Tỉ lệ tử vong đáng báo động, 5 bệnh ung thư người Việt cần khám sàng lọc ngay lập tức

Hơn 300.000 người Việt Nam đang phải chiến đấu với ung thư, mỗi năm có gần 165.000 ca mắc mới và 115.000 bệnh nhân tử vong. Tuy nhiên, theo Giám đốc bệnh viện K Trung ương, có 5 bệnh ung thư có thể khám sàng lọc để phát hiện bệnh sớm.

Việt Nam là nước đứng thứ 78/185 quốc gia và vùng lãnh thổ về tỷ lệ mắc ung thư nhưng tỷ lệ tử vong lại lên vị trí 56/185 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo thống kê của tổ chức ghi nhận ung thư quốc tế.

Hơn 300.000 người Việt Nam đang phải chiến đấu với ung thư, mỗi năm có gần 165.000 ca mắc mới và 115.000 bệnh nhân chết.

Ngoài việc phòng bệnh ung thư thì việc sàng lọc và phát hiện sớm ung thư vô cùng quan trọng. Chìa khóa vàng để điều trị ung thư thành công đó là phát hiện sớm ung thư.

Theo Giáo sư Trần Văn Thuấn – Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, ung thư đang gia tăng nhanh chóng không chỉ tại Việt Nam mà khắp nơi trên thế giới.

Giáo sư Trần Văn Thuấn – Giám đốc Bệnh viện K Trung ương

Giáo sư Trần Văn Thuấn – Giám đốc Bệnh viện K Trung ương

Nguyên nhân khiến tỉ lệ tử vong của bệnh nhân ung thư tại Việt Nam là do đa số người bệnh đến viện kiểm tra khi đã ở giai đoạn 3 và 4. Nếu được khám sàng lọc sớm hơn, tỉ lệ thành công sẽ cao hơn rất nhiều.

Tại bệnh viện K Trung ương, một số bệnh ung thư có thể sàng lọc sớm như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày… nếu phát hiện được bệnh điều trị dễ dàng, ít tốn kém, tỷ lệ thành công cao.

Ví như bệnh ung thư da, khối u có thể dễ dàng loại bỏ nếu nó chưa phát triển ăn sâu vào da. Tỷ lệ sống thêm 5 năm ở giai đoạn sớm là 98,4%. Một khi ung thư hắc tố di căn tới các cơ quan khác thì tỷ lệ sống thêm 5 năm chỉ còn khoảng 22,5%.

Giáo sư Thuấncho biết, tiêu chuẩn để tiến hành sàng lọc một bệnh ung thư là: Bệnh phổ biến, có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng, có giai đoạn tiền lâm sàng kéo dài, có thể phát hiện bằng khám lâm sàng hoặc xét nghiệm sàng lọc, từ đó điều trị có hiệu quả ở giai đoạn sớm.

Những bệnh ung thư nào nên sàng lọc sớm?

Một số bệnh ung thư thường gặp nên sàng lọc sớm là ung thư vú, cổ tử cung, ung thư đại trực tràng, ung thư da, ung thư khoang miệng, ung thư dạ dày.

Theo GS. Thuấn, ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến nhất và cũng là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở phụ nữ.

Trong các yếu tố nguy cơ gây ung thư vú, yếu tố nổi bật nhất là tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú. Ngoài ra có sự liên quan tới đột biến gen, có kinh lần đầu tiên sớm, sinh con đầu lòng muộn, tắc tia sữa,…

Tự khám vú là phương pháp ít tốn kém và vô hại, thực hiện tự khám tuyến vú mỗi tháng một lần và khám sau khi sạch kinh khoảng 5 ngày. Phụ nữ tự khám vú thường xuyên có thể phát hiện bệnh khi u nhỏ, hạch di căn ít hơn người không thực hành tự khám vú.

Độ tuổi nên tầm soát là từ 40 tuổi, khám lâm sàng, siêu âm từ 1-2 lần một năm và chụp nhũ ảnh một lần trong năm.

Ung thư vú nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu thì có thể chữa khỏi hoàn toàn. Giai đoạn 1-2, bệnh nhân hơn 90% có thể chữa ổn định. Ở giai đoạn 3, tỷ lệ chữa khỏi nếu phát hiện sớm là 60%. Đến giai đoạn 4 thì thường quá trình điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm các triệu chứng đau đớn.

BS khoa Ngoại I, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM khám cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm. Ảnh: Lao động

Căn bệnh thứ 2 nên sàng lọc sớm là ung thư cổ tử cung. Đây là căn bệnh gây tử vong hàng đầu trong các loại ung thư của phụ nữ ở độ tuổi 45 - 55 tại Việt Nam.

Theo Giáo sư Thuấn, việc sàng lọc ung thư cổ tử cung đã làm giảm 30% các trường hợp ung thư xâm lấn. Biện pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung đó là Pap test.

Đây là phương pháp chính trong sàng lọc ung thư cổ tử cung. Nếu phát hiện có tế bào lạ, bệnh nhân sẽ được làm thêm soi cổ tử cung và sinh thiết giúp chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm. Việc sàng lọc này thực hiện song song với việc đi khám phụ khoa định kỳ.

Ung thư dạ dày là bệnh ung thư đứng hàng thứ 5 trong các bệnh ung thư phổ biến ở Việt Nam. Bệnh này hoàn toàn sàng lọc được qua nội soi ống mềm. Việc sàng lọc sớm đã được đánh giá rất tốt.

Ung thư đại - trực tràng có thể xét nghiệm máu tiềm ẩn trong phân và nội soi đại trực tràng. Soi toàn bộ đại tràng có ưu điểm là độ nhạy và độ đặc hiệu cao và nhìn được toàn bộ khung đại tràng giúp phát hiện khối u và xử trí kịp thời.

Những người có nguy cơ cao mắc ung thư đại - trực tràng là người hút thuốc lá, bị polyp, gia đình có người bị ung thư đại trực tràng.

Ung thư da là loại ung thư có thể sàng lọc tốt, yếu tố nguy cơ là tiền sử gia đình, tiền căn bị bỏng nắng hay có tàn nhang, các nốt ruồi ở trên cơ thể. Dấu hiệu nhận biết chủ yếu là thay đổi của các nốt ruồi về kích thước, hình dạng, hoặc màu sắc.

Theo Giám đốc bệnh viện K Trung ương, ngay khi phát hiện các dấu hiệu đó trên cơ thể, người bệnh cần thăm khám ngay để được bác sĩ tư vấn và điều trị.

Đình Văn (Tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ti-le-tu-vong-dang-bao-dong-5-benh-ung-thu-nguoi-viet-nam-can-kham-sang-loc-ngay-lap-tuc-a445218.html