Tibet - Rẽ mây vào đất thiêng Tây Tạng

Không phải các thiếu nữ choàng chiếc khăn trắng lên cổ du khách như một cách chúc phúc, sốc độ cao mới là thứ chào đón tôi khi hạ cánh xuống sân bay Lhasa. Không khí loãng khiến tôi cảm thấy khó thở, đau đầu, cơ thể như bồng bềnh trôi đi. Thật ngẫu nhiên, cảm giác bồng bềnh ấy lại rất hợp với khung cảnh, khi cánh chim sắt rẽ những lớp mây tiệp với núi tuyết trắng tinh tiến dần vào nơi ở của thần linh, Tây Tạng.

Trái với tưởng tượng của tôi về một vùng đất hoang sơ, thành phố Lhasa rất tấp nập và sầm uất, các cửa hiệu san sát nhau, xe ô tô lưu thông nhộn nhịp, taxi, xe lôi đủ loại. Chúng tôi dạo quanh chợ trung tâm Barkhor, mua cho mình vài món trang sức thủ công rồi về khách sạn nghỉ ngơi. Theo lời khuyên của Tensing - hướng dẫn viên người Tây Tạng - ngày đầu tiên trong hành trình nên là một ngày đi dạo nhẹ nhàng, hạn chế nói chuyện để cơ thể thích nghi với bầu không khí loãng ở nơi này. Những ngày ở đây, thỉnh thoảng tôi có cảm giác sự sống của mình đang cạn dần, bởi một việc hiển nhiên như hít thở cũng là một thách thức. Không khí là thứ phải mua mới có. Ở sân bay Lhasa hoặc các công ty du lịch, bạn có thể mua bình dưỡng khí dễ như mua nước đóng chai, nhưng dĩ nhiên, giá thì không rẻ bằng chai nước đâu (khoảng 20 tệ cho một bình không khí, tương đương với một bữa ăn)!

Đến Tây Tạng, đừng quên ghé thăm cung điện Potala. Nằm trên đỉnh Hồng Đồi hướng ra thung lũng Lhasa, cung điện tọa ở độ cao 170m, tương đương hơn 300 bậc thang.Tôi chọn cách vừa leo vừa dừng lại ngắm cảnh bên dưới để không bị đuối sức. Bên trong cung điện Potala có rất nhiều khám, tượng thờ, tranh bích họa về các vị thần. Mỗi một bức tượng đều được khắc họa tỉ mỉ, sống động như người thật, thậm chí có vài bức tượng thần được che mặt vì từng làm nhiều du khách ngất xỉu.

Sau khoảng 10 phút, cảm thấy không thể chia sẻ lượng không khí ít ỏi với đám đông phía bên trong, tôi len lỏi vào các ngách nhỏ trong khuôn viên cung điện. Cuộc nổi dậy của Tây Tạng chống lại các chính sách kinh tế và tôn giáo khắc nghiệt của chính quyền Trung Quốc không thành khiến Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, ngài Tenzin Gyatso đi tị nạn sang Ấn Độ. Cung điện Potala từ lâu không còn là nơi cư trú của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhưng mọi thứ từ đời sống sinh hoạt và tín ngưỡng của các tu sĩ vẫn rất ngăn nắp và quy củ. Duy chỉ có một điều khiến tôi cảm thấy khó chịu: cổng vào cung điện dày đặc nhân viên an ninh, camera gắn từng ngóc ngách. Những thứ thể hiện uy quyền của chính trị đáng lẽ không nên tồn tại ở nơi linh thiêng này.

Bất đồng về chính trị khiến người dân Tây Tạng phải chịu những chính sách phân biệt đối xử bất công. Họ bị cấm xuất cảnh ra khỏi Tây Tạng, bị hạn chế hành hương về Lhasa, nhưng đó vẫn chưa phải những trở ngại lớn nhất. Trên đoạn đường có khi dài cả trăm cây số, dòng người hành hương phải đi bộ qua sa mạc và núi cao bất chấp mưa gió, bão tuyết và cả nạn cướp bóc, có những người đã bỏ mạng trước khi đặt chân đến Lhasa.

Khó có thể tìm thấy một tộc người nào trên thế giới có niềm tin tín ngưỡng mạnh mẽ như ở Tây Tạng. Để thể hiện lòng thành kính, họ thường đi Kora – hành động đi trọn một vòng theo chiều kim đồng hồ quanh các nơi linh thiêng như tu viện, đền chùa, hồ hay một đỉnh núi ở độ cao trên 5000 mét. Ở trước cửa chùa Đại Chiêu, tôi nhìn thấy nhiều người Tạng đi Kora kiểu “tam bộ nhất bái” (ba bước đi thì lạy một lần), và lạy kiểu “ngũ thể nhập địa” (nằm xuống, để tứ chi và trán chạm đất). Quảng trường đối diện chùa Đại Chiêu lúc nào cũng đông người hành hương, nhưng tuyệt nhiên không thấy ai chen lấn hay nói chuyện ồn ào bởi mọi người đều rất tập trung khi làm lễ.

Trong một lần ghé thăm nhà bà ngoại của anh hướng dẫn viên Tensing, tôi nhận thấy người Tạng có nhiều nét sinh hoạt rất tương đồng với các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Nhà của họ được xây dựng khá giống nhà sàn, gian dưới để chăn nuôi gia súc, gian trên là nơi sinh hoạt, dựng ban thờ. Người Tạng theo chế độ mẫu hệ, con trai trưởng thành không được ở với gia đình. Con gái sẽ thừa kế nhà và được quyền chọn chồng. Chợt nghĩ đến những phong trào hô hào đòi “nữ quyền”, tôi bật cười khi nghĩ đến việc liệu các anh chàng như Tensing có lần nào phải đứng lên hô hào đòi nam quyền không nhỉ?

