'Tích hợp liên môn' phù hợp với học online

Không thể áp dụng khung thời khóa biểu khi học sinh đi học với thời gian nghỉ ở nhà do dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, một số trường học ở Hà Nội sáng tạo với thời khóa biểu online.

Háo hức với thử thách cô giao

Đến thời điểm này, việc học online là giải pháp tối ưu nhất đối với học sinh và thầy cô giáo. “Vậy làm thế nào để học online hiệu quả?” luôn là những trăn trở của những người đứng đầu nhà trường, giáo viên, phụ huynh. Cùng chung câu hỏi ấy, cho đến nay, những “games” hay “cuộc thi” với tiêu đề khá gần gũi với học sinh Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu đưa ra đã nhận được “quả ngọt”.

Thử thách cô giao của học sinh Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu. Ảnh:NS

Thử thách cô giao của học sinh Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu. Ảnh:NS

"Mỗi tuần một thử thách - Bí kíp ở nhà không chán”; Thử thách cô giao “Làm điều gì đó giúp ích những người xung quanh”; Cuộc thi “Giới thiệu cuốn sách em yêu”… đã quá thân thuộc với học sinh Nguyễn Siêu trong những tuần gần đây.

Những thử thách đó được học sinh nhà trường cụ thể hóa như là việc nấu một món ăn cùng với gia đình; pha một cốc cà phê trứng sao cho “đúng điệu”; sáng chế ra một sản phẩm có sự lan tỏa đến cộng đồng. Đó là sáng tạo của một học sinh lớp 7 cùng gia đình làm 95 chiếc mặt nạ lá chắn gửi tặng các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; hay một bài văn giới thiệu về cuốn sách em yêu…

Học sinh tham gia vào dự án này làm các công việc từ xây dựng ý tưởng, tự chuẩn bị nguyên liệu, thực hành và tự trình bày, thuyết minh trên clip hoặc gửi ảnh tới các thầy, cô.

Một số giáo viên đã chia sẻ sự ngạc nhiên, xúc động khi nhìn những sản phẩm của học trò rằng: “Cô đã quá nhiều lần phải thốt lên “WOW” khi nhận ảnh từ các con. Những món ăn xinh xắn, hấp dẫn lần lượt được gửi đến. Không chỉ vậy, điều làm cô thấy ấm áp hơn cả là sự vào cuộc của cả ông bà cha mẹ, hóa ra COVID-19 ngoài việc làm người ta lo sợ lại làm cho mọi người gần gũi nhau hơn, trân trọng những khoảnh khắc trong gia đình”.

Tại trường Tiểu học và THCS Ngôi sao Hà Nội lại khuyến khích các học sinh tham gia các dự án học tập. Cô Trần Thị Thanh Vân, Phó hiệu trưởng phụ trách khối tiểu học cho biết: “Các thử thách học sinh thực hiện chủ yếu là rèn luyện về kỹ năng như nấu món ăn, dự án làm giá đỗ; thử thách đọc sách; giáo viên thể dục biên soạn bài nhảy về COVID-19 để học sinh nhảy tại nhà… Mới đây học sinh khối 5 tham gia tham gia vào một dự án với chủ đề “Học địa lí trực tuyến cùng giáo viên nước ngoài”. Dự án đã nhận được sự phản hồi tích cực của học sinh, phụ huynh về sự hấp dẫn cũng như lượng kiến thức”.

“Học địa lí trực tuyến cùng giáo viên nước ngoài” của trường Tiểu học và THCS Ngôi sao Hà Nội tạo sự hấp dẫn cho học sinh. Ảnh: NSHN

Cô Trần Thị Thanh Vân cho biết: Dự án “Học Địa lí trực tuyến cùng giáo viên nước ngoài” cho các em học sinh trải nghiệm một chuyến du lịch qua nhiều vùng miền ở châu Âu bằng lời kể của các thầy cô giáo bản xứ - những người trực tiếp sinh sống và làm việc tại đó. Ngược lại, học sinh bằng những chuẩn bị từ trước trở thành những “đại sứ văn hóa tí hon” giới thiệu nét đẹp đất nước, con người Việt Nam. Để có được tiết học này từ phí nhà trường, giáo viên, học sinh đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước đó.

Cần linh hoạt

Cô Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng trường THCS&THPT Nguyễn Siêu cho biết: Những sản phẩm của các em tham gia các dự án này đều được quy ra điểm khuyến khích, tất nhiên đây không phải là điểm bài thi cuối cùng.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, cô Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đây chính là giai đoạn cần nhất cho việc vận dụng những kiến thức trong sách giáo khoa đã học vào dạy học tích hợp liên môn. Các thầy cô liên kết lại dạy bài học về cuộc sống, sử dụng kiến thức để học sinh được khám phá. Ví dụ như dịp 3/3 (âm lịch) vừa qua, với chủ đề “Bánh trôi nước” là phần tích hợp giữa môn Ngữ văn, Lịch sử, bộ môn Công nghệ, Sinh học, Hóa học.

Cô Nguyễn Thị Minh Thúy cho rằng đã đến lúc chúng ta không chỉ đơn giản dạy kiến thức mà dạy kỹ năng và cách thể hiện kỹ năng qua những tình huống thực tiễn. Tinh thần này rất giống với tinh thần trường học mới mà ngành giáo dục đang thực hiện.

“Hiện nay, tôi thấy học sinh đi học quá tải nhưng học ở nhà cũng áp dụng nguyên thời khóa biểu như trên lớp thì quá tải. Học sinh không còn sân chơi thoải mái như ở trường, tương tác hạn chế, đường truyền internet không ổn định, các em tiếp xúc nhiều quá với máy tính… Với những hạn chế đố, chúng tôi phải tìm giải pháp và chỉ đạo công tác dạy và học. Đối với những môn nào hướng tới kỳ thi thì “học ra học”, những môn nào có thể dạy ứng dụng thì cần tích hợp liên môn. Chúng tôi phải chọn được môn, mảng kiến thức để tích hợp phù hợp với giai đoạn này”, cô Nguyễn Thị Minh Thúy nói.

Thực tế, để tương tác với học sinh một cách hiệu quả qua hình thức online là một thử thách với chính các nhà trường, giáo viên khi việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học còn "bỡ ngỡ" như hiện nay. Nếu dịch còn kéo dài, việc tổ chức thành các dự án học tập là một gợi ý khi các trường đang còn loay hoay với học online.

Lê Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/giao-duc/tich-hop-lien-mon-phu-hop-voi-hoc-online-20200407171336242.htm