Tích lũy 'hàng đống tiền mặt', pháo đài kinh tế Nga vẫn vững như bàn thạch hay gánh hậu quả thảm khốc trước trừng phạt từ phương Tây?

Đã có những nhận định khác nhau về tương lai của nền kinh tế Nga khi đối mặt với các lệnh trừng phạt chưa từng có từ phương Tây. Túi tiền của nước này có tiếp tục đầy hay Nga sẽ phải đối mặt với áp lực kinh tế lớn?

Nền kinh tế Nga đã vượt qua các lệnh trừng phạt kinh tế chưa từng có của phương Tây tốt hơn nhiều so với dự kiến. (Nguồn: Aebrus)

Nền kinh tế Nga đã vượt qua các lệnh trừng phạt kinh tế chưa từng có của phương Tây tốt hơn nhiều so với dự kiến. (Nguồn: Aebrus)

Trừng phạt chưa đạt mục đích

Theo phân tích của Fortune, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã tấn công các ngân hàng, cá nhân giàu có và nhập khẩu công nghệ của Nga. Nhưng sau một năm áp dụng các biện pháp hạn chế sâu rộng nhằm làm suy giảm thu nhập của Điện Kremlin, đời sống của người dân Nga dường như không khác mấy so với trước khi nước này tiến hành cuộc xung đột ở Ukraine (tháng 2/2022).

Không có thất nghiệp hàng loạt, không có đồng nội tệ lao dốc, không có hàng dài người dân đứng đợi trước cửa các ngân hàng phá sản. Tại các siêu thị, vẫn đầy đủ các loại hàng hóa, những thương hiệu quốc tế vẫn có sẵn hoặc được thay thế bằng các sản phẩm địa phương.

Tại các trung tâm mua sắm ở Moscow, có thể bớt tấp nập hơn, nhưng sự thay đổi không đáng kể. Một số công ty nước ngoài như McDonald’s và Starbucks đã được các chủ sở hữu địa phương tiếp quản và họ đặt cho cửa hàng những cái tên khác nhau nhưng vẫn bán hàng theo thực đơn cũ.

Vladimir Zharov, 53 tuổi, làm việc trong lĩnh vực truyền hình, cho biết: “Về mặt kinh tế, không có gì thay đổi. Tôi làm việc như trước đây, tôi đi mua sắm như trước đây. Có thể giá cả đã tăng lên một chút, nhưng không đến mức đáng chú ý”.

Nền kinh tế Nga đã vượt qua các lệnh trừng phạt kinh tế chưa từng có của phương Tây tốt hơn nhiều so với dự kiến. Nhưng với những lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ nhằm thắt chặt nguồn thu nhập chính của Điện Kremlin, những tháng tới sẽ là một bài kiểm tra khó khăn hơn đối với “pháo đài kinh tế” của Tổng thống Vladimir Putin.

Các nhà kinh tế cho rằng, các biện pháp trừng phạt đối với nhiên liệu hóa thạch của Nga, chẳng hạn như giá trần đối với dầu thô và dầu tinh chế, chỉ mới bắt đầu có hiệu lực. Một số nhà phân tích dự đoán, các dấu hiệu nghiêm trọng hơn, ví dụ như tình hình tài chính căng thẳng hoặc đồng tiền mất giá, có thể xuất hiện trong những tháng tới.

Trong khi đó, nhiều nhà kinh tế khác nhận định rằng, Điện Kremlin có lượng tiền dự trữ lớn chưa bị trừng phạt, trong khi các mối liên kết với các đối tác thương mại mới ở châu Á đã nhanh chóng hình thành. Theo họ, Nga không có khả năng cạn kiệt tiền trong năm nay mà thay vào đó sẽ phải đối mặt với nền kinh tế trượt dốc nhưng "với tốc độ chậm chạp" trong nhiều năm tới.

