Thụy Sỹ với cuộc chiến chống tham nhũng thể thao

Khi nói về 'quyền lực Thụy Sỹ', người ta hay nghĩ về những ngân hàng của họ. Vậy nhưng, quốc gia này còn nắm một quyền lực khác không kém phần đáng gờm: ¾ số các liên đoàn thể thao quốc tế đặt trụ sở tại Thụy Sỹ.

Chỉ riêng thành phố Lausanne thôi đã là nơi đặt trụ sở của 46 liên đoàn thể thao thế giới, Tòa án Trọng tài Thể thao, và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC). Những tổ chức nói trên tạo ra hẳn một “ngành công nghiệp” quan trọng đối với Thụy Sỹ. Và đem lại cho họ cả tiền tài lẫn ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Vậy nhưng trong vòng 30 năm trở lại đây, một loạt các scandal tham nhũng liên quan đến các liên đoàn thể thao đã khiến Thụy Sỹ bị liên đới theo. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra về sự liên quan của chính phủ và ngành tài chính nước này trong việc “tiếp tay” cho các hiện tượng hối lộ, bòn rút của công, v.v… xảy ra ở cấp độ quản lý thể thao cao nhất.

Câu chuyện của lịch sử

Để hiểu vì sao Thụy Sỹ lại trở thành trung tâm của nhiều tổ chức thể thao quốc tế đến vậy, phải quay trở lại thời điểm đầu thế kỷ XX khi Pierre de Coubertin cho “hồi sinh” Thế vận hội Olympic hiện đại. Vị chủ tịch đầu tiên của IOC cũng là một nhà du lịch đã “phải lòng” đất nước Thụy Sỹ. Năm 1909, de Coubertin tổ chức cuộc thi thiết kế sân vận động chuẩn Olympic đầu tiên trên thế giới bên bờ hồ Geneva, Thụy Sỹ. Sau đó là một chuỗi các hội thảo, sự kiện quảng bá được IOC tổ chức tại Thụy Sỹ ävới sự trợ giúp từ chính phủ nước này.

“Cánh tay phải” của Pierre de Coubertin là bá tước Godefroy de Blonay người Thụy Sỹ. Tuy Godefroy không bao giờ nhận chức chủ tịch IOC, nhưng ông đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tổ chức này. Chính ông đã sắp xếp để trụ sở IOC được đặt tại Thụy Sỹ, khi đó là một nước trung lập trong Thế chiến thứ I. Sau Thế chiến, Godefroy tiếp tục hoạt động không ngừng nghỉ để đưa IOC lại gần hơn với chính phủ Thụy Sỹ. Về phần Thụy Sỹ, chính phủ họ muốn sử dụng Thế vận hội như một biểu tượng cho thái độ trung lập và hòa bình của mình.

Nhiều hiệp hội thể thao quốc tế được lập ra bởi các thành viên người Thụy Sỹ của IOC. Có thể kể đến Liên đoàn Các môn thể thao trượt quốc tế (FIRS), Liên đoàn Chèo thuyền quốc tế (FISA). Và cả Liên đoàn Bóng rổ quốc tế (FIBA). Một số tổ chức khác như Liên đoàn Cưỡi ngựa quốc tế (FEI) tuy được thành lập ở nước khác nhưng rồi cũng chuyển trụ sở sang Thụy Sỹ để tiện làm việc với IOC. Riêng FIFA sau khi phải nộp đơn phá sản vào năm 1932 liền chuyển đến Zurich, Thụy Sỹ vì chủ tịch FIFA khi đó, ông Ivo Schricker, muốn tăng tầm ảnh hưởng của cộng đồng nói tiếng Đức trong bóng đá.

Chủ tịch Gianni Infantino (trái) và chủ tịch IOC Thomas Bach.

Vấn nạn dai dẳng

Chính phủ Thụy Sỹ từ lâu đã biết đến vấn nạn tham nhũng trong lòng các liên đoàn thể thao quốc tế. Trong một bản báo cáo vào tháng 11-2012, Bộ Thể thao Thụy Sỹ đã kêu gọi các tổ chức này phải có những hành động chống tham nhũng mạnh tay hơn nữa, đồng thời tiên đoán: “Tham nhũng trong thể thao đang đe dọa hình ảnh của một nước Thụy Sỹ trung lập, hòa bình và công bằng… Thụy Sỹ có quyền và trách nhiệm bảo vệ hình ảnh của mình bằng những biện pháp như thắt chặt luật chống hối lộ”.

Mười năm sau khi bản báo cáo được công bố, tình hình không có nhiều chuyển biến tích cực. Vụ scandal gần đây nhất làm chấn động thế giới thể thao có liên quan đến Ary Graca, chủ tịch của Liên đoàn Bóng chuyền thế giới (FIVB). Dẫn lời hãng tin AP: “Các nhà điều tra cho biết Graca đã biển thủ một phần số tiền quảng cáo trong hợp đồng ký kết giữa ngân hàng Banco do Brasil và Hiệp hội Bóng chuyền Brazil. Số tiền này sau đó được tuồn ra các công ty bình phong có liên quan đến Graca”. Chính nhân vật cấp cao khác của FIVB cũng đang bị điều tra, trong đó có Tổng thư ký Fabio Azevedo.

