Tỉ phú Vichai - ông bầu lý tưởng: Tin vào nghiệp chướng

Sự xuất hiện của sư sãi trên sân vận động King Power năm 2011 và những năm sau đó là một hiện tượng chưa từng thấy ở Giải Ngoại hạng Anh. Sau khi Leicester City lên ngôi năm 2016, nhiều người thừa nhận các nhà sư đã mang lại yếu tố tinh thần đáng kể

Khi mua lại Leicester City với giá 39 triệu bảng Anh năm 2010, ông Vichai Srivaddhanaprabha không chỉ bỏ tiền mua một đội bóng làng nhàng nợ nần như chúa chổm mà còn mang đến sân bóng những cổ động viên (CĐV) hết sức đặc biệt: Sư sãi của Wat Traimit Withayaram Woraviharn (Chùa Vàng) ở Bangkok - Thái Lan. Các nhà sư làm phép ở sân bóng, trong phòng thay đồ, rải nước phép lên đầu, cổ và thân thể cầu thủ…

Gieo gì gặt đó

Đó không hề là một màn trình diễn kiểu sân khấu đơn thuần. Tỉ phú Vichai là một phật tử chân chính. Đặc biệt, ông tin vào nghiệp chướng (karma) - ở hiền sẽ gặp lành còn ở ác sẽ nhận lấy quả báo. Nói cách khác, gieo gì thì gặt đó.

Ông Vichai cũng tin sư sãi sẽ giúp Leicester City tăng thêm sức mạnh và giải nghiệp. Năm 2015, ông đã gửi Aiyawatt, con trai út của mình - người từng giữ chức phó chủ tịch Leicester City và hiện nay nối nghiệp cha lèo lái câu lạc bộ - vào chùa Thepsirin ở Bangkok để được thụ giới.

Từ đầu năm 2011, Leicester Mercury - một tờ báo địa phương - đã coi sự có mặt của các nhà sư Thái Lan trong các trận đấu của Leicester City như là một yếu tố tinh thần quan trọng giúp đội bóng thoát khỏi nghiệp chướng. Bởi dạo đó, Leicester City vừa lên chơi Ngoại hạng Anh sau hơn 10 năm lận đận ở các giải hạng dưới của bóng đá chuyên nghiệp Anh.

Ngày 19-2-2016, nhà báo Cory Collins viết trên trang tin Sporting News: "Có thể coi những năm lận đận đó là nghiệp chướng". Cái nghiệp này, theo Collins, có thể được cải thiện nếu mọi người phấn đấu hết mình và tin vào luật nhân quả với sự trợ giúp của các nhà sư Phật giáo. Điều kỳ diệu là nhiều cầu thủ của Leicester City nay đã tin vào điều đó.

Jamie Vardy, tiền đạo nổi tiếng của Leicester City, từng thổ lộ trên nhật báo The Telegraph hồi tháng 10-2014: "Nhiều lần tôi tự hỏi sự nghiệp cầu thủ của mình sẽ đi về đâu nhưng không thể tìm ra câu trả lời. Rồi tôi được các nhà sư đến thăm hỏi và rải nước thánh lên thân thể. Tôi có cảm giác như đang tắm - đầu, vai và chân đều ướt nhẹp. Rồi họ gõ lên đầu tôi thật mạnh với một chiếc que nhỏ. Điều đó có ích gì không? Tôi thấy rằng họ cần trở lại đây thường xuyên hơn".

Đồng đội của Vardy là tiền đạo David Nugent cũng phát biểu như vậy trên tờ Leicester Mercury: "Tôi hy vọng sẽ gặp lại các nhà sư thường xuyên hơn".

Năm 2015, trang Mail Online cũng lưu ý độc giả rằng trước khi đánh bại "ông lớn" Manchester United 5-3 trên sân vận động King Power, toàn đội bóng đã được các nhà sư Thái Lan ban phép lành. Đặc biệt, tờ báo còn phát hiện trong trận này, hai ngôi sao Vardy và Nugent đeo dây chuyền có mặt Phật và họ đã ghi bàn vào lưới M.U.

Sự tiến bộ vượt bậc của Leicester City ở Giải Ngoại hạng Anh và sự hiện diện của các nhà sư trước trận đấu đã gây ấn tượng rất mạnh tại Malaysia. Nhiều người cho rằng Leicester City đã có thêm sức mạnh nhờ các sư làm phép.

