Tiếc cho di sản trăm năm

Trước lúc đi xa, học giả Vương Hồng Sển (1902 - 1996) lập di chúc và hiến tặng toàn bộ di sản của mình (nhà, cổ vật…) cho Nhà nước, với ước nguyện thành lập bảo tàng mang tên ông. Thế nhưng, đã 24 năm trôi qua kể từ ngày cụ Vương mất, ước nguyện vẫn chưa thành, trong lúc ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng.

Một gian trong Vân Đường phủ còn lưu lại ít nhiều dấu ấn của chủ nhân, chắc rằng du khách sẽ thú vị nếu như được mở cửa tham quan

Ai cũng biết, tự thiếu thời cụ Vương đã có thú đam mê sưu tầm đồ cổ. Sau Cách mạng tháng Tám, cụ rời Sóc Trăng lên Sài Gòn lập nghiệp. Chính quyền thuộc địa khi ấy đã biết tiếng cụ nên mời về làm ở Bảo tàng Sài Gòn. Năm 1952, cụ Vương nghỉ hưu, cụ đã có trong tay bộ sưu tập đồ cổ kha khá. Để có chỗ lưu giữ và làm nơi cho người đời sau tới lui chiêm ngưỡng, cụ mua lại xác nhà gỗ ba gian, có gần 100 tuổi tận miệt Phú Xuân, Nhà Bè, về dựng lại trên diện tích 720m2 đất, tọa lạc đường Nguyễn Thiện Thuật (Q.Bình Thạnh, Tp.HCM), ngôi nhà vẫn tồn tại đến ngày nay.

Ngôi nhà yêu quí này được cụ Vương gọi là Vân Đường phủ. Vân Đường phủ được lợp ngói đỏ âm dương, theo thời gian, mái ngói nhiều chỗ hư hỏng. Từ lúc cụ Vương mất, không biết có phải do thiếu sự chăm sóc của người đời, hay buồn vì chủ nhân trở thành người thiên cổ mà ngôi nhà bị hư hại nhiều. Ở gian phụ ngôi nhà, lúc sinh thời cụ Vương dùng làm nơi đọc sách nay con cháu dùng làm nơi sinh hoạt với ngổn ngang đồ đạc. Trong khuôn viên nhà còn có quán ăn bình dân, cứ mỗi cuối chiều trở nên nhộn nhạo, ai có chút lòng hoài cổ cũng tỏ ý tiếc cho di sản trăm năm của người quá cố. Trong khi, Vân Đường phủ - một nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa được UBND Tp.HCM xếp hạng di tích từ năm 2003.

Ước nguyện một đời cũng như không. Có lẽ đó là cảm nhận của những ai từng biết và yêu mến cụ Vương khi có dịp quay lại Vân Đường phủ. Một cảm giác cô đơn, hoang tàn, xơ xác. Vì đâu nên nỗi, và trách nhiệm thuộc về ai? Câu hỏi không mới, nhưng thật khó có câu trả lời chính thức. Bởi, nếu có ai đó chịu trách nhiệm thì ngôi nhà của cụ Vương nay chắc rằng đã khác. Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn – một học trò nối nghiệp của học giả Vương Hồng Sển, Vân Đường phủ nay đã ngoài 100 tuổi. Hơn 20 năm qua, kể từ ngày cụ Vương mất, con cháu cụ vẫn ở phía sau nhà, nhưng do thiếu bàn tay yêu thương chăm sóc nên ngôi nhà gần như hư hỏng hết. Chỉ vài mùa mưa nữa thôi, toàn bộ căn nhà sẽ sụp đổ. Bởi thật lòng con cháu cụ Vương cũng khó khăn nên đâu có thời gian mà hoài niệm, giữ gìn. Có lẽ họ chỉ quan tâm đến giá trị của mảnh đất mà thôi. Đừng ngạc nhiên khi phải nói ra điều này, vì ngay cả Tp.HCM khi tiếp nhận di chúc của cụ Vương cũng không lường hết được những hệ lụy rất khó giải quyết xung quanh ngôi nhà này. Trong di chúc cụ Vương chỉ thể hiện ý chí hiến nhà, cổ vật và sách vở. Đây chính là vướng mắc lâu nay không thể dung hòa dẫn đến việc thành lập Bảo tàng Vương Hồng Sển bị bế tắc.

Để cứu vãn ngôi nhà có nguy cơ sụp đổ, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho rằng một phương án khả thi có thể thực hiện nhanh trong lúc này và cũng phù hợp với ước nguyện của cụ Vương. Ông nói lúc sinh thời cụ Vương từng tâm sự với những người bạn tri kỷ khi vừa chở nhà từ Phú Xuân về, cụ muốn dựng lại trong Thảo Cầm Viên để sau này tặng luôn cho dễ bề quản lý, chính quyền khi ấy không đồng ý. Còn giờ đây mọi chuyện đã khác, Nhà nước cũng nên thương lượng với con cháu cụ Vương, mang nhà vào Thảo Cầm Viên phục dựng, trưng bày cổ vật. Vừa thuận lợi về mặt quản lý, vừa tiết kiệm được ngân sách. Đồng thời cũng tránh được tiếng tranh chấp với con cháu cụ Vương đến hơn 20 năm vẫn không xong!

Lần gần đây nhất, tại kỳ họp thứ 17, HĐND Tp.HCM, khóa IX, nhiều đại biểu lên tiếng quyết liệt trong việc bảo quản, bảo tồn di sản văn hóa, trong đó có ngôi nhà cổ của cố học giả Vương Hồng Sển. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của người có trách nhiệm cho rằng, đây là câu chuyện dài và hiện đang chờ tòa án giải quyết về mặt pháp lý. Như vậy, rất có thể “câu chuyện Vân Đường phủ” vẫn chưa kết thúc, những người quan tâm còn phải chờ đợi trong tình trạng ngôi nhà ngày càng xuống cấp.

Cao Phương

baodulich.net.vn

Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/tiec-cho-di-san-tram-nam-565697.html