Tích cực thăm đồng, phòng, chống sinh vật gây hại

Hiện nay, thời tiết nắng nóng, ẩm độ cao, có mưa lớn ở nhiều vùng là điều kiện thích hợp cho các sinh vật gây hại phát triển. Do đó, các ngành chức năng và nông dân cần tích cực thăm đồng thường xuyên để phát hiện và xử lý kịp thời các sinh vật gây hại, bảo đảm vụ Hè Thu (HT) 2023 thắng lợi.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra tình hình sản xuất lúa Hè Thu 2023 tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, vụ lúa HT 2023, toàn tỉnh gieo sạ trên 213.000ha, đạt 98% kế hoạch, trong đó, diện tích thu hoạch trên 38.000ha, năng suất khô ước đạt 6,78 tấn/ha. Những ngày qua, trên lúa HT chủ yếu xuất hiện bệnh đạo ôn lá, cháy bìa lá, vàng lá, sâu cuốn lá nhỏ, rầy phấn trắng,… Tuy nhiên, diện tích nhiễm và tỷ lệ nhiễm không đáng kể.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Mộc Hóa - Hồ Minh Hồng cho biết: “Đến thời điểm này, huyện Mộc Hóa gieo sạ lúa HT đúng kế hoạch, tiến độ đề ra với trên 20.590ha, trong đó, các trà lúa đang giai đoạn đẻ nhánh 9.000ha, lúa trổ 400ha, còn lại là giai đoạn làm đòng. Những ngày qua, trên các trà lúa có các đối tượng sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy cánh trắng, bệnh đạo ôn,... nhưng tỷ lệ nhiễm không đáng kể. Với tình hình này, huyện sẽ đạt các kế hoạch của huyện và ngành Nông nghiệp tỉnh giao. Hy vọng giá cả ổn định, nông dân sẽ có lợi nhuận tốt hơn trong vụ HT năm 2023”.

Vụ lúa HT năm 2023, ông Nguyễn Đức Đạt (xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa) canh tác 5,5ha lúa. Vụ này, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác, gia đình ông Đạt giảm được chi phí sản xuất, diện tích lúa phát triển tốt, ít sâu, bệnh, hứa hẹn vụ mùa bội thu. Ông Đạt cho hay: “Vụ này, chi phí sản xuất giảm do giá vật tư nông nghiệp giảm; đồng thời, ít sâu, bệnh. Dự kiến, năng suất sẽ đạt trên 7 tấn/ha. Với giá hiện nay, gia đình có lợi nhuận từ 18-22 triệu đồng/ha”.

Dự kiến vụ lúa Hè Thu 2023, ông Nguyễn Đức Đạt thu lợi nhuận từ 18-22 triệu đồng/ha

Dự báo thời gian tới, diện tích lúa HT 2023 sẽ xuất hiện một số sinh vật gây hại như rầy nâu, ốc bươu vàng, bọ trĩ, bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân,... Do đó, các đơn vị chuyên môn cần tăng cường công tác điều tra, theo dõi sinh vật gây hại nhằm kịp thời hướng dẫn nông dân các biện pháp xử lý. Ngoài ra, các đơn vị chuyên môn chú trọng công tác tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn nông dân chăm sóc cây lúa khỏe ngay từ đầu vụ để tăng cường sức chống chịu đối với sâu, bệnh hại. Đặc biệt, nông dân và các đơn vị chuyên môn cần chú ý theo dõi tình hình bệnh đạo ôn lá, rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ và bệnh cháy bìa lá trên lúa, vì hiện nay thời tiết nắng nóng, ẩm độ cao, có mưa lớn là điều kiện thích hợp cho các đối tượng sinh vật gây hại phát triển.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, vụ HT 2023, nông dân xuống giống sớm và có sự tập trung. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng và El Nino nên có khoảng 6.000ha lúa tại các huyện phía Nam thiếu nước sản xuất, phải xuống giống muộn. Nhìn chung, đến nay, các trà lúa phát triển tốt, trong đó, có một số diện tích lúa HT tại huyện Tân Hưng đã thu hoạch với năng suất trên 7 tấn/ha tăng hơn so với vụ HT 2022. Đây là tín hiệu đáng mừng trong điều kiện thời tiết còn diễn biến phức tạp. Dự báo vụ HT này, các loại lúa tiếp tục có giá cao, nông dân sẽ gặt hái được nhiều thắng lợi. Tuy nhiên, nông cần tiếp tục chăm sóc, thăm đồng thường xuyên để kịp thời xử lý khi có sinh vật gây hại; đồng thời, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác. Riêng 6.000ha lúa ở các huyện phía Nam, nông dân cần phải xuống giống ngay để né mặn trong vụ Đông Xuân 2023-2024”./.

Minh Thư

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tich-cuc-tham-dong-phong-chong-sinh-vat-gay-hai-a157654.html