Họ nói nhiều đến mức ông Ong Kim Swee, HLV trưởng đội tuyển Malaysia, phải lên tiếng chấn chỉnh tư tưởng học trò của mình trên tờ Star: "Các bạn không thể chỉ dựa vào một tôn giáo nào đó để đoạt cúp. Các bạn cần phải tập luyện và thi đấu rất, rất cật lực. Các bạn cần có đức tin và lao động hết mình. Lúc đó, Trời Phật mới giúp các bạn thành công".

Các nhà sư Thái Lan trên sân vận động King Power. Ảnh: SPORTING NEWS

Các nhà sư Thái Lan trên sân vận động King Power. Ảnh: SPORTING NEWS

Hỗ trợ tinh thần

Đại đức Phra Prommangkalachan - 64 tuổi, người dẫn đầu 10 nhà sư CĐV tinh thần đến từ Chùa Vàng trong các trận đấu quan trọng của Leicester City - cũng khẳng định trên nhật báo The Telegraph rằng những gì mà sư sãi làm không liên quan đến pháp thuật huyền bí.

Đại đức nhấn mạnh: "Chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ đội bóng về mặt tinh thần. Chúng tôi tin rằng những gì mình làm sẽ giúp cầu thủ có sức khỏe tốt, tránh được chấn thương, đoạt được kết quả khả quan. Tuy nhiên, họ phải chơi thật tốt".

Các sư sãi không xem đá bóng. Trong khi cầu thủ đá trên sân, các nhà sư vẫn tiếp tục đọc kinh trong một căn phòng đặc biệt mà tỉ phú Vichai cho xây trong sân King Power. Đó là nơi các nhà sư thực hiện nghi thức tắm phép cho cầu thủ trước trận đấu. Phòng có bàn thờ Phật và nhiều vật dụng linh thiêng khác.

Các nhà sư theo dõi trận đấu qua tiếng hò reo của CĐV ngoài sân. Đại đức Phra Prommangkalachan giải thích: "Chúng tôi biết Leicester City đá hay, dở như thế nào qua tiếng la hét và tiếng hát của CĐV vang vọng tới phòng. Chúng tôi cảm nhận được hoàn toàn các xung động".

Ông Alex Hylton, cựu trợ lý của tỉ phú Vichai, nhận định: "Việc ông chủ Vichai đưa các nhà sư đến sân vận động là một điều bất thường nhưng tôi nghĩ giờ đây, mọi người trong CLB đã thích nghi với nó". Alex còn tiết lộ: "Ông Vichai rất sùng đạo. Trước mỗi trận đấu, ông đến phòng nguyện đọc kinh 45 phút".

Không nghĩ đến thắng thua

Nhận xét về cái nghiệp của ông Vichai, đại đức Phra Prommangkalachan bày tỏ: "Khun Vichai là một phật tử rất sùng đạo và tạo nhiều nghiệp tốt. Nghĩa cử của ông đã tạo nên sức mạnh của đội bóng. Leicester City thừa hưởng được nghiệp tốt của ông ấy. Thành tích cao của đội bóng chính là một phần thưởng xứng đáng".

Đại đức còn xác nhận: "Tôi cho rằng lúc đầu, những người trong CLB không hiểu vai trò của chúng tôi là gì nhưng sau đó, họ đã hiểu. Giờ đây, họ đánh giá tốt những gì chúng tôi đã làm. Chúng tôi luôn luôn tập trung vào sức mạnh tích cực và họ đã nhận ra rằng có thể làm việc tốt với chúng tôi".

Khi được hỏi "sư có phấn khích về kỳ tích Leicester City đoạt cúp vô địch Ngoại hạng Anh hay không", đại đức lắc đầu giải thích: "Khi cầu kinh, chúng tôi luôn giữ đầu óc thanh tịnh, tránh mọi xúc động. Chúng tôi không để chuyện thắng hay thua khuấy động tinh thần".

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-11
Kỳ tới: Ông bầu bóng đá khác thường

NGUYỄN CAO

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/ti-phu-vichai-ong-bau-ly-tuong-tin-vao-nghiep-chuong-20181104215929616.htm