Hành trình đến với hồ thiêng Namtso và hồ thiêng Yamdrok là thử thách khó nhất đối với đoàn, vì phải đi qua đèo Lakenla và Kampala ở độ cao trên 5000 mét. Không hề nói quá, hai cung đèo này được mệnh danh là cửa tử vì lượng không khí ở đây chỉ còn ở mức 30% so với bình thường, gió và hiện tượng sốc độ cao có thể khiến bạn ngất đi lúc nào không biết. Một cô bé 17 tuổi trong đoàn chúng tôi đã phải bỏ dở hành trình, không đủ sức để ra khỏi khách sạn trong 3 ngày sau đó. Phản ứng của một đứa yếu bóng vía như tôi là kiểm tra lại bình dưỡng khí, thầm cầu nguyện các vị thần phù hộ để mình còn đường về quê mẹ.

Hành trình từ Lhasa đến hồ thiêng Namsto kéo dài khoảng 4 giờ đồng hồ, cũng là 4 giờ chúng tôi nằm dính chặt vào ghế, thi thoảng lại nói vài câu động viên nhau cùng cố gắng. Ngay đến việc giơ máy ảnh lên chụp vội vài bức hình cũng cần một nỗ lực rất lớn. Thi thoảng khi nhắc lại, chúng tôi hay đùa rằng mặc dù không phải ra chiến trường, chúng ta cũng đã từng “vào sinh ra tử” cùng nhau.

Ngoài bình dưỡng khí, khung cảnh bên ngoài là thứ duy nhất xoa dịu nỗi sợ của tôi dọc đường đi. Cung đường trải dài qua những dãy núi tuyết, núi đá, đồng bằng và tiểu sa mạc nối tiếp. Rất ít khi bắt gặp nhà dân, thi thoảng có vài con bò yak (bò Tây Tạng), ngay cả cây bụi cũng là những cây trưởng thành được đưa từ nơi khác về trồng. Cảnh tượng bao la đó khiến tôi cảm thấy choáng ngợp.

Vượt qua đường đèo, hồ Namsto hiện ra như một giấc mơ giữa đời thực. Mặt hồ trải dài, hòa lẫn vào màu xanh thẳm của bầu trời. Xuống xe, chúng tôi đồng loạt thở phào nhẹ nhõm: “Toàn những đứa yếu đuối thế mà vẫn đủ sức chịu đựng đến tận đây. Hóa ra bọn mình cũng ‘ngon cơm’ phết!”.

Hồ thiêng Namtso là hồ nước mặn cao nhất thế giới, nằm cách Lhasa 112 kilomet về phía Bắc và được bao bọc bởi dãy núi Nyenchen Tanglha hùng vĩ. Trên đầu chúng tôi, đàn hải âu sải cánh bay tự do không mảy may để ý đến đám du khách đang nhướn lên những cặp mắt tò mò. Trong tiếng Tạng, Namsto có nghĩa là “hồ thiên đường”. Mặt hồ màu xanh lam phản chiếu bóng núi cùng những lá cờ Lungta đầy màu sắc, xen kẽ là băng tuyết trắng xóa trải khắp diện tích 1.900km2. Nước hồ Namtso được xem là nguồn nước linh thiêng và tinh khiết bởi nó cô đọng từ băng tuyết trên đỉnh Nyenchen Tanglha. Chúng tôi trầm tất cả trang sức mua ở chợ trung tâm Bakhor xuống hồ để được ban phước lành, miệng lẩm bẩm vài câu cầu nguyện với niềm tin những điều tốt đẹp sẽ “thấm” vào những món đồ này.

Không bị che phủ bởi băng tuyết như hồ Namsto, Yamdrok là hồ nước ngọt có chiều dài 72km, bao quanh bởi các ngọn núi phủ tuyết trắng và được cấp nước từ nhiều con suối nhỏ. Đi vòng quanh hồ, thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp những gò đá nhỏ manidoi - tác phẩm của những người mộ đạo đi hành hương qua đây. Tương truyền thánh hồ Yamdrok là hóa thân của Long nữ – nữ thần bảo hộ cho người dân Tây Tạng. Những người tới đây thành tâm cầu nguyện và chạm tay vào nước Thánh hồ sẽ được tiêu trừ nghiệp chướng từ nhiều kiếp trước. Thả một đồng xu xuống hồ, bạn sẽ có nhiều may mắn cũng như có thêm cơ hội trở về đất Tạng một lần nữa. Bởi không giống như những miền đất mà bạn chỉ cần dư dả tài chính là có thể đặt chân đến, muốn tới Tây Tạng, điều cần nhất là một chữ duyên.

Vùng đất này khiến bạn “chết đi sống lại” bởi hội chứng sốc độ cao, cũng khiến bạn sửng sốt, kinh ngạc trước sức sống mãnh liệt của đời sống tín ngưỡng. Những trái tim thuần khiết của dòng người hành hương hàng ngày về Lhasa là minh chứng rõ rệt nhất cho việc có những thứ mà vũ lực hay thiên nhiên khắc nghiệt không thể chế ngự. Như một phép màu linh thiêng và huyền bí, từng cảnh sắc Tây Tạng đều khiến chúng tôi cảm thấy quen thuộc. Giống như thuyết tái sinh của người Tạng, có khi nào tiền kiếp của tôi cũng thuộc về vùng đất linh thiêng này?

Bài QUỲNH THI
Ảnh QUỲNH THI, HOÀNG SƠN
Thiết kế NGỌC ANH HOÀNG

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP

Nguồn Đẹp: https://dep.com.vn/magazine/tibet-re-may-vao-dat-thieng-tay-tang/