Tia hi vọng và tình người giữa bóng tối chiến tranh

Đó là đánh giá của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đối với việc Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas nhất trí gia hạn thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza thêm hai ngày với một số điều kiện về trao đổi con tin và tù nhân. Thỏa thuận trên đạt được chỉ ít giờ trước khi lệnh ngừng bắn hiện tại hết hiệu lực (7h ngày 28/11 giờ địa phương).

Trong thời gian ngừng bắn bổ sung, hai bên tiếp tục thực hiện việc trao đổi con tin và tù nhân với cơ chế và điều kiện tương tự như trong giai đoạn ngừng bắn 4 ngày qua. Cụ thể, Hamas sẽ phóng thích thêm 20 con tin mà lực lượng này bắt giữ trong cuộc tấn công vào miền Nam Israel sáng 7/10, ngoài số 50 con tin cam kết phóng thích theo thỏa thuận ban đầu. Đổi lại, Israel sẽ trả tự do bổ sung cho 60 tù nhân Palestine, chủ yếu là phụ nữ và trẻ vị thành niên, bên cạnh số 150 tù nhân cam kết phóng thích theo thỏa thuận gốc do Qatar, Ai Cập và Mỹ làm trung gian.

Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã lập tức lên tiếng hoan nghênh việc đạt được thỏa thuận gia hạn ngừng bắn tại Gaza, coi đó là bước đi cần thiết để hạn chế thương vong đối với dân thường, đồng thời tạo điều kiện cho hàng cứu trợ nhân đạo vào Dải Gaza cũng như đặt nền móng cho việc tiến tới một lệnh ngừng bắn lâu dài.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby bày tỏ hi vọng động lực này sẽ được tiếp tục: “Chúng tôi hoan nghênh việc lệnh ngừng bắn nhân đạo được gia hạn thêm 2 ngày đến hết ngày 29/11 theo giờ Israel. Điều này sẽ tạm thời giúp chấm dứt các cuộc giao tranh và tăng cường hoạt động viện trợ nhân đạo. Chúng tôi hi vọng lệnh ngừng bắn sẽ kéo dài hơn nữa và sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình”.

Một tù nhân Palestine được trả tự do.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Antonio Guterres nhấn mạnh: “Tôi thực sự hi vọng điều này sẽ cho phép chúng tôi tăng cường viện trợ nhân đạo nhiều hơn nữa cho những người dân ở Gaza đang phải chịu nhiều đau khổ, mặc dù chúng tôi biết rằng, ngay cả với khoảng thời gian tăng thêm đó, cũng sẽ không thể đáp ứng được mọi nhu cầu to lớn của người dân”.

Về phần mình, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cho rằng, đã đến lúc thực thi giải pháp hai nhà nước nhằm chấm dứt hoàn toàn những căng thẳng kéo dài giữa người Israel và người Palestine: “Cộng đồng quốc tế có khả năng và cơ chế để thực thi giải pháp hai nhà nước. Các vấn đề đã được hai bên đàm phán trong suốt ba thập kỷ và chúng ta không thể để xung đột tái diễn do các chính sách không ủng hộ hòa bình và sự phân cực ngày càng gia tăng. Chúng tôi tin rằng, đã đến lúc thực hiện giải pháp hai nhà nước, đã đến lúc thành lập nhà nước Palestine để cuối cùng chúng ta có thể chấm dứt cuộc xung đột này”.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Ai Cập một lần nữa cho thấy, giải pháp hai nhà nước trở lại bàn đàm phán nhằm chấm dứt xung đột Israel-Palestine.

Ngày 25/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ủng hộ giải pháp hai nhà nước và ông đã nhiều lần nhắc đến giải pháp này kể từ đó, gần đây nhất là vào ngày 18/11 trên tờ Washington Post. Ngày 27/10, Hội đồng châu Âu đã thông qua đề xuất của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez về việc tổ chức một hội nghị quốc tế nhằm tìm kiếm hòa bình giữa Israel và Palestine dựa trên “công thức” hai nhà nước. Ngay cả Giáo hoàng Francis cũng tham gia vào dòng quan điểm ủng hộ giải pháp hai nhà nước. Tuy nhiên, một quan chức của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) yêu cầu giấu tên lưu ý rằng, cả Tổng thống Joe Biden và bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác hiện đang nhắc đến con đường “hai nhà nước” đều không đề cập đến điều mà theo quan điểm của ông là “điều kiện không thể thiếu” đối với một Nhà nước Palestine tồn tại, đó là: “Kết thúc sự chiếm đóng của Israel”.

