Tỉ lệ thất nghiệp của lao động thanh niên gấp 3 lần tỉ lệ thất nghiệp chung

Tỉ lệ thất nghiệp của lao động thanh niên còn cao, khoảng 7% - gấp 3 lần tỉ lệ thất nghiệp chung. Số lượng sinh viên mới tốt nghiệp các trường CĐ, ĐH thất nghiệp cao - thường xuyên khoảng 200.000 người.

Đây là thông tin được ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH cho biết tại cuộc đối thoại trực tuyến với chủ đề: “Lao động, việc làm trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức.

Nói về thực trạng về cung, cầu lao động năm 2018, ông Lê Quang Trung, cho biết, hiện nay, cả nước có trên 54 triệu lao động có việc làm. Tỉ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, chung của cả nước là khoảng 2%, của khu vực đô thị là dưới 4%. Tỉ lệ thiếu việc làm cũng ở mức thấp, khoảng 1,4-1,5%...

Tuy nhiên, về cơ bản Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động trong nông nghiệp, nông thôn với chất lượng cung lao động thấp, phân bổ chưa hợp lý và khả năng di chuyển còn bị hạn chế. Cầu lao động thấp về số lượng và vẫn còn một tỉ lệ lớn lao động làm việc trong các nghề giản đơn, không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật, khu vực làm công ăn lương phát triển chậm.

Người lao động cần tham gia vào quá trình đào tạo về chuyên môn và kỹ thuật. Ảnh: P.Thảo

Chất lượng việc làm còn hạn chế thể hiện ở năng suất lao động thấp, tỉ lệ người lao động làm việc ở khu vực dễ bị tổn thương cao (56,5% lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản), thu nhập từ việc làm thấp, một tỉ lệ lớn người làm việc không tiếp cận được các chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và các chính sách về an toàn vệ sinh lao động.

Hiện nay, cả nước có gần 600.000 DN, hơn 90% là DN nhỏ và vừa, khoảng 96% DN sử dụng dưới 30 lao động, 88% sử dụng dưới 10 lao động. Quy mô DN quá nhỏ, năng lực của DN còn hạn chế, năng suất lao động, thu nhập và tiền lương của người lao động khó có thể cao, việc làm khó có thể bền vững.

Đáng quan tâm, tỷ lệ thất nghiệp của lao động thanh niên còn cao, khoảng 7% - gấp 3 lần tỉ lệ thất nghiệp chung. Số lượng sinh viên mới tốt nghiệp các trường CĐ, ĐH thất nghiệp cao - thường xuyên khoảng 200.000 người. Lao động trung niên và lớn tuổi trong các DN có nguy cơ bị sa thải lớn.

Pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, BHXH, BHTN và an toàn, vệ sinh lao động vẫn chưa vươn tới được một bộ phận lớn của lực lượng lao động (chính sách tiền lương chỉ bao phủ được bộ phận lao động có quan hệ lao động - khoảng 40%, hiện mới có khoảng 27% lực lượng lao động tham gia BHXH bắt buộc)…

Dự báo số lao động có việc làm trong năm 2019 sẽ tiếp tục tăng lên (lên con số khoảng 56 triệu), trong đó, tỷ trọng lao động trong ngành nông nghiệp chiếm 37,12%, ngành công nghiệp-xây dựng 28,28% và ngành dịch vụ chiếm 34,6%. Kết quả điều tra nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình DN năm 2018 cho thấy, kế hoạch tuyển dụng năm 2019 của các DN tiếp tục có sự gia tăng, trong đó cao nhất là các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Đáng bàn, báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai do Diễn đàn Kinh tế thế giới mới đây công bố, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực và 81/100 về lao động có chuyên môn cao

Theo ông Trung, cuộc CMCN 4.0 sẽ tác động rất mạnh mẽ và trực tiếp vào thị trường lao động, làm thay đổi từ thâm dụng lao động sang thâm dụng về mặt trí tuệ và công nghệ. Những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, chế biến, thủy sản, gia công các mặt hàng... là những ngành sẽ bị tác động nhiều nhất, ngoài ra còn có nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi…

Để chủ động với cuộc CMCN 4.0, Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho rằng, từng ngành, từng lĩnh vực phải nghiên cứu, dự báo nhu cầu và sự phát triển của khoa học công nghệ, trí tuệ để đưa ra phương án dự báo về vấn đề nhân lực.

Đồng thời, tổ chức các phương án đào tạo chuyên môn, công nghệ, kỹ năng mềm và các nhu cầu cần thiết cho người lao động; xây dựng các biện pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động trong quá trình hội nhập. Đồng thời phải có những biện pháp giải quyết đối với người lao động (muốn hoặc không muốn) bị sa thải trong cuộc CMCN 4.0 về chính sách tự tạo việc làm, chính sách hỗ trợ trong đó có chính sách về BHTN.

Thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, BHXH góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại; mở rộng phạm vi bao phủ của các chính sách BHXH, BHTN, an toàn, vệ sinh lao động sang khu vực phi chính thức nhằm khắc phục tính dễ tổn thương của việc làm.

Trong bối cảnh CMCN 4.0, ông Trung cho rằng, người lao động cần nhận thức rất rõ vấn đề thị trường lao động, xu hướng phát triển của thị trường lao động. Đồng thời tận dụng điều kiện của bản thân, của cơ chế chính sách để tham gia vào quá trình đào tạo. Không chỉ đào tạo về chuyên môn kỹ thuật mà còn đào tạo về kỹ năng mềm như kỹ năng về ngoại ngữ, làm việc theo nhóm, kỹ năng về pháp luật,… để làm việc tốt hơn. Việc nâng cao trình độ không chỉ một lần, mà quan điểm là học tập suốt đời, liên tục để đáp ứng được nhu cầu công việc.

Trong bối cảnh CMCN 4.0, ông Trung cho rằng, người lao động cần nhận thức rất rõ vấn đề thị trường lao động, xu hướng phát triển của thị trường lao động. Đồng thời tận dụng điều kiện của bản thân, của cơ chế chính sách để tham gia vào quá trình đào tạo. Không chỉ đào tạo về chuyên môn kỹ thuật mà còn đào tạo về kỹ năng mềm như kỹ năng về ngoại ngữ, làm việc theo nhóm, kỹ năng về pháp luật,… để làm việc tốt hơn. Việc nâng cao trình độ không chỉ một lần, mà quan điểm là học tập suốt đời, liên tục để đáp ứng được nhu cầu công việc.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ti-le-that-nghiep-cua-lao-dong-thanh-nien-gap-3-lan-ti-le-that-nghiep-chung-132684.html