Tiệc Cannes 2018: Dấu ấn Châu Á và niềm tự hào mang tên Việt Nam

Cannes 2018 đã chính thức khai mạc sớm hơn một tuần so với các năm trước, thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà làm phim, các diễn viên, các nhà phê bình và những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh từ khắp nơi trên thế giới.

Liên hoan phim Cannes 2018 đề cao nữ quyền

Năm nay, Cate Blanchet là Chủ tịch Ban giám khảo LHP Cannes. Đây là vinh dự lớn đối với nữ diễn viên người Australia này. Đồng hành cùng cô là Kristen Stewart, diễn viên Lea Seydoux, tài tử Trương Chấn, đạo diễn Denis Villeneuve, đạo diễn Robert Guediguian, ca sĩ Khadja Ni, đạo diễn Andrey Zvyogintsev và Ava DuVernay.

Liên hoan phim năm nay được tổ chức với rất nhiều điểm nhấn, từ chất trẻ trung và "nữ tính" trong thành phần Ban giám khảo cho tới cuộc hội ngộ của những tài năng điện ảnh châu Á - tất cả đang thổi một luồng sinh khí mới vào sự kiện điện ảnh 71 tuổi này.

Diễn ra từ ngày 9-5 đến hết ngày 19-5, Liên hoan phim Cannes 2018 có tổng cộng 21 tác phẩm tranh giải Cành cọ Vàng - giải thưởng cao quý nhất của sự kiện điện ảnh này. Theo đánh giá của giới chuyên môn, năm nay châu Á có sự bứt phá với 6 tác phẩm dự tranh được đánh giá cao.

Năm nay, vấn đề bất bình đẳng giới - chủ đề vốn được bàn luận nhiều tại các kỳ Liên hoan phim trước - dường như cũng đã được giải quyết khá triệt để khi có tới 3 đạo diễn nữ có phim dự tranh Cành cọ Vàng. Thành phần Ban giám khảo cũng lần đầu tiên chứng kiến một sự đột biến, 5/9 người là phụ nữ. Giữ ghế Chủ tịch là Cate Blanchett - nữ diễn viên đã từng sở hữu 2 tượng vàng Oscar.

Diễn viên Gaspard Ulliel và diễn viên Trần Lãng Khê trong bộ phim “Nơi tận cùng thế giới”.

Theo Giám đốc Liên hoan phim Cannes Thierry Fremaux, năm nay sẽ có khoảng 100 phụ nữ bước lên thảm đỏ Liên hoan phim diễn ra vào ngày 12-5 để khẳng định nữ quyền. Liên hoan phim năm nay cũng thiết lập đường dây nóng dành cho các nạn nhân bị lạm dụng tình dục và cả dịch vụ chăm sóc trẻ cho các bà mẹ. Giám đốc Fremaux khẳng định đây không chỉ là những thay đổi diễn ra ở riêng Liên hoan phim Cannes mà còn là xu hướng trên toàn thế giới. Năm nay cũng là năm đầu tiên điện ảnh Palestine tham gia vào Liên hoan phim danh giá này.

Những tác phẩm nổi bật trước thềm Liên hoan phim Cannes 2018

Năm nay có 21 phim tranh giải Cành cọ Vàng, 18 phim tham gia mục Un Certain Regard (Nhãn quan độc đáo) và 9 phim chiếu nhưng không tranh giải (Out of Competition). Trước ngày khai mạc, các cây bút của Indiewire chọn ra một số tác phẩm được trông đợi nhất ở sự kiện.

"BlackKklansman" của đạo diễn Spike Lee

Đạo diễn "BlackKklansman" là Spike Lee - nhà làm phim nổi tiếng người Mỹ chuyên khai thác các đề tài liên quan đến sắc tộc. Tác phẩm mang màu sắc châm biếm, thể hiện một chân dung rất khác của nước Mỹ.

"Burning" của đạo diễn Lee Chang Dong

Sự kết hợp của Haruki Murakami - tác giả Nhật lừng danh - và Lee Chang Dong - đạo diễn bậc thầy Hàn Quốc - khiến giới chuyên môn trông đợi. Được dựa trên truyện ngắn "Barn Burning" của Murakami, phim xoay quanh cuộc gặp gỡ giữa hai người đàn ông và một phụ nữ trẻ, có liên quan đến một sự việc bí ẩn.

"Cold War" của đạo diễn Pawe Pawlikowski

Dù mang tên "Cold War" (Chiến tranh lạnh), phim mới của Pawe Pawlikowski không khai thác cuộc đấu tranh của các cường quốc mà chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ người Ba Lan trong giai đoạn này.

"Cold War" xoay quanh tình yêu của một đôi nam nữ có lối sống khác biệt, diễn ra ở hậu trường những buổi diễn của nhóm Mazowsze - một đội trình diễn văn hóa dân gian Ba Lan do chính phủ thành lập sau Thế chiến thứ hai.

"Girls of the Sun" của đạo diễn Eva Husson

Năm 2015, đạo diễn nữ Eva Husson gây sốc ở Liên hoan phim Toronto (Canada) với phim Bang Gang (A Modern Love Story), có tình tiết một thiếu niên tổ chức các buổi tiệc tình dục. Đến với liên hoan năm nay, nhà làm phim sinh năm 1977 chọn đề tài gai góc trong phim mới.