Người dân Thụy Sỹ không khỏi bất bình trước những vụ “đại án” tham nhũng như trên. Thượng nghĩ sỹ đại diện thành phố Geneva, ông Carlo Sommaruga, phát biểu trước Thượng viện: “Các tổ chức thể thao có trách nhiệm quảng bá những giá trị đạo đức. Không cá nhân nào từng liên quan đến việc tham nhũng hay lừa đảo nên được giữ vị trí lãnh đạo các tổ chức này”.

Vấn đề là, nếu lãnh đạo các tổ chức thể thao quyết định “nhúng chàm”, chính quyền Thụy Sỹ gần như không thể làm gì được họ. Giáo sư Loup Chappelet tại trường đại học Lausanne cho biết: “Bộ luật về các tổ chức thể thao chỉ có vỏn vẹn 20 mục quy định rất chung chung. Chúng được viết ra nhằm quản lý các CLB thể thao địa phương chứ không dành cho những liên đoàn quốc tế”.

Cựu chủ tịch Tamás Aján của Liên đoàn Cử tạ thế giới vừa phải từ chức.

Cùng chung quan điểm này còn có luật sư thể thao Yvan Henzer: “Việc tự thành lập một liên đoàn thể thao tại Thụy Sỹ rất dễ. Bạn chỉ cần sao chép bộ luật của một tổ chức khác, thay đổi vài từ, viết ra danh sách nhân sự, và đem đi nộp cho văn phòng hành chính thành phố. Thế là bạn đã có một tổ chức thể thao của riêng mình. Thậm chí nếu là tổ chức phi lợi nhuận thì không cần phải nộp báo cáo tài chính cho nhà nước. Đây là một điều vô lý vì có để hàng tỷ USD qua tay các liên đoàn thể thao thế giới”.

Chính luật pháp Thụy Sỹ cũng đang tạo cơ hội cho những lãnh đạo ngành thể thao quốc tế tham nhũng. Họ ký kết các hợp đồng quảng cáo, bán bản quyền phát sóng trị giá triệu USD mà không ai biết. Đó là vì họ không phải làm hay công khai báo cáo tài chính như các doanh nghiệp.

Lấy ví dụ vụ tham nhũng của Chủ tịch Liên đoàn Bơi lội thế giới (FINA), ông Husain Al-Musallam. Vào năm 2017, Bộ Tư pháp Mỹ mở cuộc điều tra ông Al-Musallam vì khi là Tổng Thư ký Hội đồng Olympic châu Á, ông ta đã nhận tiền của FIFA và các hiệp hội bóng đá quốc gia để “ngoảnh mặt đi” trước những cáo buộc hoán đổi tên, tuổi, quốc tịch của cầu thủ thi đấu quốc tế. Tuy vậy, Bộ Tư pháp Mỹ phải mất đến bốn năm mới hoàn thành bản báo cáo tài chính dùng làm chứng cứ. Lúc đó thì Al-Musallam đã được bầu làm chủ tịch FINA.

Chính trị gia Philippe Leuba (phải) với tổng thư ký IOC Christophe De Kepper và chủ tịch IOC Thomas Bach.

Cuộc chiến chính trị

Cách đây vỏn vẹn có 6 năm thôi, hối lộ không bị coi là vi phạm pháp luật tại Thụy Sỹ, miễn là các bên tham gia hối lộ đều làm việc cho các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân. Các chính trị gia tiến bộ phải tốn rất nhiều công sức mới đưa được hối lộ ra khỏi vòng bao che của pháp luật. Người đi đầu trong phong trào này là Thượng nghị sỹ Carlo Sommaruga.

Sau khi những thông tin đầu tiên về vụ scandal tham nhũng của cựu chủ tịch FIFA Sepp Blatter bị báo chí Thụy Sỹ phanh phui, ông Carlo đã đứng ra đệ trình một chiến dịch điều tra toàn diện các tổ chức thể thao quốc tế. Chiến dịch sau này dẫn đến việc chính phủ sửa đổi đạo luật chống tham nhũng. Bây giờ Viện Kiểm sát Thụy Sỹ có thể điều tra hành vi tham nhũng tại các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân mà không cần chờ có đơn tố cáo như trước nữa.

Tuy việc điều tra các liên đoàn thể thao quốc tế nói chung được nhân dân Thụy Sỹ ủng hộ, nhưng cũng không khỏi có những tiếng nói rụt rè. Một quan chức giấu tên trong Bộ Thể thao Thụy Sỹ cho biết: “Một phần rất lớn nguồn thu của các liên đoàn thể thao đến từ những hợp đồng tài trợ, quảng cáo, bán bản quyền… Nếu chính phủ Thụy Sỹ làm quá rất có thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của liên đoàn, từ đó khiến họ đánh mất các đối tác tiềm năng. Người chịu ảnh hưởng cuối cùng sẽ là các cử tri Thụy Sỹ”.

