Thủy sản quyết gỡ 'thẻ vàng', nhắm đích 10 tỷ USD

Dù nhận định sẽ tiếp tục đối mặt không ít khó khăn trong nửa cuối năm, song toàn ngành thủy sản xác định sẽ nỗ lực tối đa để xuất khẩu (XK) có thể về đích 10 tỷ USD; đồng thời phấn đấu khắc phục tốt hơn những khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), hướng tới gỡ bỏ 'thẻ vàng'.

Ngành thủy sản quyết tâm đạt được mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm nay. Ảnh: Nguyễn Thanh

Ngành thủy sản quyết tâm đạt được mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm nay. Ảnh: Nguyễn Thanh

10 tỷ USD - không đơn giản!

Nửa đầu năm nay, trị giá XK thủy sản ước đạt 3,56tỷ USD, bằng 91,4% cùng kỳ năm trước và đạt 35,6% kế hoạch. Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) nhận định, 6 tháng cuối năm nguồn lợi hải sản suy giảm cả về số lượng, chất lượng; dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường; tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục làm ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản tại một số khu vực.

Ngoài ra, tình hình an ninh trật tự trên biển diễn biễn phức tạp, khó lường. Các nước trong khu vực tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác trên biển, ngư trường khai thác hải sản của ngư dân ta bị thu hẹp đáng kể.

Dù nhiều khó khăn, song toàn ngành xác định sẽ nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2020 được giao gồm: Tổng sản lượng thủy sản đạt 8.565,6 triệu tấn (trong đó sản lượng khai thác là 3,9 triệu tấn và sản lượng nuôi trồng là 4,66 triệu tấn); kim ngạch XK đạt 10 tỷ USD.

Nửa đầu năm nay, giá trị sản xuất toàn ngành thủy sản tăng 2,79% (kế hoạch cả năm là 5,4%). Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 3,86 triệu tấn (tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019). Đáng chú ý, trị giá XK thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 3,56 tỷ USD, bằng 91,4% cùng kỳ năm trước và đạt 35,6% kế hoạch.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (Vasep) đánh giá, hết 6 tháng đầu năm, XK thủy sản giảm hơn 8% so với cùng kỳ năm trước. Đó là dấu hiệu cho thấy muốn đạt mục tiêu XK 9-10 tỷ USD trong năm nay phải nỗ lực rất nhiều, đặc biệt là XK sang thị trường Trung Quốc. "2 tháng qua, khi kiểm soát tốt dịch Covid-19, Trung Quốc đã tăng nhập thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, 2 tuần trở lại đây khi Trung Quốc phát hiện virus Covid-19 trên 3 túi tôm của Ecuador, việc NK được siết chặt đã gây ảnh hưởng tới XK thủy sản của Việt Nam vào thị trường này. Tại các thị trường lớn khác của thủy sản Việt Nam cũng vẫn còn khó khăn do tác động của Covid-19", ông Nam nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: "Toàn ngành phải nỗ lực cố gắng để đạt mục tiêu tăng trưởng nói chung, XK nói riêng. Điển hình như với mặt hàng cá tra, tôi đề nghị khi gặp khó khăn tại các thị trường truyền thống thì đẩy mạnh hơn nữa XK sang các thị trường khác như Nga; đồng thời thúc đẩy tiêu thụ trong nước. Cá tra bán trực tiếp cho các bếp ăn không qua kệ, qua siêu thị gì cả. Như vậy, người tiêu dùng và nhà sản xuất đều được hưởng lợi", lãnh đạo Bộ NN&PTNT nói.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho hay, nửa cuối năm toàn ngành sẽ bám sát thực tiễn sản xuất tại các địa phương để chỉ đạo kịp thời các giải pháp thúc đẩy sản xuất nuôi trồng thủy sản, hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2020; tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất tôm nước lợ, cá tra. Bên cạnh đó, ở góc độ khai thác, Tổng cục Thủy sản sẽ tham mưu quản lý tốt hạn ngạch khai thác hải sản, giảm dần số lượng tàu cá khai thác và đẩy mạnh công tác chuyển đổi từ nghề khai thác xâm hại nguồn lợi thủy sản và môi trường sang làm các nghề nuôi biển, nghề khác cho ngư dân, khai thác theo tổ, đội để tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường, nâng cao hiệu quả khai thác...

