Tích cực phân luồng sau THCS

'Những học sinh nào không trúng tuyển vào lớp 10 công lập thì có thể đi học trường tư thục, học nghề và học hệ thống giáo dục thường xuyên, song song với học văn hóa ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Việc tỉnh Quảng Nam chọn hình thức xét tuyển và phân tuyến từng khu vực tuyển sinh là thực hiện theo chủ trương về phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở', ông Hồ Văn Hưng - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết.

Phân luồng để phù hợp với năng lực

Kết thúc năm học 2016 - 2017, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 20.861 học sinh tốt nghiệp bậc trung học cơ sở (THCS) và đã có 18.775 học sinh đăng ký (90% học sinh) vào lớp 10 các trường công lập năm học 2017 - 2018. Theo đó, có 1.285 học sinh không vào lớp 10 công lập khi tỉnh Quảng Nam thực hiện xét tuyển theo chủ trương phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS.

Nhiều phụ huynh, học sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến nay vẫn còn tỏ ra băn khoăn với hình thức xét tuyển phân luồng này. Mang tâm trạng cũng như nhiều phụ huynh có con không trúng tuyển vào trường THPT công lập, ông Lê Trí Thức (53 tuổi, ở xã Quế Trung, phụ huynh của em Lê Quang Bảo) bày tỏ: Những ngày qua khi hay tin cháu không trúng tuyển vào trường THPT công lập, gia đình thực sự rất lo lắng vì sắp tới không biết cho cháu đi học ở trường nào. Việc chọn học phổ thông ở các trường tư thục, hay bổ túc văn hóa ở trung tâm GDTXHN đều rất khó vì xa nhà, chọn cho cháu đi học nghề thì không yên tâm.

Ông Nguyễn Ngọc Triêm - cán bộ phụ trách THCS (Phòng GD&ĐT huyện Nông Sơn) - chia sẻ, năm học này trên địa bàn huyện Nông Sơn có khoảng 295 HS được tuyển vào lớp 10, còn 33 học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 hệ công lập. Ông Nguyễn Ngọc Triêm bày tỏ: Công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS là một chủ trương đúng đắn. Nếu thực hiện tốt công tác phân luồng thì sẽ giảm được tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng ở bậc THPT, giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho gia đình học sinh. Học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 công lập nhưng cơ hội học phổ thông, học nghề còn rất rộng mở, lại phù hợp với khả năng học lực của bản thân.

Còn nhiều sự lựa chọn cho học sinh

Ông Hồ Văn Hưng cho hay: Để giải quyết sự băn khoăn, trăn trở này của phụ huynh, học sinh, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản thông tin về công tác phân luồng học sinh sau THCS năm học 2017 - 2018 đến các trưởng phòng GD&ĐT các huyện/thị xã/ thành phố; hiệu trưởng các trường THPT, PTDTNT; giám đốc trung tâm GDTX tỉnh Quảng Nam. Theo đó, đối với những học sinh trong số 10% còn lại không trúng tuyển vào các trường THPT công lập năm học 2017 - 2018 có thể đăng ký vào học phổ thông, học nghề hoặc học chương trình GDTX tại các trường tư thục, dân lập, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Quảng Nam và tại các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh.

“Cụ thể như sau: Học sinh thuộc các huyện/thị xã/thành phố: Hội An, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn học tại Trường THPT tư thục Quảng Đông; Trường Trung cấp nghề Bắc Quảng Nam; Trường Cao đẳng Công nghệ Kinh tế và Thủy lợi miền Trung. Học sinh thuộc các huyện Thăng Bình, Hiệp Đức, Quế Sơn, Nông Sơn học tại Trường THPT tư thục Phạm Văn Đồng. Học sinh thuộc các huyện: Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn học tại Trường Trung cấp nghề Thanh niên Dân tộc miền núi tại Nam Giang. Học sinh thuộc các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Núi Thành, Phú Ninh, Tam Kỳ học tại Trung tâm GDTX tỉnh Quảng Nam; Trường THPT Hà Huy Tập; Trường Cao đẳng Phương Đông; Trường Trung cấp Văn hóa - Du lịch Quảng Nam; Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam; Trường Cao đẳng nghề Quảng Nam.

Ngoài ra, học sinh có thể học tại các trường trung cấp nghề, cao đẳng kết hợp với giáo dục thường xuyên. Việc dạy nghề do trường trung cấp, cao đẳng đảm nhận, phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh dạy văn hóa giáo dục thường xuyên cho học viên có nhu cầu. Những huyện/thị xã/thành phố có số lượng học viên đăng ký học hệ GDTX đảm bảo số lượng học viên trên lớp theo quy định, Trung tâm GDTX tỉnh có trách nhiệm mở lớp tại địa phương đó để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh theo học” - ông Hồ Văn Hưng cho biết thêm.

Theo ông Hà Thành Quốc - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam, căn cứ Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục TH và THCS tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn; Căn cứ Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 25/4/2017 của Tỉnh ủy Quảng Nam về đồi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Thực hiện Quyết định

số 1809/QĐ-UBND ngày 23/5/2017 về phê duyệt phương án tuyển sinh vào các trường THPT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm học 2017 - 2018, hằng năm, Sở GD&ĐT và các Phòng GD&ĐT đã có chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện công tác hướng nghiệp, định hướng phân luồng cho học sinh sau tốt nghiệp THCS. Theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về phân luồng HS sau THCS, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tại tỉnh Quảng Nam có ít nhất 20% HS sau tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong năm học tới 2018 - 2019, có thể địa phương sẽ nâng tỷ lệ phân luồng học sinh lên 15% và tiếp tục tăng lên 20%, 30% cho các năm học kế tiếp.

Ông Hồ Văn Hưng - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam - cho biết, việc tỉnh Quảng Nam chọn hình thức xét tuyển và phân tuyến từng khu vực là thực hiện theo chỉ thị của Trung ương về phân luồng học sinh. Nếu học sinh nào không trúng tuyển vào lớp 10 công lập thì có thể đi học trường tư thục, học nghề và học hệ thống giáo dục thường xuyên, song song với học văn hóa ở các địa bàn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Vấn đề là các em có muốn và lựa chọn để học hay không.

Đại Khải - Phú Minh

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tich-cuc-phan-luong-sau-thcs-3735912-b.html