Thụy Xuân, miền quê trù phú

Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, xã Thụy Xuân đã đẩy mạnh kết nối thương mại, dịch vụ với các địa bàn lân cận vừa để phát triển kinh tế - xã hội địa phương,...

Nơi đây, vừa góp phần xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình trở thành khu kinh tế tổng hợp, mang tính đột phá của tỉnh Thái Bình nói chung và huyện Thái Thụy nói riêng.

Một góc xã Thụy Xuân

Một góc xã Thụy Xuân

Chú trọng phát triển kinh tế - xã hội

Được ví như “phố biển” thứ hai của huyện Thái Thụy, chỉ đứng sau thị trấn Diêm Điền bởi sự sầm uất, trù phú, người dân Thụy Xuân chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt cá và nuôi trồng, chế biến thủy sản, hải sản.

Để tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xã tổ chức triển khai cho các ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị ký cam kết thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” (XDNTM). Nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết, hưởng ứng từ nhân dân, đến nay, Thụy Xuân đạt 17/19 tiêu chí NTM, còn lại tiêu chí số 5 (trường học) và tiêu chí số 17 (môi trường) đang được tiếp tục triển khai hoàn thiện.

Chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Ngọc Hiện, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Trong XDNTM, xã có thuận lợi từ trước, do ngay từ năm 1997, các công trình hạ tầng cơ bản đã được xây dựng. Đến nay, bên cạnh sự bổ sung, đầu tư tiếp tục cho cơ sở hạ tầng phúc lợi phục vụ đời sống của người dân, Thụy Xuân chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, khuyến khích cải hoán và đóng mới hệ thống tàu thuyền và các cơ sở hạ tầng khu vực nuôi trồng thủy hải sản. Nghị định 67 về chính sách phát triển thủy sản được triển khai thực hiện đã hỗ trợ tích cực cho các chủ phương tiện, là nguồn lực lớn cho ngành kinh tế biển của xã phát triển.

Hiện xã có 24 phương tiện vận tải thủy, bộ và thu mua hải sản với 436 đại lý, dịch vụ, cơ sở sản xuất kinh doanh buôn bán lớn nhỏ, thu hút trên 1.030 lao động. Ngoài ra, xã còn có 93 phương tiện khai thác hải sản lớn nhỏ (trong đó có 32 phương tiện khai thác có công suất trên 300 CV trở lên) và 8 phương tiện hậu cần về nghề cá, cung cấp cá tươi các loại cho cả tàu vùng Thanh Hóa, Nghệ An ra thu mua.

Nâng cao thu nhập cho người dân

Những năm qua, Thụy Xuân còn đẩy mạnh phát triển CN-TTCN, thương mại, dịch vụ nhằm nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Chợ Bàng là đầu mối trung tâm buôn bán của tiểu vùng (gồm các xã Thụy Xuân, Thụy An và Thụy Trường) nên từ nhiều năm nay, CN-TTCN, thương mại, dịch vụ của Thụy Xuân phát triển khá mạnh. Và điều đặc biệt là, xã luôn đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Nuôi trồng thủy sản cũng là lĩnh vực được xã chú trọng, nếu như trước kia, Thụy Xuân chỉ làm muối trên các cánh đồng thì nay, bên cạnh nghề đánh bắt thủy, hải sản phát triển, xã đã mạnh dạn chuyển đổi 80ha đất sang nuôi trồng thủy sản. Để hỗ trợ người nuôi, xã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn cho xã viên kỹ thuật nuôi, chăm sóc và phòng ngừa dịch bệnh. Cá vược và cá song vẫn là con nuôi chủ yếu trong nuôi trồng thủy sản của địa phương. Bên cạnh đó, mô hình nuôi tôm sú và cá Hồng Mỹ, nuôi theo quy trình an toàn, cũng cho thu nhập trung bình trên 400 triệu đồng/ha/năm.

Năm 2017, tổng giá trị sản xuất tại xã ước đạt trên 363,051 tỷ đồng (tăng 16,1% so với năm 2016), trong đó: nông, lâm, ngư nghiệp 103,932 triệu đồng; CN-TTCN, xây dựng cơ bản và lao động tại nước ngoài 112,604 tỷ đồng; chế biến, thương mại, dịch vụ, bảo hiểm xã hội 146,560 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 37,2 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,2%.

Kiều Thủy

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/thuy-xuan-mien-que-tru-phu-post22056.html