Tích cực bảo vệ môi trường

Theo Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP), khoảng 300 triệu tấn rác nhựa được thải ra môi trường mỗi năm, trong đó tám triệu tấn rác thải trôi ra các đại dương. Nhận thấy tính cấp bách của vấn đề này, các biện pháp nhằm giảm lượng rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường mới đây đã được đưa ra tại nhiều nước.

Hoạt động thu gom rác trên một bãi biển ở In-đô-nê-xi-a. Ảnh: THE SUNDAILY

Nhằm hạn chế lượng rác thải nhựa, việc cấm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần được áp dụng tại các cơ sở hạ tầng, phương tiện công cộng ở nhiều nước. Bộ Đường sắt Ấn Độ mới đây thông báo, đã hướng dẫn các đơn vị thực hiện lệnh cấm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại đường sắt quốc gia Ấn Độ, một trong những mạng lưới đường sắt lớn nhất thế giới, kể từ ngày 2-10 tới. Đây được xem là hành động nhằm đáp lại lời kêu gọi người dân nước này loại bỏ các loại nhựa dùng một lần của Thủ tướng N.Mô-đi. Trong khi đó, trên trang mạng xã hội Twitter, sân bay quốc tế Xan Phran-xi-xcô (SFO) của Mỹ thông báo, sẽ cấm bán các loại nước uống đựng trong chai, lọ, hộp hoặc túi bằng nhựa dùng một lần và có dung tích ít hơn 1 lít kể từ ngày 20-8. Biện pháp này là một phần trong kế hoạch của SFO hướng tới năm 2021 trở thành sân bay không rác thải đầu tiên ở Mỹ. Theo SFO, gần bốn triệu chai nước uống bằng nhựa đã được bán tại sân bay này trong năm 2018 và nhiều rác thải nhựa trong số này không được tái chế.

Bên cạnh việc hạn chế các sản phẩm nhựa, các chiến dịch kêu gọi người dân, doanh nghiệp tham gia thu gom, giảm rác thải nhựa cũng được tiến hành. Tại In-đô-nê-xi-a, hàng nghìn người In-đô-nê-xi-a đã tham gia chiến dịch làm sạch các bãi biển được phát động trên toàn quốc nhằm giải quyết vấn đề rác thải gây ô nhiễm biển. Chiến dịch này đã thu gom được hàng trăm tấn rác thải trên khắp các hòn đảo lớn, nhỏ tại “đất nước vạn đảo”. Trong khi đó, chịu sức ép lớn từ người tiêu dùng, các chuỗi cửa hàng và siêu thị lớn tại Anh bắt đầu chung tay trong chiến dịch nói không với đồ nhựa đang lan rộng mạnh mẽ. Theo số liệu thống kê hồi tháng 11-2018 của tổ chức Greenpeace và Cơ quan Điều tra môi trường có trụ sở tại Anh, ước tính mỗi năm 10 chuỗi cửa hàng lớn nhất của nước này sử dụng 810 nghìn tấn bao bì nhựa dùng một lần, chưa kể các túi xách. Nhiều chuỗi siêu thị lớn tại Anh đã đăng ký “Hiệp ước nhựa Anh”, trong đó cam kết loại bỏ các bao bì sử dụng một lần và hướng tới triển khai các loại bao bì có thể tái chế hoặc phân hủy vào năm 2025.

Tái chế rác thải nhựa cũng là biện pháp được áp dụng tại nhiều nước. Tại Thái-lan, Công ty hóa chất Indorama Ventures đưa ra cam kết khoản đầu tư trị giá 1,5 tỷ USD nhằm tái chế rác thải nhựa, trong bối cảnh nhà chức trách đang khuyến khích hoạt động này và người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ tác hại của đồ nhựa dùng một lần.

Trong khi đó, biện pháp nhằm hạn chế ô nhiễm và rác thải đang được tiến hành tại Ê-cu-a-đo cần sự phối hợp giữa địa phương và người dân. Theo giới chức Ê-cu-a-đo, người dân tại Goa-y-a-kin, thành phố cảng nằm ở phía tây nam Ê-cu-a-đo, được đổi chai nhựa tái chế sang tiền để mua vé xe buýt. Với khoảng 2,7 triệu dân, Goa-y-a-kin là thành phố đông dân thứ hai; đồng thời là nơi xả lượng rác thải lớn nhất ở Ê-cu-a-đo với khoảng 4.200 tấn rác mỗi ngày và chỉ có 14% trong số này được tái chế. Sau hơn hai tháng thử nghiệm giải pháp nêu trên, người dân thành phố này đã thu gom được hơn 24 nghìn chai nước.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra biện pháp cụ thể nhằm giảm lượng rác thải nhựa như tái chế, hạn chế sử dụng đồ nhựa, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của rác thải nhựa và đem lại một số tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa là mối quan tâm chung toàn cầu, cần sự chung tay hành động của các quốc gia, tổ chức quốc tế nhằm sớm đưa ra các cam kết, giải pháp mạnh mẽ và hiệu quả hơn về chống rác thải nhựa.

MINH ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/41349202-tich-cuc-bao-ve-moi-truong.html