Tiềm ẩn nguy cơ lan ra cộng đồng

Cảnh báo nguy cơ dịch xâm nhập các cơ sở y tế nên nhân viên y tế phải phòng hộ, bảo đảm yêu cầu về khoảng cách tiếp xúc

Sáng 4-4, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19 với 27 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Coi ca bệnh 237 như tâm dịch

Tại hội nghị, PGS-TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết đến thời điểm này, Hà Nội đã rà soát, quản lý, cách ly 455 trường hợp tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với người tiếp xúc liên quan đến bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 237 người Thụy Điển. 101 trường hợp được xác định là F1 (tiếp xúc trực tiếp) đã được cách ly tại bệnh viện và lấy mẫu xét nghiệm. Họ là nhân viên y tế của Bệnh viện (BV) Đa khoa Đức Giang, Viện Huyết học truyền máu trung ương, BV E, BV Việt Pháp và nhân viên khách sạn nơi bệnh nhân này đã lưu trú. Ngoài ra, 354 người là F2 hiện đã thực hiện cách ly tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm.

Nhận định bệnh nhân 237 có lịch trình di chuyển phức tạp, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn để người dân tự khai báo nếu có liên quan; những người đến khám, chăm sóc phục vụ người bệnh tại BV Bạch Mai trong thời gian qua cũng tương tự. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, do bệnh nhân 237 có liên quan nhiều cơ sở y tế nên Bộ Y tế giao Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội xử lý, coi như một tâm dịch và có các biện pháp triển khai quyết liệt để tránh lây lan ra cộng đồng. Các chuyên gia cũng cảnh báo nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập các cơ sở y tế nên những nơi này phải tuân thủ đầy đủ biện pháp phân luồng, kiểm soát nhiễm khuẩn, nhân viên y tế phải tuân thủ các biện pháp phòng hộ, bảo đảm khoảng cách giữa những người đến khám...

Ông Đỗ Xuân Tuyên cũng lưu ý các địa phương cần duy trì tổ "đi từng ngõ, gõ từng nhà", mỗi tổ tối thiểu 2 người, gồm: cảnh sát khu vực và y tế cơ sở, đại diện MTTQ, trưởng thôn, tổ trưởng khu phố... Mỗi tổ phụ trách một cụm dân cư, khu phố khoảng 50 hộ gia đình lập danh sách theo dõi, sàng lọc chặt chẽ những ai có biểu hiện sốt, ho, khó thở; đặc biệt là những người đi về từ vùng dịch. "Địa phương cũng phải chọn 1 huyện hoặc phường xét nghiệm để đánh giá nguy cơ lây lan" - ông Tuyên nói.

Về việc xét nghiệm ở những khu cách ly tập trung, Bộ Y tế yêu cầu phải xét nghiệm lần 2 trong thời gian cách ly vì có những trường hợp phải sau 7 ngày nồng độ virus mới đủ để xác định có mắc Covid-19.

Kiểm tra thân nhiệt người dân trước khi vào bệnh viện khám chữa bệnh và chăm sóc thân nhân Ảnh: Vương Tuấn

Giãn cách xã hội chứ không "ngăn sông cấm chợ"

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Hiện 25 tỉnh, thành phố có 240 người mắc Covid-19, chưa có ca tử vong nhưng dịch bệnh vẫn tiểm ẩn những nguy cơ lan rộng ra cộng đồng, do vậy các địa phương thực hiện nghiêm túc quy định về phòng chống dịch. Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó cho phù hợp với tình hình dịch của địa phương và chuẩn bị phương án trong trường hợp dịch lan rộng. Hiện Ban Chỉ đạo quốc gia đã xác định dịch Covid-19 đang ở cấp độ 3. Dự báo trong thời gian tới, tình hình dịch sẽ phức tạp, khó lường.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng nhấn mạnh các địa phương thực hiện tốt việc khoanh vùng, dập dịch để hạn chế lây lan, thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng là "đi từng ngõ, gõ từng nhà, phát hiện từng đối tượng", theo phương châm phát hiện và cách ly. "Thực hiện nghiêm túc việc cách ly xã hội của Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Cách ly xã hội là giãn cách xã hội chứ không phải là ngăn sông cấm chợ" - ông nhấn mạnh.

Đối với công tác điều trị vẫn thực hiện theo nguyên tắc dịch ở đâu khoanh vùng dập dịch ở đó. Điều trị bệnh nhân tại chỗ, chỉ chuyển lên tuyến trên khi bệnh nhân nặng vượt quá khả năng chuyên môn của đơn vị. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng đề nghị các địa phương xử lý theo quy định của pháp luật những đối tượng cố tình không chấp hành quy định về cách ly y tế.

Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cho biết đã có nhiều BV có thực hiện giãn cách chống dịch, yêu cầu người bệnh/người nhà bệnh nhân ngồi cách xa nhau; khuyến cáo các BV không lơ là bởi tất cả những người vào viện đều có nguy cơ nhiễm bệnh, thực hiện cấp phát thuốc từ 1-3 tháng đối với những trường hợp bệnh nhân có bệnh mạn tính điều trị dài ngày. Đối với bệnh nhân nội trú chỉ có một người nhà chăm và cấm thăm bệnh.

Sở Y tế TP Hà Nội vừa đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã rà soát các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ, phòng khám phục hồi chức năng; đề nghị tạm dừng hoạt động cho đến khi có thông báo, chỉ đạo tiếp theo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đà Nẵng chính thức cách ly người về từ TP HCM và Hà Nội

Ngày 4-4, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng đã có công văn gửi các cơ quan có liên quan, chỉ đạo tổ chức cách ly y tế tập trung có thu phí đối với công dân rời khỏi Hà Nội và TP HCM từ ngày 5-4, kể cả người dân Đà Nẵng đang học tập, làm việc, sinh sống tại 2 địa phương, về đến TP này. Thời gian cách ly được áp dụng 14 ngày. Đối với các công dân rời Hà Nội, TP HCM từ ngày 1 đến ngày 4-4 và những công dân từ các địa phương có trường hợp bệnh Covid-19 lây lan thứ phát tại cộng đồng đến Đà Nẵng được tổ chức cách ly tại nhà, nơi cư trú, lưu trú, tạm trú.

B.Vân

Ngọc Dung

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tiem-an-nguy-co-lan-ra-cong-dong-20200404221857971.htm