Tích cực tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Triển khai thực hiện kế hoạch số 13/KH-UBND ngày 19/1/2023 của UBND tỉnh, các đơn vị, địa phương đang tích cực tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo trung thực, khách quan và đúng tiến độ.

Quang cảnh khu trung tâm thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư. Ảnh: Anh Tuấn

Tại xã Yên Lâm, huyện Yên Mô những ngày này, Ủy ban MTTQ phối hợp với UBND xã đang triển khai lấy ý kiến các khu dân cư, HTX và doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng chí Nguyễn Đức Thận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Yên Lâm cho biết: Thực hiện Kế hoạch lấy ý kiến nhân dân của tỉnh, của huyện, Ủy ban MTTQ xã đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đại biểu dự hội nghị gồm Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND, các ngành, đoàn thể, thành viên MTTQ, ban giám sát cộng đồng, người có uy tín trong cộng đồng khu dân cư. Ngay sau đó, Ủy ban MTTQ xã, UBND xã phối hợp với Ban Công tác Mặt trận thôn tổ chức các hội nghị lấy ý kiến tại khu dân cư, các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn.

Đến nay, xã Yên Lâm có 10/10 thôn xóm, 2 HTX và 2 doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức hội nghị lấy ý kiến với hàng trăm đại biểu dự, đóng góp ý kiến sôi nổi, liên quan các nội dung lớn như: quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; hộ gia đình sử dụng đất; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai... Trong đó, sôi nổi nhất vẫn là phần thảo luận liên quan đến việc thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư vì trên địa bàn xã có một số dự án cần thu hồi đất đang và sắp triển khai trong thời gian tới. Đa số đại biểu cho rằng, theo quy định hiện hành, giá bồi thường khi thu hồi đất thấp so với giá thị trường dẫn đến khiếu kiện, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình, dự án. Đại biểu cũng thống nhất đề nghị các công trình, dự án (không thuộc Nhà nước đầu tư xây dựng) thì việc áp giá đền bù thu hồi đất phải do các công ty, doanh nghiệp thỏa thuận với người dân để bảo đảm giá đất sát với giá thị trường, tránh việc khiếu kiện và giảm áp lực giải quyết tranh chấp của chính quyền các cấp và Tòa án nhân dân nơi có đất tranh chấp, khiếu kiện. Ủy ban MTTQ xã và UBND xã đang tổng hợp ý kiến đảm bảo trung thực, khách quan và gửi báo cáo lên cấp huyện.

Xã Ninh Giang (huyện Hoa Lư) đã nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch số 13 của UBND tỉnh và là một trong những địa phương hoàn thành lấy ý kiến sớm nhất của huyện Hoa Lư. Đồng chí Lê Thị Thuận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã cho biết: UBND xã chỉ đạo Đài truyền thanh hàng ngày tuyên truyền Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên hệ thống loa truyền thanh và tuyên truyền phổ biến tại các hội nghị để nhân dân biết và tích cực tham gia góp ý. Cùng với đó, tổ chức hội nghị để triển khai kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), hướng dẫn phương pháp và chỉ đạo 8/8 Ban Công tác Mặt trận các thôn tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn xã tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đến nay, công tác lấy ý kiến nhân dân đã hoàn thành, đảm bảo tiến độ và chất lượng, tránh hình thức. Trên địa bàn xã đã tổ chức 9 hội nghị, trong đó 8 hội nghị tại thôn và 1 hội nghị mở rộng tại xã theo đúng thành phần tham dự như kế hoạch của Ủy ban MTTQ huyện. Các hội nghị lấy ý kiến nhân dân đã nhận được 28 lượt ý kiến đóng góp, thể hiện sự tâm huyết và trách nhiệm của cán bộ, nhân dân xã đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này. Theo đó, nhân dân được lấy ý kiến đánh giá Dự thảo Luật ngắn gọn đầy đủ, bao gồm các quyền, trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể; bố cục của Dự thảo Luật đã tinh gọn hơn, đã bổ sung một số điều mới phù hợp với bối cảnh hiện nay và định hướng trong tương lai. Các ý kiến góp ý bổ sung, sửa đổi tập trung vào các nội dung: Giá đất bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chấp hành quyết định thu…

Theo báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan phụ trách công tác triển khai lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thực hiện Kế hoạch số 13/KH-UBND ngày 19/1/2023 của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch và chủ động triển khai thực hiện đảm bảo đúng tiến độ. Đến nay, UBND các huyện, thành phố đã tổ chức các hội nghị họp để lấy ý kiến gồm đại diện Thường trực HĐND huyện, lãnh đạo UBND cấp huyện, Ban Dân vận Huyện ủy/Thành ủy, lãnh đạo các phòng, đơn vị có liên quan thuộc UBND cấp huyện, các Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các xã, thị trấn. Đồng thời UBND cấp xã phối hợp với MTTQ xã triển khai đến các thôn/xóm để xin ý kiến nhân dân. Các sở, ngành có liên quan được phân công nhiệm vụ đã chủ động triển khai xây dựng Kế hoạch và thực hiện lấy ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Ông Lê Hùng Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Việc triển khai lấy ý kiến nhân dân góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 671/NQUBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ, đồng thời huy động trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước. Trong đó, tập trung vào các vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được tổ chức từ ngày 15/1 đến hết ngày 15/3/2023.

Như vậy, thời gian không còn nhiều, đề nghị các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ lấy ý kiến nhân dân đảm bảo công khai, trung thực, khách quan và tổng hợp báo cáo gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh.

Hồng Giang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tich-cuc-to-chuc-lay-y-kien-dong-gop-vao-du-thao-luat-dat/d20230307081725818.htm