Chris Weafer, Giám đốc điều hành và nhà phân tích kinh tế Nga tại công ty tư vấn Macro-Advisory, cho biết: “Moscow sẽ có đủ tiền trong bất kỳ kịch bản nào”.

Ông nói: “Nga sẽ tiếp tục có nguồn thu nhập từ dầu mỏ, ngay cả với giá thấp hơn. Vì vậy, "không có áp lực kinh tế nào đối với Điện Kremlin".

Hàng hóa vẫn sẵn có

Khi nền kinh tế chao đảo giữa các biện pháp trừng phạt và khả năng phục hồi, hằng ngày, người Nga vẫn có thể mua các mặt hàng họ cần.

Apple đã ngừng bán sản phẩm ở Nga, nhưng Wildberries, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất của đất nước, cung cấp iPhone 14 với mức giá tương đương với ở châu Âu, trong khi nhà bán lẻ trực tuyến Svaznoy bán Apple AirPods Pro.

Đồ nội thất và hàng gia dụng còn lại sau khi hãng IKEA rời khỏi Nga đang được bán tháo trên trang web Yandex. Cà phê Nespresso không được bán sau khi Nestle có trụ sở tại Thụy Sỹ ngừng hoạt động ở Nga, nhưng vẫn có hàng tương tự thay thế.

Nhãn trên lon bia Budweiser và Leffe được bán ở Moscow cho thấy chúng được sản xuất bởi đối tác địa phương của ABInBev - mặc dù công ty đã bán bớt cổ phần trong liên doanh ở Nga. Coke đóng chai ở Ba Lan vẫn có sẵn, “cola” địa phương cũng vậy.

Rõ ràng, hàng hóa đang lách lệnh trừng phạt thông qua nhập khẩu từ các nước thứ ba không trừng phạt Moscow. Ví dụ, xuất khẩu của Armenia sang Nga đã tăng 49% trong nửa đầu năm 2022. Điện thoại thông minh và hàng hóa Trung Quốc ngày càng có sẵn tại Nga.

Ngành công nghiệp ô tô đang phải đối mặt với những rào cản lớn hơn để thích nghi. Các nhà sản xuất ô tô phương Tây, bao gồm Renault, Volkswagen và Mercedes-Benz, đã ngừng sản xuất, với doanh số bán hàng giảm 63% và các công ty địa phương tiếp quản một số nhà máy cũng như đấu thầu các nhà máy khác.

Andrei Olkhovsky, Giám đốc điều hành của Avtodom, công ty có 36 đại lý ở Moscow, St. Petersburg và Krasnodar, cho biết, ô tô nước ngoài vẫn có sẵn nhưng ít hơn nhiều và giá cao hơn.

Ông nói: “Các lô hàng của thương hiệu Porsche, cũng như của các nhà sản xuất khác, không thể thực hiện được thông qua các kênh nhập khẩu chính thức. Những chiếc ô tô được chào bán rải rác trên thị trường đều được nhập khẩu bởi từng cá nhân hoặc thông qua các quốc gia thân thiện bằng các kênh chính thức”.

Theo dữ liệu của Trường Kinh tế Kiev, ngoài 191 công ty nước ngoài đã rời khỏi Nga và 1.169 công ty đang thúc đẩy các thủ tục để theo chân, thì có khoảng 1.223 công ty đang ở lại và 496 doanh nghiệp đang thực hiện phương pháp chờ đợi và “xem xét”.

Người dân mua sắm tại một siêu thị thuộc chuỗi cửa hàng Auchan của Pháp ở Omsk, Nga. (Nguồn: Zuma Press)

Trong khi đó, người dân Moscow cho rằng, tác động của các biện pháp trừng phạt không đáng kể.

Ông Alexander Yeryomenko, 63 tuổi, một người về hưu nói: “Có lẽ nó chưa ảnh hưởng đến tôi”. Còn Dmitry, một người đàn ông 33 tuổi, cho biết, chỉ có nhãn hiệu quần áo là thay đổi.

