Tia UV có làm biến dạng filler?

A.I

(SGTT) – Chất làm đầy filler đang là trào lưu làm đẹp trong thời gian gần đây. Là một phương pháp thẩm mỹ không xâm lấn, có độ an toàn cao với một số công dụng như giúp tạo hình cho khuôn mặt, làm căng mịn da… nên được rất nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, làm thế nào để bảo vệ làn da sau khi tiêm filler? Liệu rằng dưới tác động của tia UV thì chỉ với một lớp kem chống nắng có bảo vệ được tạo hình khuôn mặt những phần có tiêm filler hay không? Hãy cùng tìm hiểu thêm nhiều thông tin qua bài viết dưới đây.

Nổi lên từ câu chuyện “viral” trên mạng xã hội cách đây một thời gian của một nữ TikToker có tên Isabella Skeel-Gerhardt về đôi môi tiêm filler bị biến dạng của cô, câu hỏi liệu rằng tia UV có ảnh hưởng như thế nào đến filler đã được nhiều người quan tâm. Câu chuyện xảy ra sau khi nữ TikToker đã ngủ quên khi tắm nắng trên bãi biển Marbella, Tây Ban Nha hàng giờ đồng hồ và khi tỉnh dậy, cô phát hiện đôi môi của mình đã sưng phồng lên. “Môi của tôi càng ngày càng sưng lên, tôi cảm thấy chúng như muốn nổ tung ra”, Skeel-Gerhardt nhớ lại.

Ảnh minh họa

Isabella Skeel-Gerhardt đã tiêm 0.7 mm filler cho môi khoảng 20 tháng trước khi quay video và đây cũng là lần đầu tiên cô thực hiện thủ thuật làm đầy môi này. Trong suốt khoảng thời gian đó, cô không thấy có dấu hiệu kỳ lạ nào xảy ra với đôi môi được tiêm filler của mình. Song, sau khi tắm nắng tại bãi biển Marbella với đôi môi sưng phồng lên, cô phải tìm đến bác sĩ sau khi cố chườm lạnh tại nhà mà vẫn không khả quan. Kết quả là Skeel-Gerhardt đã phải tiêm kháng sinh suốt hơn một tuần sau đó để điều trị.

Sau câu chuyện của Isabella Skeel-Gerhardt, giới làm đẹp và các bác sĩ chuyên gia thẩm mỹ đã phải băn khoăn lý do vì sao đôi môi tiêm filler của cô bị biến dạng, và liệu tia UV có phải là thủ phạm?

Filler và tia UV?

Chất làm đầy filler thường chứa thành phần chính là axit hyaluronic (HA), một chất tự nhiên được tìm thấy trong biểu bì giúp giữ cho da luôn căng mọng và ngậm nước. Tuy nhiên khi làn da lão hóa, lượng HA dưới da cũng giảm đi. Và filler chính là sự thay thế hoàn hảo cho lượng axit bị mất đi đó, giúp khôi phục gương mặt đầy đặn, làn da căng mọng tuổi đôi mươi cho chị em phụ nữ. Các chất làm đầy da chứa axit hyaluronic này được tiêm vào lớp hạ bì, giúp cải thiện các tình trạng như nếp nhăn, môi mỏng, nếp nhăn quanh miệng, vùng trũng dưới mắt và trên mu bàn tay, nếp gấp mũi… Theo Hiệp hội Phẫu thuật Da liễu Hoa Kỳ, hiệu quả của filler thường sẽ kéo dài từ 6 đến 12 tháng, bên cạnh đó còn tùy thuộc vào vị trí tiêm và cơ địa của mỗi người.

Tia tử ngoại trong ánh sáng mặt trời, gồm UVA và UVB, là nhân tố gây lão hóa da. Theo nghiên cứu khoa học, tia UV tác động đến cấu trúc collagen của da, phá vỡ protein dưới da, khiến làn da mau nhăn nheo, sạm lại và hình thành sắc tố. Tia UV được ước đoán cũng gây ra ảnh hưởng tương tự đến filler. “Khi bạn tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, tia UVA và UVB có thể xuyên qua lớp hạ bì và khi tiếp xúc đủ mức sẽ phá vỡ lượng HA dự trữ tự nhiên. Các loại filler trên thị trường thường chứa HA nên tia UV sẽ làm tăng tốc độ tan của các chất làm đầy thẩm mỹ ở đường tiêm” – Tiến sĩ Jessie Cheung tại Chicago và New York cho biết.

Cách bảo vệ làn da filler dưới ánh nắng mặt trời

Tạp chí Phẫu thuật Da và Thẩm mỹ (Journal of Cutaneous and Aesthetic Surgery) nhấn mạnh việc filler bị biến chứng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhưng đến nay chưa có nghiên cứu cụ thể nào xem xét vấn đề tiêm filler sẽ bị biến dạng như thế nào khi tiếp xúc với tia UV ở cường độ bao nhiêu hay trong thời gian bao lâu. Một số lý do được đưa ra ở đây là bởi vì hàm lượng tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời ở mỗi quốc gia, mỗi vùng cực và mỗi mùa trong năm sẽ thay đổi khác nhau, và tỷ lệ tan ra của HA dưới da ở mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào tốc độ chuyển hóa năng lượng, thói quen sinh hoạt…

Ảnh minh họa

Theo bác sĩ Phillip Dauwe, để các loại filler ổn định và kéo dài thời gian tồn tại thì bạn nên sử dụng kem chống nắng ở mức SPF 30 trở lên mỗi ngày và nhớ phải thoa lại sau tầm 2 tiếng một lần. Đối với phần môi thì một thỏi son dưỡng ẩm có chứa SPF là giải pháp hiệu quả nhất. Một chiếc mũ rộng vành và kính mát sẽ giúp bạn che chắn kĩ hơn khỏi tác động từ tia UV. Vào những thời điểm chỉ số UV đạt đỉnh nên hạn chế ra ngoài, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, các bác sĩ thẩm mỹ khuyến cáo rằng bạn không nên tiếp xúc với nhiệt độ cao sau khi tiêm filler, đặc biệt trong hai tuần đầu khi vết thương chưa lành hẳn. Không ngâm người trong nước nóng, không đi xông hơi, không tập yoga nóng và không dùng máy tắm nắng (tanning bed). Bởi nhiệt độ cao có thể khiến điểm tiêm filler bị viêm nhiễm và sưng tấy. Trong trường hợp của Isabella Skeel-Gerhardt, đôi môi tiêm filler của cô bị biến dạng do cô đã ngủ quên 5 tiếng đồng hồ ngoài bờ biển thực tế là do bỏng. Sau khi sử dụng thuốc kháng sinh có tác dụng trị bỏng, đôi môi của cô mới trở về với tình trạng bình thường.

Làm sao để chăm sóc tốt làn da sau tiêm filler?

Để vết thương mau lành sau khi tiêm, bạn có thể sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh vùng tiêm, hạn chế tiếp xúc với tia UV và môi trường quá nóng hay quá lạnh. Cần bổ sung thêm dinh dưỡng từ các loại trái cây, vitamin, uống đủ nước mỗi ngày để giúp tái tạo da. Trường hợp bị sưng tấy, bầm tím sau tiêm, có thể chườm đá lạnh với túi chườm, khăn mềm hoặc sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ. Nằm ngủ thẳng, kê cao gối để máu không dồn lên mặt, giảm tình trạng sưng tấy, tích nước.

Theo Harper’s Bazaar, Elle

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/tia-uv-co-lam-bien-dang-filler/