Tích cực ngăn thực phẩm 'bẩn' vào trường học

Là một trong số các đơn vị có quy mô giáo dục lớn của thành phố Hà Nội với hơn 80 trường học mầm non, phổ thông và 160 nhóm, lớp mẫu giáo độc lập, quận Thanh Xuân xác định công tác bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn bán trú là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Nhiều giải pháp tích cực đã được triển khai nhằm ngăn chặn thực phẩm 'bẩn' vào trường học, góp phần nâng cao sức khỏe cho học sinh.

Nhân viên nhà bếp tại các trường học trên địa bàn quận Thanh Xuân đều được tập huấn về kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thực phẩm khi làm nhiệm vụ.

100% bếp ăn bán trú bảo đảm an toàn

5 năm gần đây, một trong những chuyển biến rõ rệt trong việc nâng cao năng lực tổ chức bếp ăn tập thể cho học sinh tại các trường học trên địa bàn quận Thanh Xuân là nâng tỷ lệ bếp ăn tập thể được cấp giấy chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm từ 90% lên 100%, góp phần tích cực vào kết quả chung của việc bảo đảm an toàn thực phẩm của quận, được UBND thành phố Hà Nội tặng Cờ “Đơn vị xuất sắc phong trào thi đua an toàn thực phẩm” giai đoạn 2016-2020.

Trên địa bàn quận Thanh Xuân có 242 bếp ăn tập thể và 9 căng tin trong trường học. Để bảo đảm an toàn thực phẩm trong công tác tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh tại trường, UBND quận Thanh Xuân đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ bán trú cho các nhà trường. 100% các bếp ăn tập thể trong trường học đều được đầu tư đồng bộ, hiện đại, an toàn, toàn bộ các bếp gas được thay bằng bếp từ. Các bếp ăn được xây dựng theo nguyên tắc một chiều, bảo đảm cho việc vận chuyển, sơ chế thực phẩm chín và thực phẩm sống tách biệt nhau, hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm khuẩn. 100% nhân viên tham gia chế biến, phục vụ bữa ăn bán trú được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, đủ điều kiện về sức khỏe và được trang bị bảo hộ khi làm nhiệm vụ.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu cho hay, từ năm 2018, quận Thanh Xuân đã triển khai mô hình “Nâng cao năng lực tự quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học” nhằm tăng cường năng lực tự quản lý, chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, khống chế không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học. Mô hình này được áp dụng với tất cả các trường học từ mầm non tới phổ thông, không phân biệt loại hình trường công lập hay ngoài công lập. Quận đã xây dựng mô hình điểm 2 bếp ăn tập thể tại Trường Tiểu học Kim Giang và Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc.

Quận Thanh Xuân đã tổ chức diễn tập điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong trường học. Đại diện ban giám hiệu, giáo viên và nhân viên bếp ăn của các trường học đều cho rằng đây là cơ hội để những người làm nhiệm vụ tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh thêm nhuần nhuyễn kiến thức, kỹ năng, sẵn sàng khả năng về mọi mặt để ứng phó, xử lý nhanh khi có sự cố, hạn chế tối đa nguy cơ mất an toàn cho học sinh.

Quyết tâm không để xảy ra ngộ độc

Để duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, năm học 2020-2021, ngành Giáo dục quận Thanh Xuân xác định việc bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh khi tham gia bữa ăn bán trú tại trường học là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Các nhà trường trên địa bàn đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để ngăn thực phẩm “bẩn”, quyết tâm không để xảy ra ngộ độc trong trường học.

Bà Lê Thị Phương Hảo, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh cho biết: Năm học 2020-2021, trường có quy mô hơn 500 trẻ. Xác định việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ là nhiệm vụ đặc thù của ngành học, ngoài việc trang bị đầy đủ cho bếp ăn, nhà trường đặc biệt quan tâm đến trình độ chuyên môn, kỹ năng và đạo đức, trách nhiệm của đội ngũ nhân viên nhà bếp, bởi đây là những người trực tiếp tham gia vào quy trình tổ chức thực hiện bữa ăn hằng ngày cho trẻ.

Khác với ngành học mầm non, việc tổ chức bữa ăn cho học sinh tại trường không phải là nhiệm vụ của các trường tiểu học. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả của mô hình học 2 buổi/ngày, tạo thuận lợi cho cha mẹ học sinh, các trường tiểu học trên địa bàn quận Thanh Xuân cũng xác định việc tổ chức cho học sinh ăn bán trú an toàn là nội dung trọng tâm. Bà Nguyễn Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phạm Tuân cho biết: Nhà trường có hơn 1.400 học sinh. Để bảo đảm an toàn thực phẩm cho bữa ăn của học sinh, nhà trường quan tâm trước hết đến việc lựa chọn thực phẩm an toàn, ký hợp đồng với đơn vị cung ứng uy tín, có năng lực và có quy định trách nhiệm rõ ràng, chặt chẽ giữa các bên.

Về vấn đề này, ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân thông tin: Ngoài việc tiếp tục tăng cường năng lực tự quản lý an toàn thực phẩm, thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác tổ chức bữa ăn bán trú, quận Thanh Xuân tiếp tục hỗ trợ ngân sách, chỉ đạo các trường mầm non công lập tổ chức xét nghiệm nhanh với 3 loại thực phẩm hằng ngày. Việc này nhằm kịp thời phát hiện độ ôi thiu của thịt trước khi chế biến, phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu trong rau, quả, kiểm tra việc vệ sinh dụng cụ ăn uống của học sinh trước khi sử dụng…

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/982380/tich-cuc-ngan-thuc-pham-ban-vao-truong-hoc