Ông nói: “Chúng tôi đã từng trải qua những giai đoạn thậm chí còn tồi tệ hơn trong lịch sử và chúng tôi đã đối phó được. Chúng tôi cần phát triển ngành sản xuất của chính mình và không phụ thuộc vào nhập khẩu”.

Ngân khố vẫn tăng

Một lý do lớn cho khả năng phục hồi của Nga chính là thu nhập từ nhiên liệu hóa thạch cao kỷ lục 325 tỷ USD vào năm 2022 khi giá cả tăng vọt. Năm ngoái, nền kinh tế này cũng có thặng dư thương mại kỷ lục với các thị trường quốc gia khác. Điều đó đã giúp củng cố đồng Ruble và trang trải các khoản chi tiêu của chính phủ.

Điện Kremlin đã thực hiện các bước đi nhằm chống lại các lệnh trừng phạt sau khi sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Các công ty bắt đầu tìm nguồn cung ứng hàng hóa trong nước và chính phủ đã tích lũy được “hàng đống tiền mặt” từ việc bán dầu và khí đốt tự nhiên.

Những biện pháp trên đã giúp làm giảm dự đoán về việc GDP Nga sẽ giảm tăng trưởng 11-15%. Theo Cơ quan thống kê Nga, năm 2022, nền kinh tế này chỉ giảm 2,1%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán Nga tăng trưởng 0,3% trong năm nay - không lớn, nhưng hầu như không thảm khốc.

Tuy nhiên, sự thay đổi lớn có thể đến từ các hình phạt năng lượng mới. Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã tránh các biện pháp trừng phạt trên diện rộng đối với dầu mỏ của Nga vì sợ đẩy giá năng lượng lên cao hơn và thúc đẩy lạm phát.

Giải pháp là áp dụng mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu của nước này hướng đến các thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, có hiệu lực vào tháng 12/2022. Sau đó là mức trần tương tự và lệnh cấm vận của châu Âu đối với dầu diesel và các sản phẩm dầu tinh chế khác của Moscow được áp dụng từ ngày 5/2/2023.

Đã có những ước tính khác nhau về mức độ ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt trên. Các chuyên gia tại Trường Kinh tế Kiev cho biết, nền kinh tế Nga sẽ đối mặt với một “bước ngoặt” trong năm nay khi doanh thu từ dầu khí giảm 50% và thặng dư thương mại giảm xuống 80 tỷ USD từ mức 257 tỷ USD năm ngoái.

Họ nói rằng điều đó đã xảy ra, bởi dữ liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế cho thấy, doanh thu từ thuế dầu mỏ đã giảm 48% trong tháng 1 so với một năm trước đó.

Trong khi đó, các nhà kinh tế khác hoài nghi về một điểm đột phá trong năm nay.

Janis Kluge, chuyên gia kinh tế Nga tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế và an ninh của Đức, cho biết, Moscow có khả năng vượt qua ngay cả khi doanh thu từ dầu giảm trong ngắn hạn.

Ông nói, ngay cả việc cắt giảm 1/3 doanh thu từ dầu mỏ của Nga “sẽ là một tác động nghiêm trọng đến GDP, nhưng nó sẽ không làm nhà nước phá sản và không dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế”. Theo ông, nền kinh tế Nga sẽ “có sự thay đổi dần dần”.

Nhà nghiên cứu Đức cho biết, tác động thực sự sẽ là lâu dài. Việc mất công nghệ phương Tây như chip máy tính tiên tiến đồng nghĩa với việc nền kinh tế bị mắc kẹt trong tình trạng chậm phát triển.

(theo Fortune)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tich-luy-hang-dong-tien-mat-phao-dai-kinh-te-nga-van-vung-nhu-ban-thach-hay-ganh-hau-qua-tham-khoc-truoc-trung-phat-tu-phuong-tay-219741.html