Thủy sản, nông nghiệp và dầu cọ đe dọa rừng ngập mặn Đông Nam Á

ThienNhien.Net – Giống như dải phân cách giữa đất liền và đại dương, rừng ngập mặn bao phủ bờ biển nhiều khu vực nhiệt đới và cận nhiệt trên thế giới, mang lại môi trường sống thiết yếu cho nhiều sinh vật và cung cấp các dịch vụ sinh thái quan trọng cho con người. Đây cũng là một trong những bể chứa carbon lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, rừng ngập mặn đang bị đe dọa xâm lấn từ cả hai phía: nước biển dâng và con người. Theo nghiên cứu mới công bố của Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ (PNAS) về tác động của chuyển đổi sử dụng đất đối với rừng ngập mặn ở Đông Nam Á, có tới 2% diện tích cây ngập mặn trong khu vực bị tàn phá, chủ yếu do mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, canh tác lúa nước và sản xuất dầu cọ.

Rừng ngập mặn có vai trò quan trọng, cung cấp nguồn cá thiết yếu cho chuỗi thức ăn trong lòng đại dương, mang lại thu nhập và sinh kế cho người dân, giúp ổn định vùng ven biển, hạn chế xói mòn và giảm thiểu thiệt hại do bão lũ và sóng thần. Rừng ngập mặn lưu trữ lượng carbon cao gấp 4 lần các loại rừng nhiệt đới khác. Theo các nhà khoa học, giá trị kinh tế của rừng ngập mặn trên toàn cầu là khoảng 194.000 USD/ha/năm.

Rừng ngập mặn ở Queenland, Úc. (Ảnh: Rhett A. Butler)

Mặc dù mang lại những lợi ích to lớn như vậy, rừng ngập mặn vẫn không tránh khỏi bị tàn phá nghiêm trọng hoặc đang trên bờ vực nguy hiểm. Hơn một phần ba diện tích rừng ngập mặn trên thế giới đã bị xóa sổ trong khoảng những năm 1980 và 1990; 16% các loài thực vật hình thành nên rừng ngập mặn đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Để hiểu rõ hơn tốc độ và nguyên nhân biến mất nhanh chóng của rừng ngập mặn tại Đông Nam Á, các nhà khoa học tại các trường đại học ở Singapore và Anh Quốc đã phân tích dữ liệu vệ tinh và xác định những thay đổi trong mục đích sử dụng đất trong phạm vi khu vực này. Kết quả, hơn 100.000 ha rừng ngập mặn đã biến mất trong khoảng 2000-2012, chiếm tới 2% diện tích rừng ngập mặn trên toàn Đông Nam Á, tương đương khoảng 0,18%/năm.

Những cánh đồng lúa nhìn từ trên cao tại Java, Indonesia – nơi trước đây từng là những cánh rừng ngập mặn. (Ảnh: Rhett A. Butler)

Các điểm mất rừng ngập mặn nóng nhất bao gồm Myanmar, Sumatra, Indonesia Borneo và Malaysia, trong khi các quốc gia như Thái Lan, Việt Nam và Philippin có tốc độ mất rừng thấp hơn. Nguyên nhân chủ yếu là do nuôi trồng thủy sản, canh tác lúa nước và sản xuất dầu cọ. Cụ thể, việc mở rộng diện tích canh tác lúa nước ở Myanmar và nuôi trồng thủy sản ở Indonesia đều bắt nguồn từ định hướng chính sách của chính phủ: Indonesia mong muốn trở thành nhà cung cấp thủy sản lớn nhất thế giới, còn Myanmar đang nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực.

Cơ quan Quan trắc Lâm nghiệp toàn cầu mô tả việc trồng cọ dầu trên quy mô công nghiệp xâm lấn diện tích rừng ngập mặn ở Indonesia (trên) và Malaysia Borneo (dưới).

Nghiên cứu đồng thời nhấn mạnh hoạt động trồng cọ dầu ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ đến diện tích rừng ngập mặn do tính chất môi trường sống cả trên cạn và dưới nước của loại rừng này. Tại Malaysia và Sumatra (Indonesia), nơi rừng ngập mặn hầu như không còn, tỷ lệ trồng cọ đặc biệt cao. Rừng ngập mặn nguyên sinh ở Papua cũng có nguy cơ biến mất hoàn toàn do ảnh hưởng từ việc trồng cọ dầu.

Tháng 05/2015, Tổng thống Indonesia Joko Widodo công bố kế hoạch mở rộng thêm 1.500ha đất nông nghiệp mới tại Papua trong vòng 3 năm tới, thuộc một phần Dự án Khu vực dự trữ năng lượng và lương thực tích hợp Merauke nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Papua. Mặc dù tỷ lệ mất rừng tại Papua không cao trong giai đoạn 2000-2002, các hoạt động phát triển như dự án Merauke sẽ gây ra nhiều tác động môi trường và xã hội đáng kể trong tương lai.

Nguồn:

Thục Viên/ MT&ĐS

Các bài cùng chủ đề:

Rừng ngập mặn biến mất nhanh hơn rừng trên cạn

Thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nuôi thủy sản ở rừng ngập mặn

Cristiano Ronaldo trở thành Đại sứ bảo tồn rừng ngập mặn

Hậu quả từ việc phá rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy sản ở Đồng Rui

Báo động về mất rừng ngập mặn trên quy mô toàn cầu

Rừng ngập mặn ven biển ĐBSCL đang suy giảm mạnh

Dự án bảo vệ rừng ngập mặn tại Xuân Thủy nhận 20.000 USD tài trợ

Đăk Nông: Một công ty lâm nghiệp để mất hơn 3.500 ha rừng

Thừa Thiên – Huế mở rộng khu bảo tồn rừng ngập mặn

Lá chắn rừng ngập mặn đang suy giảm

Khánh Hòa: Trên 89% diện tích đất ngập mặn chưa được trồng rừng

Quảng Ngãi: Hơn 21 tỷ đồng đầu tư trồng rừng ngập mặn ven biển

Nguồn Thiên Nhiên: http://www.thiennhien.net/2016/03/01/thuy-san-nong-nghiep-va-dau-co-de-doa-rung-ngap-man-dong-nam/