Thuyền trưởng gom điện thoại của thuyền viên 'để bảo mật' rồi tổ chức trộm tài sản

Trước khi lấy trộm hàng, Nguyễn Kim Giao (thuyền trưởng) yêu cầu Tú lên loa thông báo cho tất cả các thuyền viên trên tàu nộp lại điện thoại cho Tú, không cho ai liên lạc ra bên ngoài.

Bị cáo Báu và Giao (hàng trên) cùng các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: Nguyễn Long

Sau hai ngày xét xử, chiều 27.7, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên phạt Nguyễn Kim Giao (40 tuổi) 12 năm tù giam, Trần Trọng Nghĩa (36 tuổi) 6 năm tù giam, Trần Văn Lượng (35 tuổi) 4 năm 6 tháng tù giam, Trần Khắc Tú (30 tuổi) 7 năm tù giam, Đinh Chí Công (35 tuổi) 4 năm tù giam, Nguyễn Văn Đông (29 tuổi) 4 năm tù giam.

HĐXX cũng tuyên phạt Phạm Văn Thức (30 tuổi), Lê Đình Hùng (28 tuổi), Nguyễn Trọng Hiếu (28 tuổi), Nguyễn Trí Thức (29 tuổi), Vũ Văn Lý (58 tuổi) cùng 2 năm tù giam; Hoàng Đức Minh (48 tuổi), Phạm Văn Hoan (62 tuổi) cùng 18 tháng tù giam và Trần Trí Nuôi (31 tuổi) 2 năm tù treo cùng về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, bị cáo Lê Thị Báu (40 tuổi) bị tuyên án 7 năm tù giam về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Với chức danh thuyền trưởng có nhiệm vụ chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ hoạt động trên tàu, trong quá trình điều khiển tàu chở hàng hóa khô dầu đậu nành, sắt thép phế liệu từ nước ngoài về Việt Nam, Giao đã tổ chức cho các thuyền viên đi trên tàu chiếm đoạt bã đậu nành và sắt thép phế liệu bán lấy tiền chia nhau.

Theo cáo trạng, ngày 22.4.2014 sau khi nhận hàng khô dầu đậu nành với khối lượng hơn 7.300 tấn xong, tàu Đại Dương Queen rời cảng ở Trung Quốc vận chuyển về cảng tổng hợp Thị Vải tại TX.Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Trên hành trình tới đảo Phú Quý, Giao trực tiếp liên lạc bằng điện thoại với Báu để thỏa thuận giá cả, số lượng bán và địa điểm giao nhận hàng. Giao chỉ đạo cho Tú và Công tiến hành dùng máy mài cầm tay cắt xích niêm phong nắp hầm hàng để dùng tời mở nắp hầm hàng dưới sự giám sát của Nghĩa.

Trước khi lấy trộm hàng Giao yêu cầu Tú lên loa thông báo cho tất cả các thuyền viên trên tàu nộp lại điện thoại cho Tú, không cho ai liên lạc ra bên ngoài. Đến khuya cùng ngày, có hai xà lan cập mạn tàu để lấy hàng xong thì Giao cho tàu Đại Dương Queen tiếp tục hành trình về cảng trả hàng.

Ngày 29.4.2014, tàu Đại Dương Queen cập cảng Tổng hợp Thị Vải, thực tế khối lượng hàng khô dầu đậu nành đã dỡ từ tàu xác định bằng cân của cảng này chỉ còn hơn 6.600 tấn. Như vậy khối lượng hàng bị mất đi hơn 700 tấn, tương đương hơn 9 tỉ đồng.

Tuy nhiên, các bị cáo cho rằng khối lượng khô dầu đậu nành bị trộm khoảng 250 tấn, giá bán 5000đ/kg, số tiền thu được hơn 1,2 tỉ đồng (Giao và Nghĩa khai chủ hàng của Trung Quốc giao thiếu 300 tấn nhưng không có tài liệu chứng minh).

Tiếp đó, ngày 13.8.2014 , tàu Đại Dương Queen do Nguyễn Kim Giao làm thuyền trưởng vận chuyển sắt, thép phế liệu từ cảng Jurong của Singapore về Việt Nam trả hàng tại cảng Quốc tế Sài Gòn (SITV), thị xã Phú Mỹ.

Khi tàu về đến khu vực vùng biển Côn Đảo, Giao trực tiếp liên lạc bằng điện cho Báu để thỏa thuận giá cả, số lượng bán và địa điểm giao nhận hàng. Đến ngày 15.8, Giao chỉ đạo Tú lấy điện thoại của các thuyền viên để tổ chức trộm cắp.

Số sắt, thép phế liệu bị mất hơn 120 tấn nhưng các bị cáo khai chỉ trộm khoảng 40 tấn và thu về 120 triệu đồng.

Nguyễn Long

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/thuyen-truong-gom-dien-thoai-cua-thuyen-vien-de-bao-mat-roi-to-chuc-trom-tai-san-987575.html