Nỗ lực gỡ "thẻ vàng"

Bên cạnh câu chuyện nuôi trồng, XK thủy sản, vấn đề đáng lưu tâm hơn cả ở thời điểm hiện tại còn là gỡ bỏ "thẻ vàng" với hải sản XK. Theo kế hoạch ban đầu, từ ngày 25/5 đến 5/6/2020, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của EC (DG-Mare) sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ ba tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU (sau 2 lần kiểm tra trước đó vào tháng 5/2018 và tháng 11/2019). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lịch kiểm tra đã được hoãn và phía EC chưa chốt lại thời điểm chính xác trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản) đánh giá, riêng về chống khai thác IUU, hiện nay tồn tại hai "lỗ hổng" lớn. Thứ nhất là xử lý vi phạm hành chính tại các địa phương. Có xử lý nghiêm các vi phạm hành chính thì những vấn đề khác như giấy phép, sản lượng lên bến… sẽ được chấp hành tốt hơn. Thứ hai là xử lý tàu đánh bắt bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài.

Bà Phan Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Thủy sản) thông tin thêm, tính từ thời điểm EC sang kiểm tra cuối năm 2019 đến nay, tình hình xử phạt vi phạm tại các địa phương đã có nhiều tiến triển tích cực. Có nhiều quyết định xử phạt với mức tiền cao đối với các hành vi trước đây hầu như chưa xử phạt như tàu đánh cá không duy trì thiết bị giám sát hành trình... Sau khi xử phạt vi phạm các địa phương đều đăng tải thông tin công khai tại địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay các địa phương đang gặp vướng mắc căn cứ pháp lý về mặt ranh giới liên quan tới tàu cá vi phạm tại vùng biển nước ngoài.

"Hiện nay, ngoài việc hướng dẫn trực tiếp, Tổng cục Thủy sản đang nghiên cứu văn bản tham mưu để gửi địa phương theo hướng vùng biển nào đã xác định rõ, phân định rõ ràng thì địa phương phải quyết liệt, còn vùng biển nào còn chồng lấn, địa phương phải lập danh sách toàn bộ tàu bị nước ngoài thông báo vi phạm hoặc bị lực lượng chức năng Việt Nam thông báo vi phạm. Đó là căn cứ để Việt Nam làm việc với phía EC. Trong đợt kiểm tra gần nhất, phía EC đã chấp nhận đề xuất của Việt Nam là tàu cá vi phạm tại vùng biển chồng lấn thì lập danh sách theo dõi, liệt vào dạng nguy cơ cao chứ chưa xử phạt, đối với tàu cá vi phạm tại vùng biển rõ ràng thì phải tiến hành xử phạt", bà Huệ nói.

Theo ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản), thời gian qua tình trạng ngư dân vi phạm tại vùng biển nước ngoài, đặc biệt là tại vùng biển chồng lấn Malaysia rất phức tạp. "Dự kiến, cuối tháng 7/2020 sẽ diễn ra cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia về IUU. Trong đợt họp này, Cục sẽ tham mưu tập trung vào các giải pháp để ngăn chặn được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài", ông Hà Lê nhấn mạnh.

Trước một số tồn tại, vướng mắc trong việc tháo gỡ "thẻ vàng", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu Tổng cục Thủy sản tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về nỗ lực, quyết tâm của Việt Nam trong chống khai thác IUU, triển khai các khuyến nghị của EC; tăng cường tuyên truyền, tập huấn, phổ biến pháp luật cho ngư dân để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, chống khai thác IUU; chuẩn bị kế hoạch, nội dung tiếp và làm việc với Đoàn Thanh tra của EC sang Việt Nam lần thứ tư...

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/thuy-san-quyet-go-the-vang-nham-dich-10-ty-usd-130040-130040.html