang có những thay đổi tiêu cực và khó dự đoán. Đã đến lúc cần có phương án thay đổi hệ thống thủy lợi hiện đại, đa dạng và phù hợp, không chỉ cung cấp phục vụ sản xuất mà còn góp phần phòng chống thiên tai mùa mưa lũ.

Hoạt động các công trình thủy lợi hiện nay

Công tác quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn nhiều khuyết điểm, nhất là hiệu khai thác chưa được triệt để. Hệ thống thủy lợi mới chỉ khai thác được một phần nhỏ trong nông nghiệp, chưa đạt được kỳ vọng của người dân.

Quá trình sử dụng nước thủy lợi trong nông nghiệp còn mang tính truyền thống, tức là cung cấp theo các đường kênh, ngạch nhỏ lẻ chủ yếu tập trung cho cây lúa và cây trồng cạn. Diện tích được áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm còn hạn chế. Đồng thời, việc đầu tư hạ tầng thủy lợi cho phục vụ nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt, công nghiệp chưa đáng kể.

Công ty TNHH thủy lợi hoạt động theo phương thức đặt hàng vẫn cần nhiều hỗ trợ về tài chính. Đây là nguyên nhân dẫn tới chất lượng quản trị của doanh nghiệp yếu kém, bộ máy cồng kềnh, năng suất lao động thấp, chất lượng cung cấp dịch vụ thấp, thiếu cơ chế để phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, nước, cơ sở hạ tầng và các nguồn lực khác của tổ chức quản lý khai thác để tăng nguồn thu.

 Khoảng thời gian hồ Yên Lập (Quảng Ninh) tiệm cận mực nước chết. Ảnh: Anh Thắng.

Khoảng thời gian hồ Yên Lập (Quảng Ninh) tiệm cận mực nước chết. Ảnh: Anh Thắng.

Các đơn vị này hoạt động còn ì ạch, phụ thuộc lớn vào ngân sách nhà nước, chưa có cơ chế tài chính bền vững trong hoạt động khai thác, quản lý thủy lợi. Song song với đó, cơ chế "chây ì, ỷ lại" đang hạn chế thu hút doanh nghiệp tư nhân vào lĩnh vực thủy lợi, giảm sức cạnh tranh cho đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình.

Quảng Ninh còn thiếu nghiên cứu về cơ chế, chính sách phù hợp góp phần thay đổi công tác khai thác, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong vận hành công trình thủy lợi, cơ sở hạ tầng chậm được củng cố, tỷ lệ cung cấp nước cho các dịch vụ khác ít được quan tâm và phát huy hiệu quả.

Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Ninh: Việc thành lập và hoạt động của tổ chức thủy nông cơ sở còn mang nặng tính áp đặt, thiếu sự tham gia chủ động, tích cực của người dân. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến nhiều tổ chức thiếu bền vững. Quá trình hỗ trợ người dân thông qua chính sách miễn, giảm thủy lợi phí là cần thiết nhưng phương thức chi trả theo hình thức gián tiếp, phần lớn cấp bù qua doanh nghiệp nên chưa gắn kết được trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ với người hưởng lợi.

Áp dụng khoa học kỹ thuật trong quản lý thủy lợi

Để nâng cao hiệu quả quản lý các công trình thủy lợi, bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, củng cố cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, cùng với đó cần nâng cao vai trò chủ thể của nhân dân và các bên liên quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ công trình thủy lợi.

Bộ NN-PTNT hiện đang rất quan tâm đến lĩnh vực thủy lợi, cũng như khả năng duy trì đảm bảo an toàn cho các đập, hồ chứa thủy lợi trong bối cảnh biến đổi khí hậu, một số giải pháp công trình đang được triển khai như đầu tư sửa chữa nâng cao an toàn đập trong khuôn khổ dự án WB8 từ nguồn vốn ODA vay Ngân hàng Thế giới hỗ trợ cấp bách để sửa chữa các hồ chứa xung yếu cho các địa phương khó khăn.

Trong thời gian tới,Tổng cục Thủy lợi cũng sẽ mở các lớp đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, vận hành cho cán bộ công nhân quản lý đập, hồ chứa theo quy định; tăng cường công tác quan trắc, giám sát vận hành các đập, hồ chứa; rà soát, phân loại, phân cấp quản lý các đập, hồ chứa trên địa bàn phù hợp với năng lực của đơn vị quản lý khai thác theo quy định; kiểm tra đánh giá hiện trạng toàn bộ các đập, hồ chứa, trong đó tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào kiểm tra đánh giá chuyên sâu công trình.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Giám đốc Trung tâm Công nghệ phần mềm Thủy lợi thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (Bộ NN-PTNT): Ứng dụng quản lý và khai thác thủy lợi đang được Bộ NN-PTNT đặc biệt quan tâm. Hiện nay quá trình triển khai áp dụng công nghệ 4.0 đã đạt được một số hiệu quả nhất định trong việc quản lý, vận hành và dự đoán chính xác ngăn nước và xả lũ. Quá trình áp dụng công nghệ 4,0 thông qua lắp đặt các thiết bị thiết bị giám sát, quan trắc và vận hành trong hồ chứa giúp ích, hỗ trợ người dùng trong công việc, đơn vị quản lý.

Hồ Yên Lập đã triển khai lắp đặt hệ thống phần mềm cảnh báo lũ, dự đoán chính xác đỉnh lũ để lên kế hoạch xả. Ảnh: Anh Thắng.

Hồ Yên Lập đã triển khai lắp đặt hệ thống phần mềm cảnh báo lũ, khi xảy ra mưa lũ tại thượng nguồn được 8 năm. Được biết vào trận lũ lịch sử năm 2015, khi được dự báo chính xác lên đến 98% về lượng nước và khả năng đạt đỉnh lũ, đơn vị quản lý và điều hành đã có kế hoạch xả lũ đạt hiệu quả. Như vậy, đơn vị quản lý đã giữ được toàn bộ lượng nước nhất định phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong mùa tiếp theo, giảm áp lực ngập lụt vùng hạ du.

Ông Nguyễn Xuân Tùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy Lợi Yên Lập: Công ty quản lý 12 hồ, đập lớn nhỏ với tổng dung tích 135 triệu m3 (trong đó, hồ Yên Lập là 1 trong những hồ lớn nhất tỉnh Quảng Ninh với dung tích 127 triệu m3), 1 hệ thống giám sát, cảnh báo lũ hồ Yên Lập và hệ thống giám sát SCADA trên kênh chính; 5 trạm bơm tưới có tổng công suất bơm là trên 8 nghìn m3/h; 17 cống tiêu dưới đê và 3 cống tiêu dưới đê dự phòng. Ngoài ra còn quản lý trên 250 km kênh các loại.

Anh Thắng

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/thuy-loi-quang-ninh-can-duoc-quan-tam-dung-muc-d271591.html