Nhưng chuyên gia Nadav Tamir, người đứng đầu các vấn đề quốc tế tại Trung tâm Hòa bình và Đổi mới Peres ở Tel Aviv, bày tỏ lạc quan: “Điều mà ngày 7/10 đã cho tất cả chúng ta thấy là không thể tiếp tục xung đột nữa, rằng nó cần phải được giải quyết”. Ông tin tưởng rằng, “những người ôn hòa ở cả hai bên” sẽ đạt được một thỏa thuận trong khi ông Isaías Barreada, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Complutense ở Madrid, cho rằng, các điều kiện thực tế gây khó khăn đối với giải pháp hai nhà nước, nhưng “mọi thứ đều có thể đảo ngược”.

Trung Đông bấy lâu nay được đánh giá là một trong những khu vực bất ổn nhất trên thế giới. Và sau sự kiện ngày 7/10 vừa qua, khu vực này lại một lần nữa bị ám ảnh bởi đau thương và phẫn nộ. Người Israel tin rằng, họ cần phải loại bỏ Hamas để đảm bảo an ninh cho mình, trong khi người Palestine ưu tiên chấm dứt thảm họa nhân đạo và hành động khiêu khích của nhóm người định cư ở Gaza. Tuy nhiên, cả hai chỉ đang chăm chăm nhìn vào bi kịch của mình, vào những gì đã xảy ra hôm qua hoặc những gì đang xảy ra hôm nay. Còn có một ngày mai mà cả hai bên đều chưa thể hình dung được. Đó là: vượt qua những thách thức và để ngỏ khả năng cho hòa bình.

Theo giới chuyên gia, sự đảm bảo tốt nhất cho an ninh của Israel là thành lập một nhà nước Palestine. Và, trong ngắn hạn, nên tránh làm suy yếu Chính quyền dân tộc Palestine (PA). Các chuyên gia giải thích rằng, các khoảng trống không thể tồn tại lâu trong tự nhiên hoặc trong chính trị. Nếu cả Hamas và Israel đều không quản lý Gaza, khoảng trống quyền lực sẽ nhanh chóng được lấp đầy bởi các lực lượng không kiểm soát được, những người có thể biến Gaza thành một lãnh thổ thất bại và mở đường cho một chu kỳ bạo lực và khủng bố khác.

Để ngăn kịch bản này xảy ra, Gaza phải được quản lý bởi một nhà nước đại diện cho người dân của mình. An ninh của chính Israel đòi hỏi phải thành lập một Nhà nước Palestine ở Gaza và khu Bờ Tây bị chiếm đóng, bao gồm cả Đông Jerusalem. Làm thế nào để đạt được điều này? Câu trả lời đơn giản chỉ là: Phải hướng tới một giải pháp dựa trên công lý và quyền bình đẳng cho cả hai dân tộc. Điều này trước hết có nghĩa là nhu cầu về an ninh trong toàn khu vực và ở châu Âu, nơi phải đối mặt với những hậu quả tức thời của sự bất ổn.

Những nước láng giềng phải hợp lực với các đối tác trong khu vực và trên toàn thế giới để đạt được một giải pháp chính trị khả thi, lâu dài, vì lợi ích của người Israel, người Palestine, và khu vực. Đây cũng là vì lợi ích tốt nhất. Châu Âu, cùng với một số quốc gia Arab, đã khởi xướng những nỗ lực hướng tới mục tiêu này thông qua Nỗ lực Ngày Hòa bình (Peace Day Effort), được trình bày tại Liên hợp quốc hồi tháng 9 vừa qua, ngay trước khi “cơn bão” bắt đầu.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/tia-hi-vong-va-tinh-nguoi-giua-bong-toi-chien-tranh-i715321/