Thủy sản Hùng Vương tiếp tục điệp khúc báo lỗ và thoái vốn công ty con

Sau soát xét, thủy sản Hùng Vương lỗ tới 134 tỷ đồng thay vì lãi 28 tỷ đồng như báo cáo tài chính tự lập trước đó.

Công ty cổ phần Hùng Vương (HoSE: HVG) vừa công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét bán niên năm 2019 với kết quả lợi nhuận sau thuế chuyển từ lãi thành lỗ, điều khác xa với báo cáo tài chính mà công ty lập trước đó.

Theo đó, doanh thu thuần nửa đầu năm của công ty đạt 2,876 tỷ đồng, tăng thêm 230 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 320 tỷ đồng, tăng thêm 9 tỷ đồng so với trước soát xét. Tuy nhiên, nhiều chi phí cũng được điều chỉnh tăng lên. Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới 159 tỉ đồng, gấp 4 lần so với báo cáo tự lập. Lỗ trong các liên doanh liên kết 43 tỉ đồng, tăng gấp 7 lần, chi phí tài chính tăng thêm 15,7 tỷ đồng. Do đó, sau soát xét HVG đã lỗ tới 134 tỷ đồng thay vì lãi 28 tỷ đồng như báo cáo tự lập. Kết quả này dẫn tới lỗ lũy kế của HVG tính tới 31/3/2019 đã lên tới 527,8 tỷ đồng.

Báo cáo kiểm toán cũng nhấn mạnh đến khả năng hoạt động liên tục của Hùng Vương vì có khoản vay quá hạn thanh toán tại các ngân hàng thương mại. Khả năng hoạt động của công ty giờ đây lại phụ thuộc vào khả năng sắp xếp dòng tiền kinh doanh và được tái cơ cấu các khoản vay từ ngân hàng.

Cụ thể, tính đến thời điểm 31/3/2019, Hùng Vương có 8.827 tỷ đồng tài sản, trong đó chủ yếu là tài sản ngắn hạn với 6.991 tỷ đồng, còn lại là tài sản dài hạn. Đáng chú ý, khoản phải thu ngắn hạn lên tới 4.753 tỷ đồng, hàng tồn kho 1.809 tỷ đồng. Đặc biệt, Hùng Vương cũng ghi nhận khoản trích lập dự phòng 679 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khó đòi.

Thủy sản Hùng Vương lỗ nặng sau kiểm toán. Ảnh:VTV.vn

Mặt khác về các khoản nợ, tổng nợ tính đến cuối tháng 3 của Hùng Vương là 6.630 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn ngân hàng 2.969 tỷ đồng (vay nhiều nhất tại BIDV với hơn 1.935 tỷ đồng, kế tiếp là Vietcombank với 602 tỷ, HDBank 169,5 tỷ cùng một số khoản vat ngắn hạn tại các nhà băng khác...). Vốn chủ sở hữu Hùng Vương đạt 2.197 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 398 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, khoản nợ vay gần 602 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) đã quá hạn thanh toán. Chưa kể, áp lực trả nợ vay của HVG sắp tới cũng rất lớn bởi trong tháng cuối tháng 6, tháng 7 và tháng 9 tới đây, “vua cá tra” có gần 380 tỷ đồng nợ vay đến hạn phải trả. Như vậy, tính cả 602 tỷ đồng vay nợ quá hạn từ VCB thì HVG cần hơn 1.000 tỷ đồng để trả nợ vay ngân hàng trong năm nay.

Cùng con số lỗ lũy kế hơn 500 tỷ đồng, kiểm toán cũng lưu ý việc HVG có khoản vay quá hạn thanh toán tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn. Với khoản nợ này, đại diện HVG cho biết đang làm việc với ngân hàng để xin chấp thuận giãn thời gian thanh toán nợ gốc và lãi vay cho 8 năm tiếp theo.

Hôm 11/6, Hùng Vương đã báo cáo lên Ủy ban chứng khoán nhà nước về việc thoái vốn hai công ty con là Công ty TNHH Chế biến thủy sản Hùng Vương Bến Tre (tỉ lệ sở hữu 90% với giá trị sổ sách là 180 tỉ đồng) và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (tỉ lệ sở hữu 79,58%). Tỷ lệ sở hữu sau thoái vốn dự kiến dưới 50%.

Hà Linh

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/doanh-nghiep/thuy-san-hung-vuong-tiep-tuc-diep-khuc-bao-lo-va-thoai-von-cong-ty-con-3329263/