Tỉ phú nông dân Sài Gòn - Kỳ 3: Làm giàu nhờ nuôi động vật hoang dã

Từng kiếm tiền tỉ bằng nhiều nghề khác nhau nhưng cuối cùng anh Cao Thanh Long lại gắn bó với nghề nuôi động vật hoang dã.

Từng kiếm tiền tỉ bằng nhiều nghề khác nhau nhưng cuối cùng anh Cao Thanh Long lại gắn bó với nghề nuôi động vật hoang dã.

Anh Cao Thanh Long nuôi dưỡng thành công nhiều loài động vật hoang dã sau 8 năm gắn bó với nghề - Ảnh: Chí Nhân

Nghề khó mà dễ

Trại chăn nuôi của anh Long rộng 4.000 m2 ở P.Linh Xuân (Q.Thủ Đức), khu vực mà các hoạt động sản xuất công nghiệp của TP phát triển mạnh.

Chỉ vào những khay inox sáng bóng đang phơi nắng cạnh căn bếp, anh nói: "Đó là dụng cụ đựng thức ăn cho chồn hương. Đặc tính của chồn hoạt động về đêm, ngày ngủ lì trong hang. Do đó, chiều tối phải mang thức ăn nước uống tới tận chuồng cho chúng. Sáng ra phải rửa sạch, phơi nắng, hết sức đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ như chén bát cho chính mình sử dụng vậy. Còn thức ăn thì phải mua gạo loại ngon nấu thành cháo trộn với đầu gà xay nhuyễn. Nuôi chồn phải chăm sóc cẩn thận như vậy mới thành công và tránh được dịch bệnh".

Anh Long cho biết, chồn hương cái sinh sản 2 lần/năm, mỗi lần sinh từ 2 - 3 chồn con. Giá bán chồn giống hiện nay là 5 triệu đồng/cặp. Số lượng chồn sinh sản của anh Long luôn được duy trì từ 200 - 400 con. Chỉ riêng với chồn giống mỗi năm anh thu về 3 - 4 tỉ đồng. Người dân ở các tỉnh Tây nguyên mua nhiều chồn giống về nuôi để sản xuất cà phê chồn.

Vốn có sở thích nuôi những con vật lạ, quý hiếm từ nhỏ, năm 2006, tình cờ anh Long mua một cặp gà rừng về nuôi. Sau một thời gian thấy gà sống khỏe mạnh, sinh sản tốt, anh nảy sinh ý định nuôi gà rừng để bán. Một con gà rừng con có giá 100.000 đồng, con trưởng thành lên đến 700.000 đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao lại không tốn nhiều công chăm sóc, anh quyết định nuôi gà rừng bán giống. Từ con gà rừng, anh dần mở rộng sang các loài khác. Đến nay, anh đã nuôi 12 loại khác nhau như nhím, dúi, chim công Ấn Độ, chim trĩ, nhồng, le le... với số lượng vài trăm con mỗi loại. Những vật nuôi này đều được đăng ký với chi cục kiểm lâm.

Do mỗi loài vật nuôi đều có đặc tính sinh trưởng riêng nên việc cùng lúc nuôi được nhiều loài là điều không phải dễ. Việc tạo được môi trường thích hợp cho cùng lúc nhiều loài vật nuôi - theo anh Long - chính là yếu tố quan trọng nhất để có thể thành công. Chẳng hạn với con cheo cần phải tạo một không gian gần giống trong tự nhiên với cỏ, rau lang, cây sơ ri... để tạo bóng mát và cũng là nguồn thức ăn bổ sung tự nhiên cho chúng.

“Người ta thường nghĩ rằng động vật hoang dã quen sống trong tự nhiên nên rất khó nuôi. Điều này không đúng lắm vì là động vật hoang dã nên sức đề kháng tốt. Vấn đề là người nuôi phải có đam mê, tìm hiểu đặc tính của nó để biết nó có nhu cầu ra sao mà đáp ứng. Làm được như vậy thì việc nuôi sẽ thành công. Nghề này thấy khó mà dễ. Con gì cũng có mầm bệnh riêng. Các loài động vật hoang dã cũng vậy. Do đó, yếu tố vệ sinh sạch sẽ để tránh phát sinh và lây lan mầm bệnh là rất quan trọng. Để ngăn ngừa dịch bệnh phải thường xuyên phun thuốc sát trùng chuồng trại. Trước thời điểm chuyển mùa cần pha thuốc kháng sinh chung với nước cho chúng uống bổ sung”, anh Long kể.

Chí Nhân

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/kinh-doanh/ti-phu-nong-dan-sai-gon-ky-3-lam-giau-nho-nuoi-dong-vat-hoang-da-523199.html