Tích hợp công nghệ để cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Những năm qua, ngành hải quan luôn cải cách, phát triển và hiện đại hóa trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) một cách sâu, rộng trong mọi lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ. Qua đó, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ tạo thuận lợi thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cho doanh nghiệp…

Một trong những ứng dụng CNTT có tính chất đột phá của ngành hải quan là việc triển khai Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS vào năm 2014, mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhất là tạo thuận lợi trong khai báo, thông quan hàng hóa, giúp giảm thời gian, chi phí cho DN… Qua đó cơ quan hải quan cũng hoàn thành mục tiêu xây dựng một hệ thống CNTT tập trung. Bởi trước đây, hệ thống CNTT nằm rải rác ở các cục hải quan địa phương, khiến công tác quản lý, triển khai ứng dụng CNTT một cách thống nhất trong toàn ngành gặp khó khăn.

Đến nay, ngành hải quan đã “phủ sóng” VNACCS/VCIS tại toàn bộ chi cục hải quan trong cả nước, gần như tất cả tờ khai và kim ngạch xuất, nhập khẩu đều được thực hiện qua hệ thống này. Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, từ khi có nền tảng về tập trung dữ liệu thông qua Hệ thống VNACCS/VCIS, việc tích hợp công nghệ để cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan tiếp tục chuyển động không ngừng. Đó là việc áp dụng mã vạch trong giám sát hải quan, phối hợp thu, nộp thuế với ngân hàng thương mại qua phương thức điện tử 24/7, thực hiện tiếp nhận bản khai hàng hóa, các chứng từ khác liên quan và thông quan điện tử đối với tàu biển xuất, nhập cảnh (e-manifets)...

Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển (VASSCM) được triển khai chính thức tại Hải Phòng từ ngày 1-12-2017, tiếp tục là đột phá về ứng dụng CNTT của ngành hải quan kể từ sau khi thực hiện VNACCS/VCIS. Với VASSCM, cơ quan hải quan kết nối tự động với Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) để khai thác giúp sử dụng nguồn thông tin e-manifets, Hệ thống VNACCS/VCIS, E-Customs…phục vụ hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Đồng thời, lợi ích đối với DN là được VASSCM cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình trạng cấp phép thông quan (từ cơ quan hải quan) với từng lô hàng, từng công-ten-nơ để giảm rủi ro trong thực hiện thủ tục giao, nhận hàng so với thực hiện bằng chứng từ giấy. Hơn nữa, có thể thực hiện chế độ quản lý, thống kê, lưu giữ chứng từ giao nhận hàng hóa bảo đảm nhanh chóng, chính xác, khoa học và minh bạch; nâng cao uy tín, tăng khả năng tiếp nhận, khai thác hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh.

Việc tích hợp công nghệ của ngành hải quan còn thể hiện rất rõ trong thực hiện NSW và ASW (Cơ chế một cửa ASEAN). Tổng cục Hải quan đã nỗ lực phối hợp các bộ, ngành liên quan để đưa Việt Nam trở thành một trong bốn quốc gia đầu tiên của khu vực kết nối ASW (gồm: Việt Nam, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Thái-lan) vào tháng 9-2015. Đáng chú ý, NSW đã kết nối được 11 bộ, ngành với 130 thủ tục được đưa lên NSW, xử lý được hơn 1,66 triệu bộ hồ sơ hành chính và hơn 25,3 nghìn DN tham gia. Thông qua ASW, Việt Nam đang tiếp tục triển khai trao đổi chính thức Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D (C/O form D) với các nước In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po và Thái-lan, đồng thời, tham gia trao đổi thử nghiệm C/O form D với ba nước Bru-nây, Cam-pu-chia, Phi-li-pin. Tính đến ngày 15-11-2018, Việt Nam nhận từ bốn nước ASEAN là 50.435 C/O, Việt Nam gửi sang các nước là 85.831 C/O. Thời gian tới, theo kế hoạch sẽ triển khai kết nối kỹ thuật thử nghiệm trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN, chứng nhận kiểm dịch thực vật (ePhyto), chứng nhận kiểm dịch động vật (e-AH)...

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, việc thực hiện ASW đã giúp “xóa nhòa ranh giới” về mặt địa lý đơn thuần giữa các quốc gia, trong khi thực hiện NSW giúp từng bước loại bỏ quan niệm “cát cứ” trong công tác quản lý của mỗi bộ, ngành để cùng chung tay vì một mục tiêu, một chủ trương chung là xây dựng Chính phủ kiến tạo, đồng hành vì sự phát triển của người dân, DN.

Những năm tới, mục tiêu quan trọng, cụ thể được Chính phủ, Bộ Tài chính đặt ra đối với ngành hải quan là tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thực hiện thủ tục hải quan, hướng đến môi trường hải quan điện tử được thực hiện “mọi nơi - mọi lúc - mọi phương tiện”, không sử dụng văn bản giấy. Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ in-tơ-nét kết nối vạn vật (IoT), phân tích dữ liệu lớn (Big data), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi kết nối (Blockchain)… trong quản lý nhà nước về hải quan. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng các trang thiết bị công nghệ hiện đại trong công tác kiểm tra, giám sát tại các địa bàn trọng điểm để phòng, chống buôn lậu đạt hiệu quả cao.

VĨNH KHANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/congnghe/thong-tin-so/item/38589702-tich-hop-cong-nghe-de-cai-cach-don-gian-hoa-thu-tuc-hanh-chinh.html