Tia chớp tàng hình F-35A của Mỹ cắm đầu xuống đất khi hạ cánh lỗi

Hôm qua ngày 22/8/2018, một chiếc tiêm kích tàng hình F-35A Lightning II đã gặp nạn trong lúc hạ cánh xuống căn cứ không quân Eglin.

 Hình ảnh tại hiện trường cho thấy chiếc tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II của Không quân Mỹ đã phải "hạ cánh bằng mũi" sau khi thực hiện cú tiếp đất không được như ý muốn.

Hình ảnh tại hiện trường cho thấy chiếc tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II của Không quân Mỹ đã phải "hạ cánh bằng mũi" sau khi thực hiện cú tiếp đất không được như ý muốn.

Sự cố được xác định là do phần càng đáp trước đã không mở được theo lệnh từ phi công, khiến cho máy bay bất đắc dĩ phải thực hiện cú trượt bằng mũi để dừng lại như trên.

Hiện tại chưa rõ thiệt hại với chiếc F-35 này đến đâu, tuy nhiên chắc chắn khung thân của nó đã bị mài mòn đi đáng kể, kèm theo đó là radar mảng pha quét chủ động AN/APG-81 tối tân đã bị hư hại.

Bên cạnh đó, do vị trí của hệ thống ngắm bắn điện tử cũng được bố trí ngay phía dưới khoang lái, cho nên có lẽ ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.

Sự cố vừa diễn ra lại tô đậm thêm những nghi ngại về các lỗi kỹ thuật vẫn bị phàn nàn là xuất hiện quá nhiều trên chiếc tiêm kích tàng hình đắt đỏ của Tập đoàn Lockheed Martin.

Đáng nói hơn là sự cố vừa diễn ra lại xảy đến với chính phiên bản cất hạ cánh thông thường F-35A dành cho Không quân vốn được xem là hoạt động ổn định nhất.

Ngoài phiên bản F-35A dành cho Không quân, Tập đoàn Lockheed Martin còn chế tạo biến thể cất hạ cánh thẳng đứng F-35B dành cho Thủy quân Lục chiến và F-35C cất hạ cánh đường băng ngắn dành cho tàu sân bay.

Hai biến thể sau đã yêu cầu máy bay phải hy sinh khá nhiều tính năng kỹ chiến thuật để đáp ứng đòi hỏi khắc nghiệt của môi trường hoạt động trên tàu chiến.

Chính vì vậy, đi kèm với độ phức tạp tăng cao thì lỗi kỹ thuật cũng được tìm thấy nhiều hơn hẳn ở hai phiên bản đặc biệt này của chiến đấu cơ tàng hình F-35.

Trước đó vào tháng 4 năm nay, một chiếc F-35B đóng tại căn cứ thủy quân lục chiến Mỹ tại tỉnh Yamaguchi của Nhật Bản đã phải hạ cánh khẩn cấp tại căn cứ không quân Fukuoka.

Nguyên nhân gây ra sự cố trên được giữ kín, tuy nhiên theo nhận định thì nhiều khả năng khung vỏ máy bay đã bị lỗi, dẫn đến quyết định hạ cánh khẩn cấp của phi công.

Sự cố nghiêm trọng hơn diễn ra với một chiếc F-35 khác vào tháng 12/2017, khi đó chiếc F-35A khi đang bay tuần tra trên bầu trời đảo Okinawa đã bị văng mất một miếng vỏ.

Mặc dù được trang bị hàng loạt cảm biến tối tân nhưng thật ngạc nhiên khi phi công chẳng hề hay biết rằng máy bay đã bị mất mảnh vỏ có kích thước lên tới (30 x 60) cm.

Rõ ràng các kỹ sư quân sự Mỹ sẽ còn nhiều việc phải làm để giúp cho tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II đạt đến độ ổn định khi hoạt động như mong đợi.

Mặc dù vậy, vẫn không thể phủ nhận rằng F-35 là một chiếc chiến đấu cơ sở hữu nhiều tính năng kỹ chiến thuật cực kỳ ưu việt và đang làm nên sức mạnh của Quân đội Hoa Kỳ trong khoảng thời gian đầu thế kỷ 21.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-tia-chop-tang-hinh-f35a-cua-my-cam-dau-xuong-dat-khi-ha-canh-loi/779427.antd