Thủy quân lục chiến Mỹ chuyển mạnh sang đối phó với Trung Quốc trên biển

Tờ Sankei cho biết, mới đây Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ (USMC) đã hoạch định kế hoạch tái cơ cấu toàn diện trong 10 năm tới, trong đó sẽ tập trung ưu tiên vào việc ngăn chặn các hành động bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Thủy quân lục chiến Mỹ trong một cuộc tập trận năm 2019. (Nguồn: US NAVY)

Đây là lần đầu tiên USMC hoạch định lại cơ cấu biên chế của lực lượng này. Tờ Sankei viết, theo kế hoạch mới mang tên Force Design 2030 (tái cơ cấu lực lượng) được Tư lệnh USMC David Berger công bố cuối tháng 3/2020, lực lượng này sẽ có bước chuyển mạnh từ ưu tiên chống khủng bố sang việc ngăn chặn Trung Quốc chiếm đóng một số đảo trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Dựa trên Chiến lược quốc phòng quốc gia năm 2018 do Tổng thống Donald Trump công bố năm 2018, USMC sẽ chuyển trọng tâm nhiệm vụ từ tác chiến chống khủng bố trên đất liền sang đối phó với các nguy cơ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cụ thể là Trung Quốc và Nga mà Mỹ cho là hai đối thủ cạnh tranh chiến lược. Đặc biệt, trước nguy cơ bành trướng trên biển từ Trung Quốc, USMC sẽ được coi như đội quân tiền phương của lực lượng hải quân và hai lực lượng sẽ tăng cường phối hợp với nhau.

Kế hoạch này cũng cho biết, dựa trên các cuộc tập trận trên bản đồ, Mỹ xác định quân đội Trung Quốc với sức mạnh của tên lửa và hải quân đang đe dọa ưu thế của Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tư lệnh USMC David Berger thừa nhận sức mạnh của quân đội Trung Quốc đang dần tăng lên và nếu không làm gì để ngăn lại thì Trung Quốc sẽ sớm đuổi kịp và vượt lên so với Mỹ.

Để đối phó với tầm bắn của tên lửa Trung Quốc vào các căn cứ tập trung, thủy quân lục chiến Mỹ sẽ thiết lập nhiều căn cứ viễn chinh phía trước (EAB) có quy mô nhỏ (từ 50-100 binh lính) và phân tán ở nhiều đảo xa hay khu vực ven biển, trong khi đó sẽ áp dụng các hình thức tác chiến tấn công đối hạm, tấn công đối không và sử sụng máy bay không người lái để làm suy yếu các hoạt động tác chiến của quân đội Trung Quốc.

Kế hoạch Force Design 2030 tuy không đề cập cụ thể tới các nội dung tác chiến nhưng cũng giả định việc bố trí phân tán hệ thống tên lửa hành trình phòng thủ ven biển (CDCM), tên lửa tấn công, hệ thống cảm biến, các căn cứ tàu trinh sát và căn cứ dự phòng tại một số đảo kéo dài từ phía Nam đảo Kyushu (Nhật Bản) tới Đông Bắc Đài Loan.

Kế hoạch mới cũng cho biết, USMC sẽ tiến hành các hoạt động tác chiến xung quanh đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), quanh các đảo thuộc quần đảo Trường Sa để có thể giành chiến thắng trước hình thái tác chiến “vùng xám” mà Trung Quốc hay thực hiện thông qua sử dụng tàu vũ trang số lượng lớn đổ bộ chiếm đảo hay ngụy trang tàu vũ trang dưới vỏ bọc tàu cá.

Theo kế hoạch tái cơ cấu, thủy quân lục chiến Mỹ sẽ cắt giảm xuống còn quy mô 17.000 lính vào năm 2030, đồng thời giải tán 7 trung đội xe tăng - thiết giáp với quan điểm rằng số xe cơ giới này sẽ nhờ tới lục quân hỗ trợ khi cần thiết, giảm số đơn vị tấn công bằng trực thăng từ 7 xuống 5, số đơn vị vận tải trực thăng từ 8 xuống còn 5. Các trung đội pháo cũng được cắt giảm từ 16 xuống còn 5. Tuy nhiên, sẽ tăng biên chế các trung đội tên lửa, pháo tầm xa từ 7 lên 21 đội để gánh vác nhiệm vụ tác chiến tiền phương. Ngoài ra, cũng sẽ tăng thêm số đơn vị trinh sát, giám sát, tình báo (ISR) và đảm nhận nhiệm vụ tấn công đối hạm và đối đất bằng máy bay không người lái từ 3 đơn vị lên thành 6 đơn vị.

V.A

(theo Sankei)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thuy-quan-luc-chien-my-chuyen-manh-sang-doi-pho-voi-trung-quoc-tren-bien-113093.html