"The Image Book" của đạo diễn Jean-Luc Godard

Trong các đạo diễn có phim ở Cannes năm nay, Godard là huyền thoại sống của điện ảnh thế giới, thường xuyên nằm trong danh sách các nhà làm phim vĩ đại nhất lịch sử do các tạp chí bầu chọn. Ông sinh năm 1930, là người tiên phong của phong trào Làn Sóng Mới (bắt nguồn từ thập niên 1960, ủng hộ cách làm phim độc đáo, đậm chất tác giả, chỉ trích kiểu phim sản xuất hàng loạt).

Ngoài việc làm phim, Jean-Luc Godard còn là nhà lý luận điện ảnh với nhiều công trình có giá trị.

"Happy as Lazzaro" của đạo diễn Alice Rohrwacher

Sau phim "The Wonders" giành giải Grand Prix tại Cannes năm 2014, Alice Rohrwacher quay lại sự kiện với tác phẩm "Happy Lazzaro". Bộ phim đánh dấu bước chuyển của nhà làm phim Italy - vốn nổi tiếng với các phim về tuổi dậy thì - sang các đề tài lớn hơn.

"Shoplifters" của đạo diễn Hirokazu Kore-eda

Hirokazu Kore-eda sinh năm 1962, là một trong các đại diện ưu tú nhất của điện ảnh Nhật đương đại. Ông thường xuyên có phim tranh giải ở Cannes và đoạt giải của ban giám khảo (Jury Prize) năm 2013 với "Like Father, Like Son". Mọi chuyện trở nên phức tạp khi Osamu nhận nuôi một bé gái bị vứt bỏ.

Ngoài ra phim "Under the Silver Lake" của đạo diễn David Robert Mitchell

Phim "Yomeddine" của đạo diễn Abu Bakr Shawky và "3 Faces" của đạo diễn Jafar Panahi đều là những bộ phim được đánh giá cao ở liên hoan năm nay

Dấu ấn điện ảnh châu Á tại liên hoan phim Cannes 2018

Năm 2018, điện ảnh châu Á dành kỷ lục khi có tới 6 bộ phim lọt vào tranh tài. Đó là: "Ash Is Purest White" (đạo diễn Giả Chương Kha, Trung Quốc), "Burning" (Lee Chang Dong, Hàn Quốc), "Asako I & II" (Rysuke Hamaguchi, Nhật) và "Shoplifters" (Hirokazu Kore-eda, Nhật). Đạo diễn nổi tiếng người Iran - Asghar Farhadi - cũng tranh giải với "Everybody Knows" nhưng phim này do đơn vị Tây Ban Nha sản xuất, và bộ phim "Gương mặt thiên thần" do diễn viên Lý Nhã Kỳ đầu tư hợp tác.

Bộ phim "Ash Is Purest White" là dự án có kinh phí lớn nhất của Giả Chương Kha - nhà làm phim thuộc thế hệ thứ sáu của Trung Quốc (lứa sau Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca...). Tác phẩm lấy bối cảnh một thành phố công nghiệp ở Trung Quốc nơi người dân sống nghèo khó, kể về chuyện tình giữa một vũ công và tên trùm băng đảng.

Bộ phim "Burning" được chuyển thể từ truyện ngắn "Barn Burning" của Haruki Murakami, xoay quanh cuộc gặp gỡ giữa hai người đàn ông và một phụ nữ trẻ, có liên quan đến một sự việc bí ẩn. Bộ phim "Shoplifters" kể về một gia đình chuyên hành nghề ăn trộm vừa nhận một đứa trẻ mồ côi.

Giả Chương Kha, Lee Chang Dong và Hirokazu Kore-eda đều từng tham gia Cannes, còn Rysuke Hamaguchi lần đầu tranh giải. Nhà làm phim sinh năm 1978 mang đến tác phẩm có tên lạ "Asako I & II", kể chuyện một cô gái tình cờ gặp một người giống hệt người yêu quá cố của mình.

Và niềm tự hào mang tên Việt Nam ở Cannes

Tại LHP Cannes 2018 có sự góp mặt của 3 bộ phim có yếu tố Việt Nam. Bộ phim "Gương mặt thiên thần" do diễn viên Lý Nhã Kỳ đầu tư và hợp tác sản xuất tranh giải Nhãn quan độc đáo - giải thưởng quan trọng thứ 2 sau giải Cành cọ Vàng. Bộ phim nói tiếng Pháp này có sự tham gia diễn xuất của "bông hồng nước Pháp" Marion Cotillard.

Ngoài ra, Ban tổ chức LHP Cannes 2018 cũng lựa chọn phim "Tàn tro rực rỡ" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên là một trong 15 dự án thuộc khuôn khổ chương trình The Atelier.

Tác phẩm thứ 3 tham gia tranh giải mang yếu tố Việt Nam là "Nơi tận cùng thế giới" với sự tham gia của nữ diễn viên Trần Lãng Khê (con gái của đạo diễn Trần Anh Hùng) - trong vai nữ chính. Đây là câu chuyện về tình yêu giữa một người lính Pháp và cô gái Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp được quay tại Việt Nam năm 2017. Bộ phim khai thác về tâm lý nhiều hơn chiến tranh. Người lính trong phim trải qua nỗi đau giằng xé và nhận ra sự vô nghĩa của cuộc chiến.

Ngày 19-5 sẽ là ngày công bố và vinh danh những tác phẩm được giải. Chúng ta hãy cùng chờ đợi những bất ngờ ở phía trước.
Dương Thục Anh (tổng hợp)

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/tiec-cannes-2018-dau-an-chau-a-va-niem-tu-hao-mang-ten-viet-nam-492030/