Theo số liệu mà tờ Swiss Insider thu thập được, có khoảng 3.000 công dân Thụy Sỹ đang làm việc trực tiếp tại các liên đoàn thể thao quốc tế. Nguồn lợi chính mà các tổ chức này đem lại tuy vậy lại đến từ việc họ ký kết hợp đồng với các công ty quảng cáo, vận chuyển, lưu trú, kế toán, v.v… của Thụy Sỹ. Trong năm 2019, nguồn lợi kinh tế mà các hiệp hội thể thao quốc tế đem lại cho nước này đạt 1,86 nghìn tỷ francs Thụy Sỹ. Riêng hạt Vaud đã nhận được 873 triệu francs Thụy Sỹ.

Chưa hết, lãnh đạo các liên đoàn thể thao thế giới thường trú tại Thụy Sỹ để tiện việc quản lý tổ chức, mà nhiều người trong số họ lại là triệu phú, tỷ phú. Ví dụ như Chủ tịch Liên đoàn Đấu kiếm Quốc tế (FIE) là nhà tỷ phú khai khoáng Nga Alisher Usmanov. Ông này hiện đang sống tại một lâu đài ở thành phố Lausanne. Chính quyền các địa phương sẽ muốn làm mọi cách để “giữ chân” các công dân giàu có này với hy vọng sẽ giúp thúc đẩy hoạt động đầu tư, tiêu dùng tại khu vực mình.

Giáo sư tội phạm học Mark Pieth tại trường đại học Basel nhận xét: “Chính phủ Thụy Sỹ đang bị đặt vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Một mặt họ chịu áp lực từ cử tri và cộng đồng thế giới buộc phải làm nhiều hơn trong việc chống tham nhũng. Mặt khác họ vẫn muốn bảo vệ mối quan hệ có lợi giữa mình và các tổ chức thể thao quốc tế. Đây là vấn đề liên quan đến thể diện lẫn nguồn lực quốc gia. Rất ít chính trị gia Thụy Sỹ muốn đưa ra một biện pháp mang tính quyết liệt, vì nếu họ làm sai thì rất có thể sẽ giết chết sự nghiệp của chính mình”.

Trụ sở IOC tại thành phố Lausanne, Thụy Sỹ.

Ông Mark Pieth cũng không đặt nhiều hy vọng vào bản thân các liên đoàn thể thao. Từ sau năm 2015, IOC và các tổ chức thành viên đã tỏ ra quyết liệt “làm sạch” nội bộ mình. Một số cá nhân đã bị đưa ra trước pháp luật, đơn cử như Ahmad Al-Fahad Al-Sabah, cựu Chủ tịch Liên đoàn Bóng ném châu Á bị kết tội nhận hối lộ. Vậy nhưng theo giáo sư Pieth: “Việc bầu chọn các vị lãnh đạo liên đoàn là do những nước thành viên làm kín với nhau. Mà đã thế thì họ rất hay bầu chọn những người làm họ giàu lên, hay nói cách khác là biết phân chia những khoản tham nhũng, hối lộ cho cấp dưới.”

FIFA có lẽ là ví dụ điển hình nhất. Cựu Chủ tịch Sepp Blatter sau 17 năm nắm quyền buộc phải từ chức vì bị phát hiện đã đưa cho cựu Chủ tịch UEFA Michel Platini 2 triệu francs Thụy Sỹ. Vị Chủ tịch mới Gianni Infantino cũng không khá hơn là mấy. Tờ báo Blick đã vạch trần việc ông này “đi lại” với Tổng chưởng lý Thụy Sỹ nhằm mục đích ngăn cản cảnh sát nước này điều tra một số giao dịch ra nước ngoài của FIFA.

Trớ trêu hơn, vụ scandal hối lộ có liên quan đến Phó chủ tịch Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF), ông Intarat Yodbangtoey. Sau khi Chủ tịch Tamás Aján buộc phải từ chức vì dính líu đến scandal doping, Yodbangtoey trở thành ứng cử viên duy nhất cho ghế chủ tịch. Điều này đáng lẽ đã không xảy ra, vì Yodbangtoey cũng đang bị điều tra vì nghi vấn nhận 5.000 USD để mua phiếu trong việc chọn nước đăng cai Giải Vô địch Cử tạ thế giới.

Hầu hết những nhà quan sát đều giữ thái độ dè chừng trước câu hỏi: Liệu chính phủ Thụy Sỹ có mạnh tay hơn trong việc chống tham nhũng tại các liên đoàn thể thao quốc tế? Họ phải tìm cách cân bằng giữa một bên là nguyện vọng của cử tri, bên kia là các lợi ích do những tổ chức này mang lại. Rất có thể chính phủ Thụy Sỹ sẽ còn trì hoãn việc đưa ra quyết định cuối cùng trong một thời gian dài nữa.

Lê Công Vũ

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/thuy-sy-voi-cuoc-chien-chong-tham-nhung-the-thao-i646090/